Nhiều nguyên nhân gây mòn răng

Độ nhạy cảm của răng tăng cao là một trong những cách cơ thể báo hiệu bạn đang bị mòn răng.

Chăm sóc răng quá kỹ cũng là nguyên nhân

Men răng là một “chất liệu” cứng nhất trên cơ thể con người, do đó nhiệm vụ của nó chính là bảo vệ ngà răng nơi bảo vệ tủy răng, các dây thần kinh, mạch máu,… của răng. Men răng như một viên đá nhỏ, tuy nhiên như câu “nước chảy đá mòn”, men răng cũng sẽ gặp tình trạng tương tự như vậy nếu bị một số nhân tố tác động làm hao mòn dần dần. Nguyên nhân gây mòn răng được chia làm hai loại: hóa học và cơ học.

Mòn răng hóa học có thể hiểu là do các chất hóa học gây ra, điển hình là acid trong đồ ăn, thức uống. Ví dụ như nước cam, chanh, nước khoáng, nước ngọt có gas,… hoặc các loại thuốc có độ acid cao như viên nhai vitamin C, viên nhai Aspirin. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn có thể là do dịch vị dạ dày gây ra nếu bạn có bệnh lý ở đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản. Thói quen ăn uống không kiểm soát dẫn đến tình trạng ói mửa thường xuyên, hay việc móc họng ói (cách giảm cân nguy hiểm) sau khi ăn cũng khiến men răng bị ảnh hưởng. Theo các nghiên cứu và thống kê thì mòn răng hóa học thường xảy ra ở trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ (dưới 25 tuổi).

Nhiều nguyên nhân gây mòn răng ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Vũ Xuân Huy.

Ngược lại, mòn răng cơ học có nguyên nhân chủ yếu là do tác động của chính bản thân chúng ta. Hầu như mọi người đều nghĩ chải răng càng lâu, càng mạnh là răng càng sạch. Chính sự hiểu nhầm này đã tạo ra một lực ma sát lớn giữa bàn chải và men răng dẫn đến sự hao mòn, nếu bạn dùng loại lông bàn chải cứng thì hiện tượng này diễn ra càng nhanh.

Người Việt Nam có thói quen dùng tăm xỉa răng sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, sử dụng tăm sai cách bạn sẽ làm tổn thương nướu, dễ nhiễm trùng và dẫn đến viêm nướu; không những thế, xỉa răng quá thường xuyên sẽ gây ra hiện tượng mòn chân răng hay tạo khe hở giữa hai răng rất mất thẩm mỹ. Thêm vào đó, hiện tượng nghiến răng cũng góp mặt trong danh sách các yếu tố gây mòn răng cơ học.

Mòn răng hóa học và cơ học sẽ gây ra những tổn thương khác nhau trên bề mặt răng. Đối với tác nhân hóa học, bề mặt ngoài của răng trở nên nhẵn hơn và tác nhân cơ học gây ra những rãnh khuyết hình chữ V ở 1/3 cổ răng gần đường viền nướu.

Cách thức phòng ngừa và điều trị

Nếu có biểu hiện răng nhạy cảm với nhiệt độ hoặc độ ngọt của đồ ăn, thức uống hoặc xuất hiện một vết khuyến trên răng, bạn hãy đến gặp nha sĩ. Vì hiện tượng này sẽ diễn tiến đến tình trạng tệ hơn đó là hủy hoại ngà răng, dẫn đến áp xe và cuối cùng là mất răng.

Nhiều nguyên nhân gây mòn răng ảnh 2

Răng đẹp đem lại sự tự tin.

Đầu tiên nha sĩ sẽ chẩn đoán qua triệu chứng và tình trạng mòn của răng để xác định yếu tố gây ra là cơ học hay hóa học. Sau khi yếu tố này được xác định, nha sĩ sẽ tiếp tục tiến hành tìm nguyên nhân nhằm can thiệp để loại bỏ hoặc điều trị. Điều trị mòn răng tùy thuộc vào tình trạng tổn thương men răng. Nếu tổn thương mòn sâu bên trong, chúng sẽ được trám lại, nếu tổn thương nông, răng không bị nhạy cảm (hoặc có nhưng không nhiều), bạn có thể không cần điều trị. Đối với trường hợp do nghiến răng, nha sĩ sẽ làm cho bạn một máng nhai, nhằm giảm tối đa tổn thương răng về mặt cơ học.

Những trường hợp mòn răng quá sâu có thể cần đến điều trị tủy hoặc nhổ bỏ. Những điều trị phục hồi sẽ được sử dụng để cải thiện chức năng và độ thẩm mỹ của răng. Nha sĩ sẽ không làm bất cứ điều trị phục hình nào khi chưa tìm ra hoặc chưa giải quyết triệt để nguyên nhân gây mòn răng. Tuy nhiên, nha sĩ có thể giúp bạn hạn chế mòn răng, ví dụ: trám một lớp nhựa composite lên răng, vai trò như một rào chắn sự tiếp xúc giữa acid và bề mặt thật của răng.

Các chuyên gia nha khoa thế giới khuyến cáo chúng ta nên dùng bàn chải răng lông mềm, chải nhẹ nhàng, hai lần/ngày, sau bữa ăn và nên tập thói quen dùng chỉ nha khoa thay thế tăm xỉa răng. Sau khi súc miệng, bạn nên bôi một lượng nhỏ kem đánh răng lên răng, tác dụng của fluor sẽ giúp bảo vệ răng bạn lâu hơn.

Bạn có thể áp dụng thêm những gợi ý sau để phòng tránh mòn răng cơ học và mòn răng hóa học:

- Ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa acid, súc miệng bằng nước, sữa hoặc nước súc miệng có chứa fluor.

- Uống nhiều nước trong ngày, đặc biệt giữa các bữa ăn.

- Tránh hoặc giảm thiểu việc ăn uống có chứa acid. Hạn chế thức uống có chứa acid trong bữa ăn.

- Nên uống sữa không đường và không hương vị thay cho các thức uống có chứa đường.

- Uống những thức uống có chứa acid bằng ống hút. Đặt ống hút vào sau các răng trước, khoảng giữa lưỡi.

- Trì hoãn việc đánh răng ít nhất 30 phút sau khi tiếp xúc với acid để nước bọt giúp làm trung hòa men răng.

- Nha sĩ có thể cho bạn toa thuốc bao gồm các sản phẩm có chứa fluor, ví dụ: kem fluor, bạn có thể bôi lên răng.

- Nhai kẹo cao su để tăng tiết nước bọt.

- Sử dụng chỉ nha khoa và tăm xỉa răng đúng cách.

- Uống vitamin C với nước thay vì nhai chúng.

BS NGUYỄN VŨ XUÂN HUY (chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm