“SÁT THỦ WARFARIN” GIẾT 177 BỆNH NHI - BÀI 1:

Thảm họa phấn rôm 1981

Năm 1975, chưa từng có trong lịch sử dịch sốt xuất huyết bùng phát ở các tỉnh phía Nam làm hàng ngàn người mắc và tử vong. Năm 1976 tiếp tục xảy ra dịch tả, năm 1977 dịch hạch. Đến năm 1981, một trận dịch xuất phát từ phấn rôm làm hàng trăm trẻ em tử vong. Có lẽ trận dịch phấn rôm này là đau lòng nhất và những người làm công tác quản lý hay điều trị lúc đó hẳn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Trong hồi ký viết vào tháng 4-2009, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng đã nhắc lại vụ phấn rôm này như một trải nghiệm trong đời mình.

177 trẻ chết không rõ nguyên nhân

Năm 1978, ngành huyết học tại TP.HCM như con số không. Lúc đó, bác sĩ Bình vừa đi học tập cải tạo về (ông là bác sĩ chế độ cũ - PV), xin vào làm tại Trung tâm Truyền máu huyết học (nay là BV Truyền máu huyết học). Trước đây ông được đào tạo chuyên khoa huyết học và miễn dịch học tại Đại học Y khoa Paris.

Bác sĩ Bình kể lại, năm 1981, chỉ trong vòng ba tháng, tại TP.HCM có hơn 700 trẻ em từ 15 ngày đến ba tháng tuổi tại BV Nhi đồng 1, 2 nhiễm bệnh lạ và xảy ra tử vong hàng loạt mà không xác định được nguyên nhân. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm nguyên nhân.

Giáo sư-Viện sĩ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lúc đó, giao việc cho nhiều nhóm, nhóm bác sĩ Bình phụ trách nghiên cứu huyết học. Bác sĩ Bình nghi là trẻ bị nhiễm một chất từ bên ngoài, có thể là thuốc rầy nhưng không có căn cứ. Cả tháng trời không tìm ra nguyên nhân. Trẻ nhập viện thì được điều trị hú họa bằng kháng sinh, truyền máu, vitamin K, thuốc chống chảy máu… Trẻ sống èo uột, lượng trẻ chết cứ tăng vọt.

Gọi tên thủ phạm từ mẫn cảm khoa học

Dụng cụ nghiên cứu lúc đó là bình chưng cách thủy tự chế, ống nghiệm, thuốc thử là óc thỏ, óc bò, máu bò điều chế ra. Hai tuần đầu nghiên cứu, bác sĩ Bình nghĩ đây là rối loạn đông máu, nghi nhiễm độc chất từ bên ngoài.

Thảm họa phấn rôm 1981 ảnh 1

Phó Giáo sư - bác sĩ Trần Văn Bình trong phòng thí nghiệm của BV Truyền máu và huyết học. Ảnh: DUY TÍNH

“Thời điểm đó, ở Hà Nội, các đồng nghiệp cũng đang nghiên cứu và cho rằng đây là một loại virus sốt xuất huyết mới. Trong khi đó theo kinh nghiệm lâm sàng, tôi nghĩ đến vấn đề rối loạn đông máu. Có lúc tôi mặc cảm về thành phần chính trị, tự nhủ hay là mình thối lui. Bạn bè nước ngoài cũng gọi điện thoại về khuyên không nên vướng vào chuyện này ” - bác sĩ Bình nhớ lại. Sự khác biệt về nhận định khoa học giữa viên chức cũ được lưu dụng với các bác sĩ Hà Nội trong hoàn cảnh bấy giờ là điều rất tế nhị.

Ông quyết định trở lại BV Nhi đồng 1, 2 nghiên cứu lại thực trạng và đau đớn nhìn các em còn đang thoi thóp, khóc không ra hơi lần cuối. Trẻ nằm trên giường, dưới đất la liệt. Ông nghĩ các em đều có quyền sống, là một bác sĩ ông phải quyết đoán. Ông biết nếu ông làm sai thì cái giá ông phải trả là không nhỏ cho sinh mạng các em lẫn sinh mạng chính trị của ông. Ông cúi người xuống các em nói thầm: Máu của mấy em tôi mượn nhưng tôi sẽ trả lại cho các em khác. Các em hãy ra đi bình yên!

Ông đã nhờ y tá tiếp tục lấy mẫu máu hơn 10 em để xét nghiệm và cuối cùng cũng định dạng được chất lạ.

600 trẻ được cứu sống

Sở Y tế TP.HCM đã mời chuyên gia Martin Bruyer, Viện Độc chất Paris, sang trợ giúp. Ông Martin đã đề nghị hai việc: Thứ nhất, nghiên cứu dịch tễ trên 200 hồ sơ, bởi nếu nói ngộ độc thì phải có yếu tố chung. Thứ hai, ba ngày sau phải có kết quả.

Thảm họa phấn rôm 1981 ảnh 2

Blog của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một trong các tài liệu ít ỏi còn nhắc về thảm họa phấn rôm năm 1981 ở TP.HCM. Ảnh: DUY TÍNH

Suốt ba ngày đêm không ngủ, bác sĩ Bình và các cộng sự đã rút ra được kết quả: Tất cả các em đều ăn cơm và xức phấn rôm. Tuy nhiên, nếu ăn cơm bị mốc thì cũng không thể gây chảy máu và ai cũng ăn cơm nhưng tại sao người lớn không bị. Giả thiết ăn cơm được loại trừ. Cái còn lại là phấn rôm.

Ngay lập tức, ông Martin đã đến BV Nhi đồng 1, 2 lấy một lô phấn rôm (lúc đó phụ huynh vẫn còn cho con dùng phấn rôm vì chưa biết - PV) mang về Pháp xét nghiệm. Thật bất ngờ, sau 24 tiếng đồng hồ, ông Martin thông báo kết quả trong phấn rôm có chất warfarin - một loại chất độc sử dụng trong thuốc diệt chuột.

Bác sĩ Bình hỏi: Làm sao tôi đối phó vì nó đã thấm vào máu nếu không có huyết phẩm PPSB. Ông Martin hỏi cần bao nhiêu. Bác sĩ Bình nói cần 300 liều đầu tiên. Một tuần sau, thuốc đã về tới Việt Nam. Một tuần tiếp theo, 300 liều nữa được gửi sang. Em mắc nhẹ tiêm một liều, em nặng tiêm hai liều miễn phí. Ngay tại thời điểm năm 1980, một liều thuốc PPSB trị giá 150 đôla Mỹ.

Tại thời điểm đó, chính quyền TP.HCM đã phát loa kêu gọi mọi người không được dùng phấn rôm, hãy hủy hoặc giao lại cho chính quyền tiêu hủy. “Hai tuần sau không còn một em nào bị nhiễm warfarin tử vong nữa” - bác sĩ Bình vui mừng nói. Lúc đó có khoảng 600 đứa trẻ được cứu sống.

Từ khi phát hiện nguyên nhân, những đứa trẻ sử dụng phấn rôm có wafarin nhập viện khi trở về nhà tiếp tục có những triệu chứng xuất huyết trở lại. Lại phải tiếp tục nghiên cứu và phát hiện ra một số bà mẹ ở chung với con trong bệnh viện vẫn tiếp tục sử dụng phấn rôm. Chính điều này đã giải thích vì sao nhiều bà mẹ cũng thiếu vitamin K. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đối với những bà mẹ này cũng cho thấy có rối loạn đông máu.

Một thảm họa bị bỏ quên

Một bài báo trong nước được đăng năm 2006 nêu sự kiện vào năm 1980, đại dịch phấn rôm đã giết chết khoảng 3.000 trẻ em tuổi từ 15 ngày đến ba tháng chỉ trong vòng ba tuần. Nhiều ngày liền, tôi tra cứu trên Internet để tìm xem tình hình “đại dịch phấn rôm năm 1980”, thế nhưng không có một trang web nào đề cập đến. Rồi tìm từ khóa “xét xử người làm phấn rôm giả năm 1982” cũng không thể lần ra được. Sau nhiều ngày dò tìm, qua một vài thông tin mơ hồ, tôi  tìm gặp Phó Giáo sư-bác sĩ Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết - Sinh học BV Truyền máu và huyết học TP.HCM, Giáo sư-Viện sĩ Dương Quang Trung và một số nhân chứng ít ỏi có liên quan để tìm hiểu về thảm họa đã bị bỏ quên này.

DUY TÍNH

Bài 2: Bỏ chất độc warfarin vào phấn rôm để tạo mùi thơm

Chỉ vì muốn làm cho phấn rôm thơm hơn, bảo quản được lâu, một cơ sở sản xuất hàng nhái nhãn hiệu Johnson Baby Power đã bỏ chất warfarin vào với thành phần chất warfarin cao hơn trong thuốc diệt chuột 5-7 lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm