Đập thủy điện Ia Krel 2 vỡ lần hai

Khoảng 7 giờ 30 ngày 1-8, hơn 40 m đê quây thủy điện Ia Krel 2 ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã bị vỡ, gây lũ ngập ở một vùng hạ du rộng lớn. Hàng chục hecta hoa màu và chòi rẫy của dân ngập chìm trong nước. Rất may sự cố đã không gây thiệt hại về người.

Lần thứ hai vỡ đập

Đây là lần thứ hai đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tại hiện trường đập thủy điện, một mảng lớn đê quây dài hơn 40 m đã bị nước cuốn trôi, hai bên vị trí đê vỡ tiếp tục sạt lở và xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Trên thân đập, một vị trí khác là cửa xả tràn bằng bê tông cũng bị vỡ một đoạn chừng 5 m, kênh dẫn nước phía bên trái của đập cũng bị hư hỏng nặng nề. Sau khi xảy ra đê vỡ chừng ba tiếng, toàn bộ lượng nước trong hồ đều chảy dồn về vùng hạ du khiến lòng hồ trơ đáy.

Thủy điện Ia Krel 2 là công trình do Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư, với công suất khoảng 5,5 MW, dung tích trên 8 triệu m3.

Đập thủy điện Ia Krel 2 vỡ lần hai tiếp tục gây thiệt hại nặng cho người dân sống khu vực xung quanh. Ảnh: LÊ GIA

Sau khi sự cố xảy ra, Công ty Bảo Long đã phối hợp với các cơ quan chức năng sơ tán, dùng phao, bè để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nhiều hộ dân cũng nhanh chóng đi lên các đồi cao, di dời một số tài sản khỏi vùng nập để giảm bớt thiệt hại. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc Công ty Bảo Long cho biết: Khoảng 7 giờ 30, do mưa lớn, cộng với lượng nước lũ lớn về đột ngột nên tại vị trí đê quây của đập thủy điện đã bị vỡ một đoạn chừng 40 m, toàn bộ lượng nước trong hồ đỗ hết về vùng hạ du. Lượng nước đã dâng cao, tràn qua thân đê gây sạt lở, dẫn đến vỡ đê. “Trước mắt, công ty sẽ tiến hành kiểm tra hiện trường, thống kê thiệt hại để có hướng khắc phục” - ông Ẩn cho hay. Còn khắc phục cụ thể thế nào, theo ông Ẩn thì phải chờ nước rút hoàn toàn rồi mới kiểm tra, ước tính mức thiệt hại cụ thể được. Trước mắt, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại gặp khó khăn.

Đã từng đình chỉ thi công

Ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Trong ngày, huyện đã có báo cáo nhanh gửi lên tỉnh. Theo thống kê sơ bộ, đập vỡ đã làm ngập, hư hại khoảng 60 ha hoa màu của người dân và 28 chòi rẫy bị ngập, trong đó có 13 chòi rẫy bị nước cuốn trôi. “Chúng tôi đã chỉ đạo xã tiếp tục thống kê thiệt hại và kiểm tra gia đình các hộ dân xem có ai đi rẫy chưa về hay không. Rất may là không có thiệt hại về người. Hiện huyện vẫn đang tích cực sẽ kiểm tra, phối hợp với chủ đầu tư để xem xét hỗ trợ gạo cho các gia đình bị thiệt hại” - ông Hùng cho hay.

Trước đó, tháng 6-2013, thủy điện Ia Krel 2 vỡ gây thiệt hại nặng về hoa màu và tài sản của 143 hộ dân. Sau sự cố, Bộ Xây dựng đã vào kiểm tra nguyên nhân vỡ đập. Thời gian không lâu sau, thủy điện này được Chính phủ cho chủ trương tiếp tục xây dựng trở lại.

Cách đây hơn ba tháng, Công ty Bảo Long lấy lý do vị trí vỡ đập bị nước xoáy sâu, làm hư hỏng thân đập nên đã tự ý xây dựng đê quây, chặn dòng tích nước. Tuy nhiên, công ty không báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng biết. UBND huyện Đức Cơ đã có báo cáo gửi lên UBND tỉnh và Sở Công Thương về việc “Công ty Bảo Long tái khởi công xây dựng công trình thủy điện Ia Krel 2 ở xã Ia Dom, chặn dòng làm ngập úng hoa màu của dân”. Sau đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra và ra văn bản đình chỉ thi công đối với thủy điện Ia Krel 2 vì chưa đủ điều kiện theo quy định nhưng đơn vị này đã tiến hành thi công, đắp đê ở thân đập. Trước tình hình đó, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư phải hạ dần mực nước hồ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, tránh nguy cơ vỡ đập do tích nước.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tục - Giám đốc Sở Công Thương: Sau sự cố vỡ đập đầu tiên, công trình thủy điện Ia Krel 2 đã cho chủ trương tiếp tục xây dựng trở lại. “Để xảy ra sự cố vỡ đập lần này, chủ đầu tư và đơn vi thi công phải chịu trách nhiệm” - ông Tục cho biết.

LÊ GIA

Lũ trên sông La Ngà đã rút

Sáng 1-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Bình Thuận đã phát đi thông báo khẩn, yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Đức Linh, Tánh Linh thông báo ngay cho nhân dân các xã ven sông La Ngà biết tình hình mực nước lũ đang lên để chủ động ứng phó, phòng tránh.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương cần kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch di dời dân cư ở những vùng trũng, ngập lụt để có kế hoạch di dời tốt nhất; chuẩn bị tốt các phương tiện và lực lượng để sẵn sàng triển khai phòng, chống lũ tại địa phương; chủ động ứng cứu kịp thời, bảo đảm an toàn về người và tài sản. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Thuận đã theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến mưa, lũ trong khu vực thông báo cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và các địa phương nhằm chỉ đạo và ứng phó kịp thời khi lũ lớn xảy ra. 

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Thuận, trong 24 giờ qua ở khu vực huyện Đức Linh và Tánh Linh có mưa vừa, mưa to; lượng mưa đo được phổ biến tại các trạm từ 20 đến 60 mm. Hiện tại, lũ trên sông La Ngà đang lên. Mực nước lúc 21 giờ ngày 31-7 tại trạm đo Tà Pao đạt 120,09 m, vượt trên báo động cấp 2 là 0,09 m. Dự báo lũ trên sông La Ngà tiếp tục lên, mực nước đỉnh lũ đạt trên 120,50 m; vượt báo động cấp II hơn 0,50 m. Đến 17 giờ ngày 1-8, trao đổi với ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Thuận, cho biết mưa đã ngớt, nước trên sông La Ngà đã rút xuống dưới báo động cấp I và trong ngày không có bất cứ thiệt hại nào xảy ra.

 PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm