Doanh nghiệp nói gì về kết luận của Thanh tra Bộ GTVT?

Sau khi kết luận thanh tra của Bộ GTVT nêu rõ các sai phạm tại dự án nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng (cùng hai dự án nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh và nhà để xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất - PV), chúng tôi đã có buổi phóng vấn ông Lê Khắc Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) để tìm hiểu về vấn đề này.

AHT: “Chúng tôi cần được giải trình”

Phóng viênÔng lý giải như thế nào về các sai phạm mà kết luận thanh tra đã chỉ ra? Tới đây sẽ khắc phục ra sao?

+ Ông Lê Khắc Hồng: Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) là chủ đầu tư dự án nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng. Trước tiên phải nói rõ chúng tôi không phải đối tượng của cuộc thanh tra này. Bộ GTVT thành lập đoàn thanh tra đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Kết luận của thanh tra theo tôi có một số điểm cần được giải trình, làm rõ thêm, đảm bảo khách quan, đúng với quy định của pháp luật.

Ông có thể nói chi tiết hơn về một số điểm mà ông cho rằng cần phải giải trình?

+ Thanh tra Bộ GTVT căn cứ Điều 27 Luật Đầu tư 2014 để kết luận hình thức đầu tư của ACV (thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án ga quốc tế sân bay Đà Nẵng) là không đúng pháp luật. Tuy nhiên, Điều 27 nói rõ là nhà đầu tư ký hợp đồng với cơ quan nhà nước để thực hiện các dự án theo hình thức PPP đối với các dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng và dịch vụ công. Thanh tra quy ra dự án nhà ga là kết cấu hạ tầng nên ACV phải thực hiện theo PPP là không đúng. Luật không hề nói dự án kết cấu hạ tầng và dịch vụ công bắt buộc phải thực hiện theo PPP.

Kết luận nêu rõ chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng là vượt thẩm quyền, Ông có giải thích gì?

+ Theo Luật Đầu tư 2014, có ba nơi có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là: Quốc hội, Thủ tướng và UBND cấp tỉnh, trong đó thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cảng hàng không/sân bay là Thủ tướng chính phủ. Luật Hàng không định nghĩa: cảng hàng không/sân bay gồm: Đường cất hạ cánh, sân đậu máy bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, các công trình điện nước, công trình quản lý bay… Vì thế, hạng mục nhà ga hành khách chỉ là một công trình thành phần trong CHK, không phải là CHK; nên không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.

Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng. Ảnh: TV

Triển khai dự án khi chưa ký hợp đồng thuê đất

. Thanh tra cũng kết luận dự án của các ông xây dựng khi chưa đấu giá đất và chưa thuê được đất. Chưa ký được hợp đồng thuê đất, tại sao các ông lại triển khai?

 + Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Hàng không Dân dụng 2006, các dự án xây dựng trong cảng hàng không, sân bay đều thuộc diện nhà nước giao đất theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Cũng theo quy định tại Khoản 3, Điều 156 Luật Đất Đai 2013, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng phê duyệt, Cảng vụ hàng không được quyền giao đất, cho thuê đất.

 Trong giai đoạn đầu của dự án, chúng tôi vừa giải phóng mặt bằng (GPMB) vừa xây dựng để triển khai thi công ngay nhằm đảm bảo tiến độ đưa công trình vào khai thác phục vụ APEC 2017.

 Cảng vụ Hàng không miền trung đã bàn giao đất cho chúng tôi, có biên bản bàn giao rồi. Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình đền bù, bồi thường để giải phóng mặt bằng của UBND Thành phố Đà Nẵng. Trung tâm phát triển quỹ đất là cơ quan chủ trì thực hiện việc đền bù và giải phóng mặt bằng cho dự án.

 Trên thực tế chúng tôi đã chuyển tiền đền bù cho Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố ngay khi xác định được giá trị đền bù và đã nộp tiền thuê đất tạm tính cho TP rồi. Năm 2017 nộp 15 tỉ đồng cho hai năm. Năm nay vừa nộp 7 tỉ đồng nữa.

 Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm