'Căng thẳng ở Cai Lậy, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm'

Bộ trưởng, Bộ GTVT cần sớm di chuyển trạm BOT Cai Lậy vào tuyến đường tránh. Đồng thời, thay đổi cơ chế, điều chỉnh tăng phí để bù đắp thiếu hụt cho nhà đầu tư. Nếu làm vậy chắc chắn người dân sẽ đồng thuận.

Phải sửa sai bằng việc di dời trạm

Hiện nay người dân rất hiểu biết pháp luật, tính công bằng, hợp lý… vì vậy cần phải giải quyết các vấn đề minh bạch, thực tiễn và sát với quyền lợi của người dân. Nếu Bộ GTVT không dời trạm sẽ không giải quyết được vấn đề.

Lập luận của Bộ GTVT về việc di chuyển trạm BOT Cai Lậy vào tuyến đường tránh sẽ gây ùn tắc quốc lộ 1 là thiếu thuyết phục. Cần phải nhìn nhận rằng, trạm BOT đặt trên quốc lộ 1 như hiện nay là phục vụ nhà đầu tư, bởi mật độ giao thông lớn nên thu hồi vốn nhanh. Nếu muốn giảm ùn tắc ở khu vực thị xã Cai Lậy có rất nhiều biện pháp.

TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông)

Trong sự việc này, tân Bộ trưởng, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cần phải bán lĩnh, quyết đoán, sửa sai theo hướng đúng pháp luật và hợp lòng dân. Tuy nhiên, nếu tân Bộ trưởng không giải quyết nhanh, khoa học, hợp lý, hợp lòng dân…  gây mất trật tự an ninh trong thời gian dài, thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ...

Trước đây, một Bộ trưởng, Bộ GTVT từng lên kế hoạch đầu tư rầm rộ BOT. Trong đó, “chặt” quốc lộ 1A hơn 20 đoạn để thu phí BOT. Lúc đó, nhiều người đồng tình, ca ngợi nhưng tôi là một trong những người đầu tiên phản đối. Chúng ta, không thể “chặt” ra để làm BOT được, vì quốc lộ 1 A là tuyến quốc lộ huyết mạch của cả nước, bao nhiêu năm người Pháp và cha ông chúng ta dày công đầu tư mở rộng, giờ chỉ láng nhựa lên, mở rộng thêm một chút và thu phí của dân là vô lý.

TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông)

BOT Cai Lậy là vấn đề công lý

Vấn đề BOT Cai Lậy là vấn đề công lý. Khi công lý chưa được bảo đảm, thì sự phản kháng của những người lái xe sẽ vẫn còn tiếp tục. Các biện pháp, bố trí làn riêng cho xe thanh toán phí bằng tiền lẻ; bảo đảm đủ lượng tiền mệnh giá 100 đồng để thối lại cho lái xe... chỉ là những giải pháp để xử lý hiện tượng, chứ không phải để xử lý nguyên nhân.

Nguyên nhân là không đi trên đường tránh BOT mà phải trả phí BOT là không công bằng; đã đóng phí bảo trì đường bộ lại còn phải trả phí BOT khi đi trên đường số 1 là phí chồng lên phí.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

BOT là một chủ trương đột phá trong việc huy động nguồn lực của xã hội để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nhờ BOT mà cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước được cải thiện rất nhanh chóng. Tuy nhiên, do lần đầu triển khai nên những khiếm khuyết, bất cập của BOT là rất khó tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải đối mặt với những khiếm khuyết, bất cập đó để giải quyết. Quay lưng lại với chúng thì vấn đề vẫn còn nằm ở phía trước chúng ta...

Ông Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Khái niệm dự án nằm trong phạm vi là không hợp lý

Bộ GTVT nhiều lần đưa khái niệm dự án quốc lộ 1 A nằm trong phạm vi dự án hoàn toàn không hợp lý. Ai cũng nhìn thấy dự án BOT Cai Lậy được "móc ngoặc" thêm dự án quốc lộ để có vị trí đẹp đặt trạm nhằm thu hồi vốn nhanh, khiến nhiều người dân không đi qua tuyến tránh cũng phải đóng phí, đây là nguồn cơn của bức xúc....

TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia giao thông)

Để giải quyết tận gốc vấn đề, Bộ GTVT cần đưa trạm BOT Cai Lậy về đúng với vị trí của nó là tuyến đường tránh, hoặc Nhà nước phải đàm phán với nhà đầu tư để mua lại trạm này. Nếu không người dân sẽ tiếp tục đấu tranh, bức xúc ngày càng tăng khiến cho tình trạng ở đây lộn xộn, như vậy tổn thất gây ra về mặt kinh tế - chính trị sẽ lớn hơn.

TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia giao thông)

Chính quyền phải chịu trách nhiệm về sự cố tại Cai Lậy

Vị trí đặt trạm Cai Lậy là bất hợp lý, vì vậy Nhà nước cần thỏa thuận với nhà đầu tư mua lại trạm và di chuyển trạm BOT trên về đường tránh để thu phí.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu quốc hội.

Chúng ta cũng phải thừa nhận, trách nhiệm về vị trí đặt trạm chính là Nhà nước. Vì Nhà nước chấp thuận cho nhà đầu tư đặt trạm ở vị trí trên, nên Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết những rắc rối. Không nên để doanh nghiệp đối đầu với người dân.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu quốc hội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm