Chọn giữ Sơn Trà, không chọn làm du lịch

“Hiện nay việc san ủi, chặt cây ở Sơn Trà là phản cảm, không được dư luận đồng tình. Đất nước chúng ta có những chỗ không chặt cây, không san ủi vẫn làm được du lịch. Chúng ta có thể làm cho cảnh quan đẹp hơn mà không tàn phá cảnh quan”.

GS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã nhấn mạnh như trên trong cuộc tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà” diễn ra ngày 30-5.

“Chiến đấu đến cùng”

Phát biểu tại tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay Sơn Trà là “lá phổi xanh” của TP Đà Nẵng, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu chúng ta làm cho lá phổi ung thư đi thì chúng ta thở bằng gì?”.

Tiếp đến, ông Vinh đặt vấn đề: “Chúng ta chọn thế nào? Chọn khai thác Sơn Trà để xây khách sạn trên đó hay giữ gìn Sơn Trà để khách đến tham quan?”. Rồi ông tự đưa ra quan điểm của mình: “Nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ hoang dã quý hiếm như vậy bên cạnh một TP hiện đại của Đà Nẵng thì đó là một điểm đến độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và Việt Nam. Nó sẽ làm tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, tăng kinh tế-xã hội của Đà Nẵng nói chung chứ không phải một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của”.

Hướng về phía các chủ tọa buổi tọa đàm, ông Vinh nói thêm: “Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà, bảo vệ nguyên trạng vẻ tự nhiên đó cho con cháu chúng ta. Mai mốt khi con của anh Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL), Nguyễn Văn Tuấn (Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch) đến thăm Đà Nẵng, chúng ta có thể tự hào rằng vào tháng 5-2017, cha đã giữ Sơn Trà cho con”.

Cuối cùng, ông Vinh khẳng định sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Sơn Trà.

Nhiều lần bị nhắc nhở về thời gian bài phát biểu của mình, ông Vinh vẫn xin được nói thêm và cho biết bài phát biểu của nhiều đại biểu khác còn dài hơn, đề nghị cần phải sòng phẳng về thời gian.

40 móng biệt thự của Công ty CP Biển Tiên Sa xây dựng tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: LÊ PHI

Quy định chặt về môi trường

Tiếp lời ông Vinh, ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch) thừa nhận chính nhờ ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các tổ chức khác mà vấn đề Sơn Trà được dư luận quan tâm và công khai. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đề nghị cần cái nhìn khách quan, khoa học, bình tĩnh để xem xét những ý kiến đó.

GS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bên cạnh việc đồng tình với phát biểu của ông Vinh cũng nêu thực trạng: Từ Móng Cái đến Hạ Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, tất cả đều can thiệp vào cảnh quan, làm thay đổi cảnh quan và khiến cảnh quan bị xói mòn.

GS Nguyễn Tấn Vạn bày tỏ: “Hiện nay việc san ủi, chặt cây là phản cảm, không được dư luận đồng tình. Rất nhiều địa phương lệ thuộc nhà đầu tư. Thái độ quản lý của địa phương không rõ ràng. Đất nước ta thay đổi hình dạng cũng vì điều đó”.

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, thì cho rằng vấn đề Sơn Trà là điều rất đặc biệt của du lịch.

“Qua cái này mới thấy cái gốc của chuyện này là ở các dự án đầu tư. May mắn chúng ta có một đợt đất xuống giá, bất động sản suy thoái chứ nếu không, tôi nghĩ có khi Sơn Trà đã sạch rồi” - ông Bình nêu quan điểm.

“Với TP Đà Nẵng cần ban hành kèm theo những quy định hết sức chặt chẽ về môi trường, thậm chí chặt chẽ hơn chỗ khác” - ông Bình nói.

Có 11/18 dự án đã ban hành quyết định giao đất

“Quyết liệt” là một trong những từ mà Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái mô tả không khí buổi tọa đàm. Đã có 15 ý kiến phát biểu. Ý kiến nổi bật nhất vẫn là trung dung giữa yếu tố bảo tồn với phát triển bán đảo Sơn Trà. Các cơ quan chức năng sẽ lắng nghe, ghi nhận những ý kiến tại buổi tọa đàm.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho hay tiếp theo sẽ có một tọa đàm diễn ra tại Đà Nẵng. “Nếu cuộc đó chưa mổ xẻ hết vấn đề, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nữa để báo cáo Thủ tướng” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Tại cuộc họp báo, đại diện UBND TP Đà Nẵng cũng đã trình bày báo cáo gửi Thủ tướng. 

Báo cáo cho hay tính đến nay đã có 11/18 dự án đã ban hành quyết định giao đất với tổng diện tích 344 ha, gồm các dự án đã đầu tư hoặc đầu tư hoàn chỉnh một phần là ba dự án. 

Cần để nguyên hiện trạng và trồng lại rừng

Việc lấy diện tích rừng từ 200 m2 ở Sơn Trà trở xuống để phát triển du lịch chính là lấy đi bãi thức ăn của loài voọc chà vá chân nâu. Thậm chí khu vực này vào mùa hè còn là nơi voọc ra đây nằm ngủ.

Mặt khác, 50% thức ăn mà voọc kiếm được sẽ rơi vãi khi ăn và nó sẽ cung cấp cho các loài gặm nhấm và động vật ăn thịt nhỏ khác theo dây chuyền. Như vậy, lấy rừng Sơn Trà không chỉ ảnh hưởng đến voọc mà cả hệ sinh thái đi kèm.

Đặc biệt, khi xây dựng các biệt thự lên thì sẽ có người ở, sinh sống, phát triển du lịch nghỉ dưỡng sẽ gây tiếng ồn, rác thải… Chưa kể khi bị lấy mất thức ăn và chỗ ở thì voọc sẽ co cụm lại, dễ phát sinh dịch bệnh, dễ bị săn bắt và stress hơn. Bên cạnh đó, nếu không phát triển được ở một diện tích rộng, voọc co cụm lại thì sẽ giao phối gần dẫn đến hậu quả về giống nòi của voọc.

TP Đà Nẵng cần để nguyên hiện trạng và trồng lại rừng. Và rừng thứ sinh thì chỉ cần 2-3 năm là sẽ lên xanh, cung cấp thức ăn cho voọc.

Phát triển gì thì phát triển nhưng phải trồng thêm rừng, phủ xanh hết khu vực cho nó. Hạn chế tối thiểu người, xe, tác động của con người. Thực ra ở nước mình thì khó bảo tồn mà phát triển lắm. Nhưng phải xem xét, đừng để đánh đổi mà phải dung hòa cả hai.

Chuyên gia Vũ NgỌc Thành, khoa Sinh học, Trường ĐH
Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội,
kiêm Giám đốc Quỹ Bảo tồn Voọc vá
(Douc Langur Foundation, Hoa Kỳ) tại Việt Nam

HOÀI AN ghi

Phó Thủ tướng chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà

Chiều 28-5, dù là ngày nghỉ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn chủ trì cuộc họp nghe Bộ VH-TT&DL và UBND TP Đà Nẵng báo cáo về việc triển khai dự án phát triển khu du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tạm dừng triển khai quy hoạch Sơn Trà đến ngày 30-8 để lắng nghe các ý kiến tham vấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm