Tiêm phòng trước khi mang thai

Rubella: Đây là bệnh lành tính, khỏi trong thời gian ngắn và hoàn toàn có thể phòng ngừa. Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ sẽ lây cho thai nhi gây ra sẩy thai hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho trẻ như mù, điếc, suy dinh dưỡng bào thai, tật ở tim... Vì vậy, trước khi để cấn thai ít nhất ba tháng, phụ nữ nên đi tiêm phòng Rubella một mũi duy nhất. Tuy nhiên, nếu đã bị nhiễm Rubella trước đó (được bác sĩ chẩn đoán hoặc làm xét nghiệm máu dương tính) thì không cần chích ngừa nữa.

Viêm gan siêu vi B (VGSVB): Phụ nữ có thể bị nhiễm VGSVB trước hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian mang thai. Thống kê cho thấy nếu mẹ mang thai bị VGSVB trong ba tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ lây truyền bệnh cho trẻ sơ sinh không đáng kể (1%) nhưng nếu mẹ bị VGSVB trong ba tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10%-20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong ba tháng cuối của thai kỳ. Vì thế phụ nữ nên tiêm chủng vaccine phòng VGSVB trước khi mang thai để tránh lây truyền cho con.

Tiêm phòng trước khi mang thai ảnh 1

Tiêm phòng và khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai rất quan trọng. Ảnh minh họa: INTERNET

Thủy đậu: Khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virus gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở. Vì vậy, trước khi chuẩn bị có bầu, phụ nữ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu một lần duy nhất và ít nhất ba tháng sau đó mới nên có em bé.

Uốn ván: Uốn ván là một chứng bệnh tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây co cứng cơ và rối loạn nhận thức. Chúng xâm nhập vào mạch máu qua vết thương hở trên da, vì vậy tốt nhất là chích ngừa uốn ván ngay khi còn nhỏ, người lớn và nhất là phụ nữ cũng nên đi chích ngừa uốn ván vì khả năng bị lây nhiễm rất cao. Nhiễm uốn ván lúc mang thai có thể gây nên tình trạng thai chết lưu. Phụ nữ có thai chưa chích uốn ván cần chích đủ hai liều và phải ngưng chủng ngừa trước khi sanh một tháng. Thuốc ngừa uốn ván chích khi mang thai vô hại đối với thai nhi.

Tiêm phòng cúm: Phụ nữ cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang bầu để phòng tránh những cơn cúm trong thời gian mang thai và nhất là phòng tránh dị tật thai khi bị cúm trong ba tháng đầu. Thuốc ngừa cúm thường hiệu lực chỉ trong một năm. Với trường hợp chưa tiêm phòng mà nhiễm cúm xuất hiện triệu chứng như hắt hơi, ho hay chảy nước mũi, khó thở, cần đi khám sớm, nghỉ ngơi, uống đủ nước và theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn.

Sởi: Nếu mẹ mắc bệnh sởi trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất lớn. Còn trong giai đoạn tiếp theo của thai kỳ thì nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát… cũng khá cao. Tại Việt Nam, do khá nhiều phụ nữ đã bị mắc sởi từ nhỏ nên không có chương trình tiêm sởi cho người lớn.

Lưu ý: Khi tiêm chủng phòng bệnh, cần áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong khoảng 3-6 tháng. Nếu trong khoảng thời gian đó, chẳng may “vỡ kế hoạch”, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và theo dõi quá trình phát triển của em bé một cách chặt chẽ. Trong thời gian mang thai, thai phụ chỉ tiêm hai mũi uốn ván. Nếu đang bị bệnh, nóng sốt hay các bệnh khớp, thận... cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vaccine.

Ngoài việc tiêm phòng, khi chuẩn bị có thai, phụ nữ cũng nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện và điều trị ổn định bệnh trước khi có thai. Nếu có bệnh lý tim mạch, cường giáp, đái tháo đường… người mẹ điều trị chưa ổn định thì không nên để cấn thai. Việc kiểm tra bệnh di truyền từ họ hàng cả hai bên là cần thiết, tranh thủ ý kiến của bác sĩ để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh di truyền đối với em bé. Nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt không tốt như rượu bia, thuốc lá, cà phê, làm việc quá khuya, các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh cường độ cao... Nên khám phụ khoa trước khi có thai vì một số bệnh phụ khoa có khả năng làm ảnh hưởng tới việc có thai hoặc làm giảm khả năng có thai.

NHẬT LINH (với sự tư vấn của BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.