Bến xe mới trăm tỉ đìu hiu

“Chúng tôi thật sự mong mỏi TP, các sở ban ngành, đặc biệt là Sở GTVT cùng rà soát, chân tình với doanh nghiệp để tổ chức phân luồng lại tuyến theo quy định của Bộ GTVT thì mới tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp” - ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đơn vị đầu tư bến xe phía Nam Đà Nẵng chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM.

Bến xe 150 tỉ đồng thành bến… vắng

Có mặt tại bến xe phía Nam TP Đà Nẵng đầu tháng 12-2017, PV ghi nhận cảnh đìu hiu của nơi từng được kỳ vọng “chia lửa” cho bến xe trung tâm TP đang ngày càng quá tải. Ngoài sân bãi không hề có bóng dáng chiếc xe khách nào. Quang cảnh bên trong nhà chờ còn ảm đạm hơn. Cả hàng dài ghế nhựa bám bụi, phòng vé vắng vẻ, tĩnh lặng.

Một quản lý bến xe này cho hay hiện chỉ có sáu doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại bến với năm tuyến xe. Bình quân 300 chuyến/tháng với lưu lượng 6.000 lượt hành khách/tháng. Cả bến xe rộng gần 65.000 m2 nhưng chỉ có bảy nhân viên làm việc.

Kể lại thời điểm hăm hở đầu tư bến xe phía Nam, ông Bùi Pháp cho hay: Năm 2008, UBND TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư xã hội hóa bến xe phía Bắc và phía Nam. Thời điểm này TP chỉ có một bến xe trung tâm đặt tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Hưởng ứng lời kêu gọi này, đơn vị đã đầu tư 150 tỉ đồng để xây dựng mới bến xe phía Nam tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang với tiêu chuẩn bến xe loại 1. Năng lực khai thác từ 800 đến 1.000 lượt xe xuất bến/ngày và khánh thành ngày 24-9-2012.

Bến xe phía Nam Đà Nẵng được đầu tư 150 tỉ đồng gần như bỏ không năm năm qua. Ảnh: TẤN VIỆT

“Trước khi đầu tư vào dự án này, chúng tôi đã báo cáo dự án đầu tư, được Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng ủng hộ, phê duyệt dự án và hứa hẹn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc cơ chế, chính sách nên đến nay bến xe phía Nam vẫn chưa khai thác được như kế hoạch để thu hồi vốn và đang phải chịu trả vốn gốc, lãi vay ngân hàng và chi phí quản lý mỗi năm gần 20 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư và chi phí phát sinh đến nay là 250 tỉ đồng. Khả năng công ty không trả nợ được vốn vay ngân hàng, nguy cơ dẫn đến phá sản là không thể tránh khỏi” - ông Pháp nói.

Đại diện chủ đầu tư cho hay nguyên nhân của thảm cảnh trên vì Đà Nẵng vẫn giữ nguyên bến xe trung tâm mà không di dời, không xây dựng bến xe phía Bắc tại quận Liên Chiểu theo đúng quy hoạch trước đó. Đồng thời Đà Nẵng tiếp tục cho thuê đất 50 năm để bến xe trung tâm hoạt động. Chính vì vậy, bến xe phía Nam không thể thu hút xe khách vào bến bởi cách xa trung tâm đến hơn 13 km.

Các hãng xe không mặn mà

Theo tìm hiểu của PV, các chuyến xe đang hoạt động tại bến phía Nam TP đều chạy vào Bình Định. Lãnh đạo Công ty Vận tải Sơn Tùng, trụ sở tại Bình Định cho hay hãng có bảy chuyến/ngày ra vào bến xe phía Nam. Tuy vậy, đơn vị chỉ nhận khách đặt vé qua điện thoại mà không bố trí nhân viên bán vé tại bến vì quá ế ẩm. Với khoảng cách quá xa trung tâm TP, việc trung chuyển khách cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khi không có xe buýt kết nối.

Không còn kiên nhẫn chờ hỗ trợ của ngành GTVT Đà Nẵng, tháng 7-2017, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai gửi tờ trình xin TP điều chỉnh quy hoạch bến xe phía Nam. Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký phê duyệt phương án điều chỉnh này theo hướng: Cắt 32.000 m2/65.000 m2đất bến xe phía Nam chuyển thành đất xây dựng nhà máy lắp ráp điện tử do chính tập đoàn này đầu tư.

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, cho hay hiện Đà Nẵng có bến xe trung tâm đang quá tải. Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng 2030 của Bộ GTVT thì Đà Nẵng sẽ có thêm bến xe phía Bắc Đà Nẵng được quy hoạch 119 tuyến và bến xe phía Nam là 75 tuyến. Định hướng là vậy nhưng thực tế 75 tuyến của bến xe phía Nam vẫn đang hoạt động tại bến xe trung tâm chưa chịu dời đi. Ông Thuận lý giải theo các nghị định, thông tư liên quan đến loại hình kinh doanh vận tải thì các doanh nghiệp được quyền lựa chọn vị trí bến xe cho đơn vị mình. Do đó việc phân luồng tuyến cho các doanh nghiệp vận tải là trái với các quy định.

Trên cơ sở những quy hoạch của Bộ GTVT, Sở GTVT cũng có biểu đồ chạy xe đối với bến xe phía Nam và đã đưa lên mạng để cho doanh nghiệp đăng ký nhưng do bến xe chưa có điều kiện để quảng bá nên hiệu quả chưa cao” - ông Thuận nói thêm.

Dời bến xe trung tâm: Xa vời?

Tại quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng sẽ có hai bến xe phía Bắc và phía Nam. Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết theo quy hoạch này, bến xe trung tâm hiện hữu sẽ dời về bến xe phía Bắc. Nhưng hiện nay bến xe này còn nằm trong khu vực trung tâm TP cho nên trong tương lai cần dời bến xe này ra ngoài như quy hoạch của Chính phủ. Điều này giúp kết nối với ga đường sắt mới, đồng bộ về giao thông và giải quyết nạn ùn tắc tại cửa ngõ Tây Bắc TP.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tự Gia Thạnh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng, TP đã xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết và được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương. Cụ thể, ông Thạnh chưa nghe gì về chủ trương di dời bến xe trung tâm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm