CSGT cắm chốt trước quán nhậu: Chỉ phạt “ma men”, không làm khó dân

“Trước mắt, việc chốt chặn gần các quán nhậu để xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn (Pháp Luật TP.HCM ngày 15-6) sẽ thực hiện thí điểm tại các quận 1, 3, 5, 10 và Bình Tân” - Thiếu Trần Hồng Minh, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM (PC67), cho biết vào ngày 19-6.

Kiểm tra thường xuyên hằng đêm

. Việc chọn vị trí để lập chốt kiểm tra dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?

CSGT cắm chốt trước quán nhậu: Chỉ phạt “ma men”, không làm khó dân ảnh 1
+ Chúng tôi đã khảo sát và chọn địa điểm lập chốt là khu vực có nhiều quán nhậu nằm trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT có liên quan đến rượu, bia. Các địa điểm lập chốt kiểm tra đều phải có mặt bằng đủ rộng nhằm tránh gây ùn tắc giao thông. Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên hằng đêm, nhất là từ sau 22 giờ.

. Việc kiểm tra được thực hiện như thế nào để không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hàng quán?

+ Như đã nói, CSGT chỉ cắm chốt trước quán nhậu có mặt bằng rộng rãi để kiểm tra, xử lý người vi phạm nồng độ cồn. Ở những nơi không có đủ mặt bằng, chúng tôi bố trí trinh sát mặc thường phục vào quán và các bãi giữ xe để nhận diện những người có biểu hiện say xỉn rồi thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường.

Xin khẳng định, CSGT làm vậy không phải gây khó khăn cho việc kinh doanh của các hàng quán hay cấm đoán người dân uống rượu, bia. Mục đích chỉ nhằm xử lý kịp thời những người đã say xỉn nhưng vẫn lái xe để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và cho cộng đồng.

CSGT cắm chốt trước quán nhậu: Chỉ phạt “ma men”, không làm khó dân ảnh 2

Để người vi phạm nồng độ cồn ký vào biên bản là cả một quá trình giải thích, vận động, thuyết phục của CSGT. Ảnh: MP

Không làm dàn trải

. Nhưng ở TP.HCM có rất nhiều quán nhậu, liệu PC67 có đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý? Có phải cứ ai bước ra từ quán nhậu cũng sẽ bị kiểm tra?

+ Chúng tôi không xử lý dàn trải mà tập trung vào một số nơi có nhiều quán nhậu bình dân. Đó là do tại các quán nhậu bình dân thường có sự mất kiểm soát khi uống rượu, bia. CSGT cũng sẽ phối hợp với cảnh sát trật tự và các địa phương xử lý các quán nhậu bày bàn ghế lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè về đêm.

Chúng tôi không kiểm tra tràn lan tất cả người bước ra từ quán nhậu mà chỉ tập trung vào những ai có biểu hiện say xỉn, mất kiểm soát. Nhưng chắc chắn việc kiểm tra này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến những người khác.

. Khi xác định được người lái xe vi phạm nồng độ cồn, khâu xử lý được thực hiện ra sao, thưa ông?

+ Theo quy định, những người điều khiển xe máy mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mlg/lít khí thở sẽ bị tạm giữ xe. Với những người vi phạm nhưng chưa tới mức bị giữ xe (nồng độ cồn từ 0,25 đến 0,4 mlg/lít khí thở) thì chúng tôi động viên họ gọi người nhà đến chở về, bởi nếu tiếp tục chạy xe thì sẽ lại bị phạt nữa.

Hiện để xử lý một trường hợp (đo nồng độ cồn, giải thích, chờ “ma men” ký biên bản…) CSGT phải mất khoảng 20 phút nên hiệu quả chưa cao. Nhưng tôi tin việc kiểm tra cũng có tác dụng tuyên truyền, giáo dục để những người khác tự điều chỉnh hành vi của mình. Ngoài ra, để tăng tính tuyên truyền, PC67 kiến nghị Ban An toàn Giao thông TP gắn các hình ảnh có liên quan đến TNGT có dùng rượu, bia trước các quán nhậu.

. Xin cảm ơn ông!

Mức phạt tiền rất nặng

Quy định hiện hành cấm người lái ô tô “có rượu, bia”. Cụ thể, theo Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 mức phạt thấp nhất khi phát hiện tài xế ô tô có rượu, bia là 2,5 triệu đồng (kèm biện pháp bổ sung là tước bằng lái 30 ngày). Nếu trong hơi thở có nồng độ cồn quá 0,25 mlg đến 0,4 mlg/lít khí thở thì lái xe ô tô bị phạt 9 triệu đồng. Vượt mức này sẽ bị phạt đến 12,5 triệu đồng. Ngoài ra, lái xe còn bị tước bằng lái 60 ngày và bị giam xe 10 ngày.

Với người đi xe máy, nếu nồng độ cồn trong hơi thở vượt 0,25 mlg đến 0,4 mlg/lít khí thở sẽ bị phạt 750.000 đồng. Vượt mức 0,4 mlg/lít khí thở bị phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ xe 10 ngày và tước bằng lái 60 ngày.

MINH PHONG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm