Điên với nạn quấy nhiễu qua điện thoại

Sau một thời gian tạm lắng, khoảng ba tháng gần đây nhiều chủ thuê bao điện thoại lại liên tục bị các nhân viên tiếp thị, môi giới mời mua sản phẩm, dịch vụ… Không ít người bị gọi liên tục cả chục cuộc điện thoại trong ngày, bất kể sáng trưa chiều tối. Thậm chí cả thứ Bảy, Chủ nhật cũng không yên thân.

Gọi bất chấp thời gian

Anh Quang Lê, ngụ quận 12, than thở: Khi gọi tới, họ luôn hỏi rất nghiêm trọng “đây có phải anh Lê, làm việc ở công ty X không?”. Tôi trả lời đúng, nhân viên tiếp thị liền tuôn một tràng giới thiệu khiến tôi nóng cả người, tắt máy ngay. “Dù đã nói là không có nhu cầu, làm ơn không gọi nữa nhưng hôm sau lại có người của chính công ty đó gọi đến, vẫn y chang bài cũ khiến tôi rất mệt mỏi. Mà công việc khiến tôi không thể không nghe số điện thoại lạ” - anh Lê cho hay.

Anh Mạnh Hà, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM cũng gặp trường hợp tương tự. “Những nhân viên môi giới này gọi bất chấp thời gian, kể cả giờ nghỉ trưa. Có lần bị dựng dậy lúc 13 giờ, bực quá tôi quát nhân viên tiếp thị thì lập tức bị trả đũa. Cụ thể, nhiều số lạ thay phiên nhau gọi vào máy tôi để chửi bới, hù dọa, thách thức” - anh Hà cho hay.

Nhiều đơn vị còn sử dụng tổng đài tự động để gọi điện thoại quảng cáo. Chỉ cần chủ thuê bao nhấc máy, lập tức ở đầu dây bên kia các thông tin về tiếp thị sẽ tự động được phát, không cần biết người nhấc máy có quan tâm hay không. Ngoài ra, hình thức quảng cáo qua tin nhắn SMS, spam email cũng được nhiều đơn vị tiếp thị dùng để “tra tấn” chủ thuê bao.

Nhiều nhân viên môi giới luôn gọi điện thoại “khủng bố” khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: M.HOÀNG

Dễ dàng có thông tin khách hàng

Phản ánh tới báo Pháp Luật TP.HCM, các bạn đọc kể trên nêu thắc mắc chung: Tại sao các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm hay cho vay tài chính… lại có được danh sách khách hàng với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp rõ ràng như vậy?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không khó để các công ty mua được thông tin khách hàng. Trên mạng xã hội Facebook, không ít người công khai rao bán dữ liệu khách hàng. Điển hình Facebook có tên “Danh sách khách hàng” đưa ra mức giá chỉ từ 100.000 đồng cho một danh sách 50.400 khách hàng tại TP.HCM thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng hoặc 11.700 khách hàng thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng… Còn website https://data......net/ cũng đưa ra lời chào mời “Mua bán data khách hàng VIP 63 tỉnh thành, update hàng ngày (chuẩn 99%)” kèm số điện thoại 093xxxxx98 để liên hệ. Người này cam kết có dữ liệu chính xác về 10.000 khách hàng. Khi được hỏi về nguồn dữ liệu, anh ta cho biết lấy từ những người gửi tiết kiệm.

Còn anh TBP, đang làm việc trong lĩnh vực bất động sản, tiết lộ: “Tôi biết một đội ngũ chuyên khai thác thông tin khách hàng và mua dữ liệu từ họ. Giá tuy cao hơn nhưng đảm bảo chính xác họ tên, công việc, thu nhập của khách hàng. Họ lấy thông tin từ “tay trong” của một vài trung tâm ngoại ngữ, ngân hàng, siêu thị,… rồi bán cho tôi”. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp đội ngũ này thì anh P. từ chối với lý do “bảo vệ miếng cơm manh áo”.

Bị quấy rối nên làm gì, kêu ai?

Theo luật sư Khưu Thanh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được quy định tại Điều 21 Hiến pháp và tại Điều 38 BLDS 2015.

Tôi thường cung cấp thông tin của mình tại siêu thị, shop thời trang… thông qua các chương trình khuyến mãi, tặng quà và nghĩ điều đó bình thường. Sau này, do quá nhiều lần bị làm phiền, tôi gặng hỏi thì nhân viên môi giới tiết lộ đã mua thông tin của tôi từ một siêu thị. Vì thế để tránh bị làm phiền qua điện thoại, mọi người đừng nên dễ dãi cung cấp thông tin cá nhân cho những đơn vị xin thông tin như trên.

Chị LTD, quận 12, TP.HCM

Các smartphone có chức năng chặn số điện thoại theo ý của chủ nhân. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện sau khi chủ thuê bao đã bị làm phiền. Ngoài ra, cũng có các phần mềm chặn cuộc gọi ngoài danh bạ nhưng giải pháp này khó khả thi vì nó sẽ chặn luôn những cuộc gọi giao dịch cần thiết khác.

Theo tôi, cơ quan chức năng cần cung cấp một kênh phản ánh riêng (như tổng đài đường dây nóng, hộp thư điện tử…) để người bị làm phiền phản ánh. Nếu xác minh đúng như phản ánh, cơ quan chức năng cần mạnh tay chế tài theo quy định pháp luật.

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena

“Điều 387 BLDS cũng nêu rõ: Trong giao kết hợp đồng các bên phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác; nếu vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vì thế với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của người khác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Tâm nói.

Luật sư Tâm cũng cho biết việc các đơn vị sử dụng thông tin có được để liên tục thực hiện những cuộc gọi, tin nhắn gây ảnh hưởng đến đời sống của khách hàng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy vào tính chất, mức độ sẽ có những hình thức xử lý như hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Như vậy, trong trường hợp bị gọi điện thoại gây phiền phức, ảnh hưởng đến sinh hoạt thì khách hàng có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền quản lý về thông tin truyền thông để phản ánh, tố cáo. Hoặc khởi kiện những tổ chức, cá nhân đã có hành vi quấy rối hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của mình ra tòa án” - luật sư Tâm nói.

Ai cũng có thể bị quấy nhiễu

Trao đổi trên một tờ báo vào năm 2017, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết: “Tôi cũng như nhiều người khác, bị nhà cung cấp dịch vụ hay sản phẩm hàng hóa làm phiền rất nhiều lần trong bất kỳ giờ nào. Khi tôi đang làm việc hay có thể đang tham gia họp, đang chủ trì cuộc họp, tôi cũng đã bị những số điện thoại lạ gọi đến với mục đích như vậy”.

Theo bà Mơ, đây là một hoạt động mà đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần phải cảnh báo xã hội để giúp giảm bớt hoặc chấm dứt hoạt động này, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

VT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm