Ga metro ở Hồ Gươm: Cần thận trọng!

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nêu ý kiến sau khi UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất đặt nhà ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 tại khu vực Hồ Gươm. Dự kiến nhà ga này nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước cổng Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội).

Không phải giải tỏa nhà dân

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 được triển khai từ năm 2008 bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Quá trình nghiên cứu, triển khai được tổ chức JICA của Nhật Bản hỗ trợ chặt chẽ. Riêng địa điểm đặt ga ngầm C9 được bàn thảo, cân nhắc rất nhiều lần. Cuối cùng, ba phương án được chốt lại, gồm: Đặt ga trước đền Ngọc Sơn, gần khu vực đền Bà Kiệu; đặt ga trên đường Đinh Tiên Hoàng, trước trụ sở EVN Hà Nội (trước đó đề xuất đặt tại khu đất của EVN). Cuối cùng là tại vị trí nhà hát múa rối Thăng Long.

Ga metro ở Hồ Gươm: Cần thận trọng! ảnh 1

Việc đặt ga ngầm tại khu vực Hồ Gươm là cần thiết nhưng phải cẩn trọng để không tác động đến khu di tích Hồ Gươm. Ảnh: Đạt Lê

“Sau khi cân nhắc kỹ, ban chỉ đạo dự án đã lựa chọn phương án B. Phương án này ít ảnh hưởng nhất đến Khu di tích Hồ Gươm vì không tác động tới khu Tháp Bút, đền Bà Kiệu, đồng thời không phải di dời, giải tỏa các hộ dân trên phố cổ” - ông Tuấn nói. Theo kế hoạch, trong quý I-2013, UBND TP Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch mặt bằng ngầm khu vực này để làm cơ sở triển khai dự án.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (người được JICA mời tham gia tư vấn dự án), cũng cho rằng: Phương án đặt nhà ga C9 tại ven đường Đinh Tiên Hoàng, trước trụ sở EVN Hà Nội là ít ảnh hưởng tới Hồ Gươm nhất. Toàn bộ nhà ga sẽ được làm ngầm, không có công trình nổi, lối lên nhà ga sẽ được thiết kế để hài hòa với cảnh quan xung quanh.

“Việc đặt nhà ga C9 tại đây nhằm kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông, hạ tầng sẵn có của khu vực Hồ Gươm. Đây là nơi có lượng khách đông, về lâu dài cần ít nhất hai nhà ga ngầm để đảm bảo nhu cầu của du khách” - ông Vạn nói.

“Nên chọn địa điểm khác”

Tuy nhiên, KTS Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Việt Nam, người được mời phản biện về dự án, cho biết: Phương án được thiết kế khả thi nhất là đặt nhà ga C9 tại khu đất của EVN Hà Nội. Khu đất này phần nổi có thể làm tòa nhà tài chính, ngân hàng và phía dưới đặt nhà ga ngầm. “Khi lấy ý kiến trong hội đồng, tôi cũng nêu vấn đề này nhưng ban quản lý dự án cho biết không thỏa thuận được về đất với EVN, bởi vậy phương án nhà ga C9 được chọn tại vị trí hiện nay (cách 60 m về hướng nam khu đất tòa nhà EVN)” - ông Hanh nói.

Theo ông Hanh, việc đặt ga ngầm tại khu vực Hồ Gươm là cần thiết nhưng phải thật cẩn trọng. “Cần nghiên cứu kỹ, tìm phương án tối ưu sao cho không ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Khi triển khai xây dựng cũng phải rà soát kỹ lòng đất vì đây là khu vực có thể tồn tại nhiều di tích ngầm” - ông Hanh lưu ý.

Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm tỏ ra lo lắng khi Hà Nội lựa chọn phương án đặt ga ngầm tại nơi có nhiều di tích quan trọng. Theo ông Nghiêm, trước đây nhiều công trình quanh Hồ Gươm đã phải chỉnh sửa nhiều lần vì ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực như khách sạn Vàng, nhà hàng Cá Mập… Nay lại đặt nhà ga ngầm tại đây liệu có ổn không? “Thay vì đặt ga ngầm sát với Hồ Gươm, Hà Nội nên chọn địa điểm khác quanh khu vực, tốt nhất là trụ sở các cơ quan, bộ ngành sẽ phải di dời” - ông Nghiêm đề xuất.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) là một trong sáu tuyến đường sắt đô thị thuộc Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường dài 11,5 km, trong đó 3,1 km chạy nổi, còn lại chạy ngầm. Điểm đầu là khu đô thị Nam Thăng Long, qua các đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Phan Đình Phùng, rồi xuyên xuống Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế và kết thúc tại đường Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có 10 ga, trong đó có ba ga trên cao và bảy ga ngầm.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm