Dẹp vỉa hè nhưng không tháo dỡ, đập phá…

“Chúng tôi chọn lựa những trường hợp hoàn cảnh khó khăn nhưng không có nơi buôn bán rồi bố trí chỗ bán cho họ. Bước đầu, quận đã bố trí khoảng 20 trường hợp bán hàng rong trên vỉa hè vào khu vực chợ Phạm Văn Hai để buôn bán ổn định vào ban đêm. Chúng tôi cũng dự kiến tiếp tục bố trí cho người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vào bán hàng tập trung tại khu vực chợ Bàu Cát, chợ Tân Bình…”. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, nói với PV Pháp Luật TP.HCM trong chiến dịch “giải cứu vỉa hè” mà quận này đang thực hiện.

Không lẽ ngày nào cũng canh me?

. Phóng viên: Việc xử lý vi phạm vỉa hè, lòng lề đường ở quận Tân Bình thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?

+ Ông Lê Thanh Bình: Từ cuối năm 2016, quận đã có các kế hoạch, chỉ đạo chấn chỉnh trật tự lòng lề đường chứ không phải sau khi quận 1 mở đợt cao điểm rồi mới làm theo. Việc lập lại trật tự đô thị đã được quận tập trung thực hiện ở một số tuyến đường trục, khu vực quan trọng như đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ hay các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Các anh ghi nhận cũng thấy đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các khu vực này đã giảm mạnh. Quận và các phường cũng tổ chức vận động người dân tháo dỡ các bậc tam cấp, bục dắt xe, trong đó yêu cầu các cơ quan nhà nước phải làm gương trước rồi vận động người dân noi theo. Kết quả là nhiều người dân hợp tác, tự tháo dỡ như các anh đã thấy.

. Nhưng vi phạm vẫn còn khá phổ biến, đơn cử như việc để xe lấn vỉa hè đường Bàu Cát 2, các quán nhậu chiếm trọn vỉa hè đường Đồng Đen, thưa ông?

+ Tôi công nhận về thực trạng này và còn có thể kể thêm những nơi khác như các tiệm vịt quay ở đường Âu Cơ tranh thủ lấn chiếm vỉa hè. Ở đây còn có một xề cá, có hai người bán vé số canh vắng lực lượng kiểm tra là đẩy ra vỉa hè… Thực tế, chúng tôi đã điều nghiên rất rõ về các vị trí, khu vực và cách thức vi phạm nhưng quan trọng là vận động để người dân thẩm thấu, tự chấp hành.

Biết điểm đó vi phạm và cho người đến xử phạt thì rất dễ. Nhưng không lẽ ngày nào cũng canh me xử? Cái căn cơ lâu dài là vận động người dân có ý thức chấp hành, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm. Nó tốt hơn việc ào ào đổ quân đi xử lý rồi hôm sau họ lại tiếp tục vi phạm.

Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, thăm hỏi việc buôn bán của một tiểu thương ở chợ Bà Hoa ngày 29-3. Ảnh: MP

Sắp xếp cho người hàng rong mưu sinh

. Nhưng làm như vậy thì liệu có đảm bảo xử lý triệt để các vi phạm không?

+ Chúng tôi cố gắng bố trí, sắp xếp cho phù hợp, tạo thông thoáng cho người đi bộ nhưng không triệt đường buôn bán, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp và bà con. Quận cũng yêu cầu các phường khảo sát, đề xuất các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện rồi kẻ vạch cho người dân đậu xe (không thu phí) và buôn bán ở các hẻm không lấn chiếm quá, không ảnh hưởng đến giao thông.

Liên quan đến chiến dịch này, bí thư, chủ tịch quận đã chỉ đạo: “Không phải xử nhiều, xử mạnh là ngon. Quan trọng là tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chấp hành. Cái đó là căn cơ lâu dài”.

. Bao lâu nay đã tuyên truyền rồi và bây giờ tiếp tục tuyên truyền thì liệu có đạt được hiệu quả mong muốn?

+ Tuyên truyền kèm theo xử lý. Ban Thường vụ đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát, trong đó phó bí thư Quận ủy làm tổ trưởng, phó chủ tịch HĐND quận làm tổ phó đi giám sát và phó chủ tịch UBND quận phụ trách kinh tế được giao xử lý vi phạm. Đồng chí bí thư khi xong việc hành chính cũng đi kiểm tra và tuần nào Ban Thường vụ Quận ủy cũng yêu cầu báo cáo lại tiến độ thực hiện. Điều này cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Quận ủy, UBND quận trong chiến dịch này.

. Xin cám ơn ông.

Kinh doanh ăn uống bị ảnh hưởng nhiều nhất

Tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội quý I-2017 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 29-3, báo chí đặt câu hỏi liệu việc dọn dẹp vỉa hè có ảnh hưởng đến tình hình bán lẻ cũng như những chỉ số kinh tế khác của khu vực kinh doanh cá thể hay không. Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, trả lời: “Sử dụng vỉa hè tạo công ăn việc làm cho một bộ phận hộ kinh doanh. Hiện Việt Nam có khoảng 4,6-4,8 triệu hộ kinh doanh cá thể, kể cả lĩnh vực vận tải, thương mại, bán buôn bán lẻ… Trong đó, các hộ kinh doanh cá thể dịch vụ ăn uống và hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè. “Nhưng xét về lâu dài chúng ta phải ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Bởi việc dọn dẹp vỉa hè sẽ tạo ra văn minh đô thị, tạo thói quen tiêu dùng, mua bán khác hơn cho người dân” - bà Thủy nói.

C.LUẬN ghi

Thu nhập ổn định hơn

Dẹp vỉa hè nhưng không tháo dỡ, đập phá… ảnh 2

Trước đây tôi bán nước với xe đẩy tay nên chỗ nào trống là dừng lại bán nhưng thỉnh thoảng bị xử phạt. Từ khi được bố trí vào bán ở chợ Phạm Văn Hai, thu nhập đã ổn định hơn. Tôi cũng không còn phập phồng ngó trước nhìn sau như lúc đẩy xe đẩy đi lòng vòng bán hàng ở lòng đường, vỉa hè.

Chị NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TRANG,
phường 3, quận Tân Bình

Hết sợ bị đuổi, phạt

Dẹp vỉa hè nhưng không tháo dỡ, đập phá… ảnh 3

Trước đây tôi bán trên vỉa hè đường Hoàng Sa, nay được ban quản lý chợ Phạm Văn Hai bố trí cho một nơi bán gỏi cuốn, súp cua. Tôi mới vào đây bán chưa đầy một tháng, chưa có khách quen nhưng nguồn thu đã dần ổn định, đặc biệt không còn bận tâm vì việc bị đuổi, phạt như trước.

Chị NGUYỄN TRẦN TƯỜNG VY,  phường 3, quận Tân Bình

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.