Chính phủ họp trực tuyến ‘giải cứu’ cát

“Nước ta có trữ lượng cát, sỏi khá lớn. Tính đến nay có hơn 800 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Tuy nhiên, đây là nguồn tài nguyên có giới hạn. Với tình hình khai thác hiện nay không những làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này mà còn gây ra nhiều hậu quả như xói mòn, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân…” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ lo ngại tại hội nghị trực tuyến về quản lý vật liệu xây dựng cát, sỏi trên phạm vi cả nước, ngày 6-7.

Địa phương nào cũng lo thiếu cát

Tại hội nghị, hầu hết các địa phương đều báo cáo nguồn cung cát tại địa phương không đủ cho nhu cầu xây dựng. Là tỉnh có hai dòng sông lớn Thu Bồn và Vu Gia với nhiều mỏ cát trữ lượng cao nhưng theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay lượng cát khai thác không đủ cung cấp cho nhu cầu xây dựng của tỉnh, chưa kể tỉnh này còn cung cấp cát xây dựng cho địa bàn TP Đà Nẵng. Ông Thanh cho rằng do lượng khai thác cát không đủ cung cấp cho nhu cầu xây dựng nên từ đầu năm đến nay giá cát trên địa bàn tỉnh tăng cao. “So với nhu cầu xây dựng tỉnh còn thiếu hàng triệu mét khối cát. Giá cát trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp đôi. Do đó tình hình khai thác cát trái phép ngày càng phức tạp. Nhiều địa điểm nhạy cảm chúng tôi phải gắn camera để giám sát” - ông Thanh nói.

Tương tự, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết dù tỉnh này có 11 mỏ cát (hiện có chín mỏ hoạt động) với trữ lượng cát hơn 2 triệu m3/năm và bốn dự án nạo vét luồng có tận thu cát (do Bộ GTVT TP cấp phép) với trữ lượng khoảng 2 triệu m3/năm nhưng cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu xây dựng. Do đó, chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nên cho phép các dự án nạo vét luồng sông không ảnh hưởng đến sạt lở thì được tận thu cát. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tìm nguồn vật liệu xây dựng thay thế cát.

Tình trạng thiếu hụt cát xây dựng xảy ra nhiều nơi khiến giá cát tăng vọt. Ảnh: TRUNG THANH

Trong khi đó, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, cho hay lượng cát khai thác trên địa bàn tỉnh khoảng 2 triệu m3/năm, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu xây dựng của địa phương. “Hiện nay chín dự án khai thác luồng sông tận thu cát (do Bộ GTVT cấp phép) đã tạm ngưng hoạt động để đánh giá lại nên lượng cát cung cấp cho nhu cầu xây dựng càng khan hiếm” - ông Chánh thông tin.

Đại diện Bộ Tài chính cũng như Bộ Công Thương cùng cho biết hiện có một số doanh nghiệp đề xuất nhập khẩu cát từ Campuchia để đáp ứng sự thiếu hụt cát hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này cần được cân nhắc vì nếu Campuchia khai thác cát ở thượng nguồn sông Mekong để cung cấp cho Việt Nam thì những tác động tiêu cực đến hạ nguồn sẽ xảy ra, lợi bất cập hại.

Gấp rút tìm vật liệu thay thế

Các đại biểu cũng báo động tài nguyên cát đang trở nên ngày càng “đắt đỏ” nhưng công tác quản lý còn lỏng lẻo. Ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng nguồn lợi từ việc khai thác cát, sỏi là rất lớn, rất dễ dẫn đến phát sinh lợi ích nhóm trong việc quản lý, khai thác. Vì thế, Chính phủ cần giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương tổng rà soát tất cả mỏ hiện nay để có cơ chế đánh thuế khai thác một cách hợp lý. “Cần coi cát, sỏi là loại vật liệu đặc biệt để có cách quản lý đặc biệt. Cứ như hiện nay thì đơn giản quá, múc cát lên là có tiền. Làm thế tôi cũng muốn đi múc cát!” - ông Đương bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đề nghị các cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc nghiệm thu, truy xét nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản đã sử dụng. Công trình nào sử dụng nguồn vật liệu không có chứng từ, không rõ nguồn gốc thì không nghiệm thu.

Về việc tìm giải pháp tháo gỡ thiếu hụt cát đáp ứng nhu cầu xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trên thực tế chỉ có 30% cát dùng cho việc đổ bê tông và xây tô, còn khoảng 70% dùng cho san lấp mặt bằng. Do đó cần phải giảm san lấp mặt bằng bằng cát như hiện nay. Đại diện Bộ Xây dựng đề xuất nên sử dụng các nguồn vật liệu như xỉ, tro… để thay thế dần cát trong xây lấp.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng tình với những đề xuất trên. Ông yêu cầu Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng thay thế cát xây dựng. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên này.

Nhiều vi phạm về khai thác cát

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước hiện có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Ngoài ra, tính từ năm 2016 đến nay đã có trên 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa tận thu cát được Bộ GTVT chấp thuận.

Báo cáo cho biết các dự án nạo vét thường lợi dụng sự thiếu kiểm tra của cơ quan chức năng để khai thác, xuất khẩu cát vượt khối lượng cho phép. Đến nay các dự án nạo vét trên hầu hết đã tạm dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Bộ GTVT. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã tăng cường các biện pháp đấu tranh nên tình hình khai thác cát trái phép đã giảm, một số địa bàn trọng điểm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động ở một số địa điểm trên các tuyến sông ở cả Bắc, Trung, Nam.

Đ.MINH

_____________________________

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý bên cạnh giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung cấp cát, sỏi hoặc các vật liệu tương đương cát đáp ứng nhu cầu xây dựng nhưng đồng thời cũng bảo vệ bờ biển, bờ sông; không để xảy ra khai thác ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm