Dân Sài Gòn phải chịu nắng nóng tới hết tháng 5

Nắng nóng kéo dài đến tháng 5

Theo Đài KTTV KVNB, từ đầu năm đến nay nhìn chung nền nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực Nam bộ hầu hết đều cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,2oC. Riêng Vĩnh Long có nhiệt độ trung bình thấp hơn TBNN 0,1oC.

Nắng nóng xuất hiện muộn hơn cùng kỳ năm trước, cuối tháng 2 mới có một vài nơi xuất hiện nắng nóng và chỉ tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.HCM với nhiệt độ cao nhất ngày đạt 35-36oC, có nơi trên 36oC.

Tuần cuối tháng 3 xuất hiện một đợt nắng nóng trên diện rộng tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.HCM với nhiệt độ cao nhất ngày đạt 35oC-37oC, có nơi trên 37oC như Đồng Xoài (Bình Phước) 37,5oC (ngày 25-3). Ở các tỉnh miền Tây nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 32oC-34oC, riêng Mộc Hóa (Long An)  35,2oC (ngày 25 và 26-3).

Tháng 4 và nửa đầu tháng 5 là thời kỳ nắng nóng cao điểm ở khu vực Nam bộ. Các đợt nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng nhưng chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, nhiệt độ cao nhất tại khu vực miền Đông Nam bộ và TP.HCM phổ biến từ 37oC đến 39oC, có nơi trên 39oC. Các tỉnh  miền Tây phổ biến ở mức 35oC-37oC, riêng vùng ven biên giới Việt Nam-Camphuchia, các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp có khả năng trên 37oC . Tình hình nắng nóng khả năng còn kéo dài đến nửa đầu tháng 5-2017.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù đã bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, nhưng hầu hết các nơi trên khu vực Nam bộ đều có mưa trái mùa. Có vài đợt mưa kéo dài trên diện rộng trong khoảng 2-3 ngày. Có nơi kéo dài 5-6 ngày và có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to như tại Tân Sơn Hòa (TP.HCM) lượng mưa 24 giờ là 162,9 mm; Châu Thành (Tiền Giang) 125,0 mm (ngày 1-4).

Mưa gió nguy hiểm cũng tăng

Tổng lượng mưa trong ba tháng đầu năm hầu hết vượt TBNN, hơn một nửa số trạm vượt trên 50 mm (gấp nhiều lần so với TBNN). Một số nơi có lượng mưa vượt TBNN rất lớn như: Rạch Giá (Kiên Giang) 253 mm, Sở Sao (Bình Dương) 144 mm, Vĩnh Long 127 mm, Biên Hòa 125 mm...

Cũng theo nhận định của Đài KTTV KVNB, hiện nay ENSO đang ở giai đoạn trung tính nhưng nghiêng về “pha nóng”.

Dự báo của nhiều trung tâm khí hậu lớn trên thế giới cho thấy chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển vùng trung tâm xích đạo Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng và có khả năng đạt ngưỡng El-ninô vào tháng 7, tháng 8-2017 với xác xuất khoảng 60%-70% và tiếp tục phát triển đến cuối năm 2017.   

Dân Sài Gòn phải chịu nắng nóng tới hết tháng 5 ảnh 1
Mưa trái mùa gia tăng đang gây khốn khổ cho người dân TP.HCM. Ảnh: M.Phong

Theo đó, vào thời kỳ chuyển mùa, mưa chuyển mùa có khả năng xuất hiện trong tháng 4 đến đầu tháng 5, với vài ba đợt mưa kéo dài trên diện rộng.

Vào thời kỳ đầu mùa mưa, hầu hết các nơi thuộc khu vực Nam bộ có mùa mưa bắt đầu ở mức xấp xỉ hoặc muộn hơn so với TBNN (khoảng từ ngày 5 đến 15-5); một số tỉnh ven biển Tây như Cà Mau, Kiên Giang và phía bắc miền Đông có khả năng mùa mưa đến sớm hơn vào đầu tháng 5.

Về lượng mưa, tổng lượng mưa năm hầu hết xấp xỉ TBNN, có nơi thấp hơn TBNN. Trong đó, tháng 4 xấp xỉ và cao hơn TBNN; các tháng 5, 6, 7, và 8 xấp xỉ TBNN; các tháng 9, 10, 11, 12 nhiều khả năng thấp hơn TBNN.

Do đó, người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn. Giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.

Về thời kỳ thúc mùa mưa, theo Đài KTTV KVNB, có khả năng xấp xỉ hoặc sớm hơn TBNN, khoảng tháng 11-2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm