Đề xuất làm cáp treo vào Tân Sơn Nhất

“Dùng cáp treo đưa người vào sân bay có nhiều điểm lợi hơn so với các phương tiện khác, nhất là ô tô. Ví dụ, một chiếc ô tô vào thì thường chạy “rỗng” ra, lại mất thời gian dừng chờ, trong khi cáp treo hoạt động liên tục, không chiếm đường, không gây ách tắc giao thông”. Chiều 13-1, ông Vũ Huy Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bilco, người đề xuất làm cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất nói với Pháp Luật TP.HCM.

“Rẻ hơn metro, làm chỉ 10 tháng”

Ông Thắng cho biết ông đã thực hiện các tuyến cáp treo ở nhiều điểm du lịch ở các vùng, miền của Việt Nam và ý tưởng dùng cáp treo như là một giải pháp cấp bách, phù hợp cho việc tháo gỡ kẹt xe ở Tân Sơn Nhất hiện nay. “Tôi đọc một bài báo nói về việc TP.HCM sẽ xây dựng một tuyến metro từ Công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất mất khoảng 5.500 tỉ đồng. Tôi lập tức nghĩ ngay nếu làm cáp treo thì chỉ hết 1/10 số tiền đó, trong khi thời gian thi công cho hơn 2 km chỉ khoảng 10 tháng. Do vậy, tôi đã trao đổi ý tưởng này với Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường. Tôi khẳng định tôi không đùa khi đề xuất làm cáp treo vào sân bay” - ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, nhiều nước trên thế giới sử dụng cáp treo làm phương tiện giao thông nên việc dùng cáp treo chở người vào sân bay là phù hợp, lại giải tỏa ùn tắc cho đường bộ. Như ở TP London, thủ đô của nước Anh, có hệ thống các trụ cáp cao đi giữa đô thị với thiết kế rất đẹp còn tạo thành những điểm nhấn về du lịch.

Tuy hiện nay ông chưa có phương án cụ thể nhưng qua kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án cáp treo thì có thể làm hai tuyến cáp treo từ Công viên Hoàng Văn Thụ, Công viên Gia Định để vào sân bay Tân Sơn Nhất. Như tuyến từ Công viên Hoàng Văn Thụ sẽ đi theo đường Trường Sơn nên ở dải phân cách giữa đường này cần làm các trụ cáp, cao từ 8 m đến 20 m. Ông Thắng nói thêm: “Cáp treo có độ an toàn cao, vận tốc khoảng 25 km/giờ và đi đường thẳng vào tận nhà ga, không vòng vèo như đường bộ nên thời gian cũng rút ngắn đáng kể”.

Hệ thống metrocable tại Medellin (Colombia) là tuyến cáp treo giao thông công cộng hoàn thành vào năm 2004. Ảnh: GUARDIAN

Mới chỉ là ý tưởng

Cảng vụ hàng không miền Nam đã đề xuất UBND TP.HCM bố trí quỹ đất để xây dựng các trạm trung chuyển tại Công viên Gia Định và Công viên Hoàng Văn Thụ. Tại đây, các dịch vụ cần thiết như nhà chờ, bãi đậu xe, làm thủ tục check-in, dịch vụ ăn uống… đều có đủ. Ngoài ra, TP.HCM cần đầu tư hệ thống xe điện, xe buýt nhanh đi/đến sân bay ra các điểm trung chuyển để giải phóng nhanh hành khách và tránh ùn tắc khu vực sân bay.

Theo ông Thắng, mỗi tuyến cáp treo này có công suất đạt 3.000 lượt người/giờ. Nếu áp dụng công nghệ mới có thể chở 4.000-4.500 lượt khách sẽ giảm đáng kể lượng xe lưu thông trên đường. Do vậy, nếu có cáp treo thì không nhất thiết phải đầu tư thêm nhiều hệ thống các phương tiện kết nối từ hai điểm trung chuyển trên ra/vào sân bay.

“Nếu có cáp treo, hành khách có thể làm thủ tục ngay ở các điểm trung chuyển này xong thì leo lên cabin cáp treo để vào sân bay. Về hành lý, nếu cần thiết chúng ta có thể đặt hàng để nhà sản xuất làm ra các cabin chở người và chứa được các hành lý 7-10 kg/người. Trường hợp nhiều hành lý hơn thì dùng xe trung chuyển” - ông Thắng phân tích thêm.

Trước đề xuất này, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông thuộc Sở GTVT, cho biết đề xuất này liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là việc quy hoạch… “Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi thì đây là ý tưởng mới, cần trân trọng và nghiên cứu. Nó có thể sẽ là giải pháp tạm thời trong thời gian chờ mở rộng, xây mới đường sá và hoàn chỉnh hệ thống metro. Và đương nhiên khi thực hiện thì phải nghiên cứu nhiều vấn đề, kể cả nơi đỗ xe cho người dân, vị trí lên xuống, kết hợp việc chở hành lý…” - ông Đường nói.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cũng cho biết hiện chưa thể khẳng định được tính khả thi của giải pháp này vì mới dừng ở bước ý tưởng. Nó cần phải được nghiên cứu rất kỹ, toàn diện về phương án kỹ thuật, hiệu quả tài chính, khả năng ảnh hưởng đến các quy hoạch dọc tuyến, thuận lợi khó khăn khi tổ chức khai thác vận hành... Nếu các nhà đầu tư có nhu cầu, Sở GTVT sẽ phối hợp, cung cấp các tài liệu để họ có cơ sở nghiên cứu kỹ hơn trong các bước sau. “Sở GTVT luôn hoan nghênh, ghi nhận và trân trọng các ý tưởng, đề xuất, giải pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân để cùng chung sức với thành phố giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất nói riêng và TP.HCM nói chung” - ông Cường chia sẻ.

Giao thông đô thị bằng cáp treo

Xây dựng cáp treo thành giải pháp giao thông đô thị đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận nghiêm túc tại một hội thảo lớn nhất thế giới về đô thị và phát triển nhà ở do Liên Hiệp Quốc tổ chức tháng 10-2016 tại Quito (Ecuador). Trước đó, thủ đô Caracas của Venezuela (Nam Mỹ) xây dựng tuyến cáp treo nội thị đầu tiên vào năm 1952.

Năm 1956, thủ đô Alger của Algeria (châu Phi) làm theo. Hiện nhiều TP lớn của nước này đã có cáp treo với chức năng giao thông đô thị. Cáp treo chở 5.000 khách/giờ/một hướng, ít hơn metro (chở hơn 20.000 khách/giờ) song lại rẻ hơn metro gấp 10 lần.

Medellin, một thành phố hiện đại của Colombia, cũng sử dụng cáp treo như một phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống cáp treo bay qua TP (metrocab) đi vào hoạt động từ năm 2004. Carolina Jimenez, PV tờ El Colombiano nói rằng từ khi có metrocab, việc đi lại của người dân giữa các khu đã nhanh đáng kể. Ví dụ từ Santo Domigo vào trung tâm chỉ còn 20-30 phút, trong khi trước kia phải mất tới hai tiếng rưỡi.

Kéo dài cáp treo về Hội trường Thống Nhất

Tôi còn có ý tưởng kéo dài tuyến cáp treo này theo đường Nguyễn Văn Trỗi đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi đến trước Hội trường Thống Nhất. Đây là một tuyến đường thẳng nên dễ làm. Nếu làm đẹp thì có thể trở thành điểm nhấn về du lịch như cáp treo London.

Tôi không dám nghĩ đến TP.HCM có chấp thuận ý tưởng này hay không nhưng tôi không đùa. Tôi nêu đề xuất là xuất phát từ tâm huyết của một công dân có trách nhiệm về những vấn đề bức xúc của TP.HCM hiện nay.

Trước hết tôi khẳng định đây chỉ mới là một ý tưởng. Tôi muốn chia sẻ dưới góc độ kỹ thuật, giải pháp, còn ở góc độ về đô thị, về cảnh quan môi trường thì tôi không có chuyên môn và cũng chưa có thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, cáp treo rất thân thiện với môi trường vì chạy bằng điện và công suất rất nhỏ. Ngoài ra, khoảng không gian chiếm chỉ bên trên và nếu thiết kế trụ, nhà ga đẹp thì tôi nghĩ sẽ là một cảnh quan đẹp.

Về kinh phí thì tôi nghĩ Nhà nước bỏ tiền đầu tư và có trợ giá cho người đi như xe buýt chứ doanh nghiệp đầu tư rồi thu phí thì rất khó.

Ông VŨ HUY THẮNG, Giám đốc Công ty Cổ phần Bilco

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm