TRƯỚC NGÀY NGHỊ ĐỊNH 34 CÓ HIỆU LỰC:

Còn nhiều vướng mắc trong xử phạt giao thông

Từ giữa tháng 4-2010, trên website của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an (csgt.vn) đưa ra văn bản dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 34 để mọi người tham gia góp ý. Đến nay, Nghị định 34 sắp có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về bản dự thảo trên.

Một lốp sai kích cỡ sẽ bị phạt

Theo điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 34, người điều khiển ôtô lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị phạt 300.000-500.000 đồng. Theo dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, ôtô lắp bánh lốp không đúng kích cỡ được hiểu là xe đó có một hoặc nhiều lốp có kích cỡ không đúng kích cỡ ghi trong bản thông số thiết kế kỹ thuật của nhà sản xuất, giấy đăng ký xe, sổ kiểm định.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu hiểu và áp dụng như trên sẽ làm tăng ý thức bảo đảm an toàn kỹ thuật của chủ và lái xe, buộc họ phải sử dụng đúng từng chiếc lốp. Tuy nhiên, quy định phải có đủ ba loại giấy tờ trên để làm căn cứ khi bị kiểm tra, xử lý thì rất khó thực hiện. Vì lẽ khi xe lưu hành thì chủ và lái xe chỉ mang theo hai loại giấy sau theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34. Còn bản thông số kỹ thuật của nhà sản xuất thì đã được lưu giữ tại cơ quan cấp giấy đăng ký xe và sổ kiểm định nên không cần thiết chủ, lái xe phải có, mang theo để xuất trình khi bị kiểm tra.

Còn nhiều vướng mắc trong xử phạt giao thông ảnh 1

CSGT khó xử phạt theo thủ tục đơn giản khi người vi phạm thiếu giấy tờ. Ảnh: L.ĐỨC

Theo ông Hùng, Luật Giao thông đường bộ quy định xe lưu thông hợp luật phải có kích cỡ tiêu chuẩn kỹ thuật của lốp đúng với từng loại xe. Điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 34 sử dụng từ “hoặc” thay cho từ “và” đã là một bước… lùi. Còn tại dự thảo thông tư hướng dẫn đã bỏ qua, không đề cập đến việc lực lượng chức năng phải kiểm tra cả các tiêu chuẩn kỹ thuật của lốp xe mà luật đã quy định. “Xe sử dụng lốp đã quá hạn còn nguy hiểm, dễ nổ hơn cả xe lắp lốp sai kích cỡ vì ngay cả khi không sử dụng, lốp xe cũng bị oxy hóa nên chất lượng kém, tính an toàn giảm” - ông Hùng nói.

Khó xử phạt theo thủ tục đơn giản

Theo dự thảo thông tư, tại thời điểm bị kiểm tra nếu người lái xe môtô (hoặc ôtô) không xuất trình được các loại giấy tờ như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, sổ kiểm định… thì CSGT sẽ ra quyết định xử phạt theo thủ tục đơn giản (phạt tại chỗ). Nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT TP.HCM cho biết rất khó thực hiện theo hướng trên. Vì lẽ khi người lái không mang theo giấy đăng ký xe (hoặc bằng lái, sổ kiểm định) thì CSGT tuần tra, xử lý trên đường chỉ có thể lập biên bản tạm giữ xe hoặc các giấy tờ khác liên quan, đưa về đơn vị để người có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

Tiếp theo, dự thảo thông tư hướng dẫn trong trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt mà người vi phạm mới xuất trình được giấy tờ thì người có thẩm quyền không phải thay đổi quyết định xử phạt đã ký trước đó. Theo nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT TP.HCM, hạn định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người ở vùng xa, đi lại khó khăn. Vì vậy cần áp dụng hình thức xử lý mềm mại hơn là cán bộ xử lý báo cáo bằng văn bản lên cấp có thẩm quyền xin hủy quyết định xử phạt trước đó và ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ.

Theo Phòng CSGT Đường bộ, Công an TP.HCM, việc thực hiện Nghị định 34 còn rất nhiều vấn đề cần được Bộ Công an sớm có hướng dẫn. Như trường hợp người vi phạm khai mất giấy phép lái xe nhưng hồ sơ gốc vẫn còn thì xử lý theo “không có” hay “không mang” loại giấy này? Hay trường hợp giấy đăng ký xe đã thế chấp ở cơ quan tài chính, tín dụng thì bản sao đã được công chứng, xác nhận có giá trị pháp lý như giấy gốc không?

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm