Chung cư tái định cư: Xuống cấp nhưng còn an toàn

“Những hư hỏng ghi nhận tại các chung cư đều thuộc phần kiến trúc, hệ thống kỹ thuật, chỉ ảnh hưởng đến điều kiện sử dụng và thẩm mỹ, không ảnh hưởng kết cấu công trình”. Đó là nội dung văn bản báo cáo UBND TP.HCM của Sở Xây dựng TP về chất lượng một số chung cư tái định cư tại các quận 2, 7, 12…

Ý thức sử dụng kém

Theo Sở Xây dựng, các chung cư trên đều có hiện tượng thấm tại nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước nghẹt hoặc thoát chậm. Một số nơi bị nước thẩm thấu vào nhà qua cửa sổ khi trời mưa. “Hiện tượng thấm lan tới các phòng khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư như gây ẩm mốc, mùi hôi hoặc làm hư lớp sơn tường khiến bề mặt một số chung cư bị mất thẩm mỹ, xuống cấp. Về lâu dài sẽ gây rỉ sét, giảm khả năng chịu lực” - Sở này cho hay.

Ngoài ra, một số chung cư như An Phúc-An Lộc (quận 2), An Sương (quận 12) còn bị sụt lún nền sân, lối đi xung quanh chân công trình làm hư hại gạch lát vỉa hè, nứt vỡ tường gạch vây. Chung cư Tân Mỹ (quận 7) thì thang máy không ổn định, không có bảng chỉ dẫn. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư Tân Mỹ, Bình Trưng (quận 2) không bảo đảm hoặc không sử dụng được.

Chung cư tái định cư: Xuống cấp nhưng còn an toàn ảnh 1

Người dân đợi đi thang máy tại chung cư tái định cư Tân Mỹ, quận 7, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong các chung cư được khảo sát, có hai chung cư mới sử dụng gần đây là An Phúc-An Lộc và Tân Mỹ. Số còn lại đều được sử dụng trên năm năm hoặc 10 năm. Các hư hỏng xuất hiện do công trình không được bảo trì đúng mức (như bị thấm dột, nghẹt cống do hầm phân không hút, cống không được nạo vét) hay ý thức sử dụng của người dân chưa cao. Nhiều hộ còn tự sửa đổi chức năng căn hộ như thay đổi vị trí bếp, làm gác...

Đối với việc sụt lún nền xung quanh chân công trình, theo Sở Xây dựng đó là do hiện tượng lún cố kết của nền đất xung quanh, còn nền sàn trệt hầm không lún là do sàn kết cấu bê tông cốt thép. Đây là hiện tượng xảy ra khá nhiều trước đây, do đơn vị thi công không có biện pháp xử lý lún cố kết phù hợp.

Ngân sách Nhà nước không “ôm”

Về biện pháp xử lý, Sở Xây dựng kiến nghị chia thành hai trường hợp. Nếu còn trong thời gian bảo hành (như chung cư Tân Mỹ đến năm 2014), chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm khắc phục tất cả những hư hỏng trong và ngoài căn hộ, diện tích sử dụng chung và riêng. Đối với các chung cư đã hết hạn bảo hành, Sở Xây dựng cho biết trong giá bán căn hộ đã có tỉ lệ phần trăm được trích lại cho chi phí bảo trì. “Trường hợp số tiền trích lại đã sử dụng hết, công ty quản lý bàn bạc ban quản trị chung cư và cộng đồng dân cư đóng góp chi phí khắc phục khiếm khuyết. Trường hợp không thể xử lý được thì báo ngay cho các cơ quan chức năng để tìm giải pháp, trên cơ sở vốn ngân sách không bao cấp trong quản lý nhà chung cư” - Sở này đề nghị.

Cao ốc muốn bền phải bảo trì liên tục

“Vì sao công trình mau xuống cấp, làm thế nào để khắc phục?” là những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong buổi giao lưu trực tuyến (do Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 26-10) với Sở Xây dựng TP về chủ đề quản lý chất lượng công trình.

Một độc giả đặt vấn đề: “Chung cư tái định cư xây cho người nghèo kém chất lượng nên mới sử dụng vài năm đã xuống cấp, trong khi chung cư thương mại thì hiếm khi. Có phải xây cho người nghèo nên họ làm cẩu thả, hay là có tiêu cực?”. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, trả lời: Độ bền và tuổi thọ của chung cư dành cho thương mại hay tái định cư, xã hội đều như nhau. Vấn đề là người làm ra sản phẩm và người thụ hưởng có trách nhiệm ra sao.

Ông Hiệp thông tin, theo quy định của Luật Nhà ở thì chung cư từ chín tầng trở lên phải bảo hành năm năm (trước đây là hai năm). Trong thời gian bảo hành, chủ đầu tư phải bỏ chi phí khắc phục ngay những hư hỏng phát sinh không phải do lỗi của người sử dụng. Hết thời gian bảo hành, ban quản trị nhà chung cư được cư dân bầu ra sẽ có trách nhiệm bảo trì công trình. Trường hợp thiếu kinh phí bảo trì thì cần vận động cư dân góp sức.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm