Đi rửa xe cũng bị thu phí

Ngày 21-3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Cần Thơ về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Đi rửa xe cũng bị thu phí ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng phát biểu tại cuộc họp ngày 21-3. Ảnh: N.NAM

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết kết quả huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT đối với hai dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (đọan Km 14 đến Km50+889) và dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Hậu Giang) là hơn 3.896 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình vận hành khai thác hai dự án trên có những bất cập liên quan đến thu phí gây bức xúc trong người dân đã được các phương tiện truyền thông đưa tin. Ngoài ra, vì mục đích trốn trạm thu phí quốc lộ 1 (đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp), nhiều xe tải đã lưu thông vào tuyến đường liên khu vực Thạnh Phú - Yên Hạ (quận Cái Răng) khiến cho chính quyền, người dân bức xúc vị mặt đường bị xuống cấp, mất an toàn giao thông…

Đi rửa xe cũng bị thu phí ảnh 2
Ông Nguyễn Ngọc Xuân (bìa trái) - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang phản ánh bức xúc của các lái xe khi qua trạm thu phí T2. Ảnh: N.NAM

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải ô tô An Giang cho biết cánh tài xế bức đối với trạm thu phí T2 (đặt tại quận Thốt Nốt, đoạn giáp ranh với An Giang) trên quốc lộ 91 vì có khi xe chỉ đi 100 m cũng bị thu phí 100%, xe buýt chỉ xuất bến qua trạm cũng bị thu phí, một số phương tiện đi qua rửa xe cũng bị thu phí… Ông Xuân đề nghị phải coi lại BOT thu phí tại đoạn này, thu phải tương xứng với đoạn đường họ đi chứ không thể làm như vậy.

“Trạm T2 cách T1 (cũng trên quốc lộ 91, thuộc quận Ô Môn) 40 km, mà theo quy định của Bộ Tài chính thì các trạm thu phí phải cách nhau 70 km. Chúng tôi chấp nhận đi từ Long Xuyên (An Giang) về Cần Thơ thì đóng phí 100% nhưng nếu đi từ Long Xuyên xuống  Rạch Giá (Kiên Giang) hoặc từ Rạch Giá đi sang Đồng Tháp nữa, nay mai cầu Vàm Cống làm xong thì làm sao, phí chồng phí? Tôi đồng ý BOT phải coi lại, phải có luật, phải có quy định như thế nào cho phù hợp” - ông Xuân kiến nghị.

Cùng về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cũng đề nghị phải làm rõ, tại sao Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa hai trạm thu phí là 70 km mà sao ở đây mới 40 km lại có trạm. “Cử tri phản ánh đoạn đường có 60 km mà đặt đến ba trạm thu phí (gồm hai trạm T1, T2 nêu trên và trạm thu phí trên quốc lộ 1 đoạn qua  quận Cái Răng). Hệ lụy đã thấy rõ là ở quận Cái Răng xảy ra hiện tượng tài xế trốn qua trạm để trốn thu phí dẫn tới những con đường do TP đầu tư bị xuống cấp nhanh, người dân bức xúc. Nếu như không làm rõ được thì khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng khó giải trình với cử tri” - ông Xuân góp ý.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ không quy định cứng nhắc là phải cách 70 km mới được đặt trạm thu phí mà tùy theo từng dự án sẽ có sự điều chỉnh khác nhau. Vấn đề đặt trạm thu phí T2 như nêu trên, đại diện Bộ GTVT cho biết đã xin ý kiến địa phương trước khi làm.

Đi rửa xe cũng bị thu phí ảnh 3
Ông Nguyễn Đức Kiên (giữa) đề nghị Bộ GTVT sớm giải quyết bức xúc ở trạm thu phí T2. Ảnh: N.NAM

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị đối với những bức xúc tại trạm thu phí T2 (đi từ quốc lộ 80 lên An Giang) thì Bộ GTVT phải chủ động phối hợp với địa phương để vừa bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư và người dân, không tạo điểm nóng trên địa bàn.

Còn về vấn đề khoảng cách đặt trạm và giá phí, ông Kiên cho rằng phụ thuộc vào từng dự án một nên đề nghị địa phương giải thích rõ cho người dân hiểu. “Cả nước có 73 trạm thu phí cho dự án BOT thì có 5-7 trạm có vấn đề, tức dưới 10%, nên không thể lấy bức xúc đó để nói về bức xúc BOT” - ông Kiên nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm