Cho nhà trái phép tồn tại: Hậu quả khôn lường

Không biết Bộ Xây dựng lý giải như thế nào về chủ trương này nhưng dư luận thì lo lắng vì mới đây, ở Bangladesh một tòa nhà xây vượt phép ba tầng bị sập, làm cho hàng ngàn người thương vong.

Nhìn vào ta, cũng đã có nhiều công trình xây dựng trái phép bị phá dỡ, bị cắt gọt, trong đó nhiều trường hợp do xây dựng trái phép nên công trình bị sập, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Ngược lại, cũng có không ít công trình xây dựng trái phép lại được tồn tại. Vậy là quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng theo kiểu thích thì cho tồn tại, không thích thì đập, thì phá.

Tình hình xây dựng trái phép trên cả nước, nhất là ở các đô thị diễn ra rất phức tạp, chỉ tính trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM trong năm 2012 đã có tới 600 trường hợp xây nhà không phép, hơn 200 trường hợp xây dựng sai phép nhưng mới xử lý được khoảng 40%. Nay Bộ Xây dựng lại đề xuất đối với công trình xây dựng trái phép, cứ phạt tiền rồi cho tồn tại, có khác nào xúi dân xây thoải mái, sai đúng không thành vấn đề, miễn nộp tiền là được?!

Đề xuất của Bộ Xây dựng cũng thòng một số điều kiện và có vẻ rất hợp lòng dân, nhất là đối với những người đã và đang có ý định xây nhà trái phép. Không ai phủ nhận hiệu quả về kinh tế của chính sách này, vì nếu tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì tốn tiền của chủ đầu tư mà suy đến cùng là của cải xã hội. Nhưng dù lợi ích kinh tế đến đâu cũng không thể so sánh được với sự an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người dân. Ai dám bảo đảm rằng các tòa nhà cao tầng xây không đúng với giấy phép phạt cho tồn tại bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng. Không biết các tòa cao ốc ở TP.HCM xây trái phép như công trình cao ốc trên đảo Kim Cương, phường Bình Trưng Tây, quận 2; tòa cao ốc BMC trên đường Võ Văn Kiệt, tòa nhà Bảo Việt cao 11 tầng nằm trên khu đất vàng ở đường Đồng Khởi, quận 1 được phép tồn tại sau khi đã nộp tiền phạt có bảo đảm an toàn? Nếu đến một lúc nào đó nó cũng bị sập giống như trường hợp ở Bangladesh thì chủ nhà chịu trách nhiệm hay cơ quan phạt cho tồn tại chịu trách nhiệm? Đến lúc đó thì dù ai chịu trách nhiệm thì cũng không thể lấy lại mạng sống cho hàng ngàn người.

Khi duyệt thiết kế, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đã căn cứ vào quy hoạch mà Nhà nước phê duyệt, không thể có một công trình xây dựng trái phép nào lại “phù hợp” với quy hoạch cả. Làm gì có việc quy hoạch năm tầng mà cấp giấy phép cho xây ba tầng để rồi chủ nhà phải xây trái phép thêm hai tầng nữa rồi phạt cho tồn tại?

Phạt cho tồn tại không bao giờ là một biện pháp tăng sức răn đe mà chỉ là một cách để “hợp pháp hóa” các công trình xây trái phép, không thể làm chùn tay các chủ đầu tư xây dựng trái phép. Phạt cho tồn tại sẽ dẫn đến sự bất công giữa người dân với các “đại gia nhà giàu”: Ai có nhiều tiền thì sẽ được tồn tại, còn người dân không có tiền nộp phạt thì chắc không được tồn tại! Chủ trương của Bộ Xây dựng đưa ra đúng vào lúc ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM đang “tuyên chiến” với nhà không phép sẽ gây khó khăn cho việc quản lý của chính quyền cơ sở đối với các trường hợp xây nhà trái phép.

Cương quyết phá bỏ phần xây dựng trái phép mới là biện pháp tăng sức răn đe. Ở một số nước người ta không chỉ cắt gọt phần xây dựng trái phép mà họ phá bỏ cả công trình xây dựng trái phép để làm gương. Phạt cho tồn tại sẽ tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật, rồi chuyện gì sẽ xảy ra khi nơi này thì phạt cho tồn tại còn nơi khác thì không, đối với người này thì cho tồn tại còn người khác thì buộc đập bỏ?!

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm