Giao lưu trực tuyến: Quản lý chất lượng an toàn thi công công trình xây dựng

Thai Van - Nam
Tôi dự định xây lại căn nhà 4 tầng (mua lại của người khác) ở đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh) có diện tích 4x15 m. Tôi nghe nói trước khi tiến hành xây dựng công trình phải làm khảo sát xây dựng, xin ông cho biết trường hợp của tôi có phải làm khảo sát xây dựng hay không và các bước thực hiện (nếu có)?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Ông/bà chưa nói rõ là đập bỏ toàn bộ xây lại hay sửa chữa lại hoặc nâng tầng.
-  Trong trường hợp nâng tầng, ông bà phải thuê một đơn vị tư vấn có chức năng kiểm định để tiến hành kiểm định lại toàn bộ móng công trình, mục đích là để xác định kết cấu của công trình hiện hữu có khả năng chịu lực khi nâng tầng hay không. Đây cũng là một thành phần hồ sơ để nộp cho ủy ban nhân dân quận, huyện nơi công trình tọa lạc để xin phép xây dựng. Khi xem xét cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào kết quả kiểm định dể cho phép nâng tầng hay không.
- Trong trường hợp sửa chữa lại mà không làm thay đổi kết cấu nhà (không tăng tải trọng) thì không cần thiết phải khảo sát.
- Trong trường hợp đập bỏ toàn bộ nhà cũ để xây dựng lại, ông/bà cần phải khảo sát địa chất để đơn vị thiết kế, đơn vị thi công căn cứ vào đó để có giải pháp móng phù hợp, tránh sự cố có thể xảy ra.
Giao lưu trực tuyến: Quản lý chất lượng an toàn thi công công trình xây dựng ảnh 1
Cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM đang trả lời độc giả. Ảnh: HUYỀN VI

Hoàng Hải Phách - Nam
Tôi rất bực mình khi công trình trụ sở của công ty tôi vừa được nghiệm thu vài tháng thì đã bị thấm nước rất nhiều. Tôi kêu bên thi công đến thì họ sửa chữa qua loa rồi đâu lại vào đấy. Theo hợp đồng, thời hạn bảo hành chỉ có 1,5 năm. Nếu sau thời hạn đó, chất lượng tòa nhà bị giảm sút, hư hỏng mà không phải lỗi của chúng tôi thì có thể buộc đơn vị thi công chịu trách nhiệm hay không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Thời hạn bảo hành 1,5 năm là chung cho cả công trình, tất cả các hạng mục, kể từ lúc nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Riêng hạng mục nào phải sửa chữa, như hạng mục bị thấm, thì thời gian bảo hành được tính bắt đầu từ lúc sửa chữa xong và nghiệm thu bàn giao.

Nguyen Thi Ut - Nữ
Tôi thấy báo chí phản ánh nhiều về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các chung cư tái định cư, như: Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Biểu… Việc xuống cấp này diễn ra ngay sau khi các chung cư được đưa vào sử dụng. Điều đó cho thấy chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công đã quá dễ dãi trong việc giám sát cũng như nghiệm thu công trình. Xin ông cho biết quan điểm của Sở Xây dựng về việc này?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Về các chung cư tái định cư bị hư hỏng qua phản ảnh của báo chí, Sở Xây dựng TP.HCM đã thành lập đoàn kiểm tra để thu thập các ý kiến phản ảnh về chất lượng công trình và đánh giá hiện trạng công trình, qua đó có báo cáo UBND TP.HCM để xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND các quận, huyện nơi có các chung cư bị hư hỏng, kém chất lượng để có kế hoạch sửa chữa, khắc phục. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng tiến hành rà soát, đánh giá lại quy trình quản lý chất lượng các chung cư tái định cư để phòng tránh tình trạng kém chất lượng xảy ra.
Lê Kim Phương
Kính thưa ông Hiệp, PGĐ Sở Xây dựng. Tôi đang thuê một công ty xây dựng để xây dựng công trình nhà ở, quy mô một trệt, ba tầng lầu, diện tích sàn khoảng 250m2. Tôi muốn hỏi thông thường công trình như nhà tôi thì có tuổi thọ bao lâu? Bên phía thi công phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng căn nhà cho tôi trong thời gian như thế nào? Tôi muốn buộc họ mua bảo hiểm cho công trình, phòng khi công ty họ giải thể hoặc chây ỳ thì bảo hiểm có trách nhiệm chi trả thì có được không? Xin cảm ơn ông.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
- Tuổi thọ công trình do đơn vị tư vấn thiết kế xác định. Như vậy, để biết được tuổi thọ công trình, ông/bà phải thuê tư vấn thiết kế thực hiện thiết kế cho nhà của ông/bà và xác định luôn tuổi thọ công trình.
- Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình do mình thi công và có trách nhiệm bảo hành 12 tháng kể từ ngày bàn giao đưa công trình vào sử dụng.
Lưu ý: để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, trong quá trình thi công, ông/bà phải giám sát chặt chẽ đơn vị thi công, nếu ông/bà không đủ khả năng thì cần phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập có chức năng để giám sát thi công xây dựng.
- Việc mua bảo hiểm công trình thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, không thuộc trách nhiệm đơn vị thi công.
Giao lưu trực tuyến: Quản lý chất lượng an toàn thi công công trình xây dựng ảnh 2

Ảnh: HUYỀN VI
Bà Mai Lan Hương
Tôi xin hỏi Sở Xây dựng: Cao ốc xây kế bên nhà hàng của tôi khiến nhà hàng bị hư hỏng, lún nứt không thể hoạt động được. Tôi kiện thì bên kia vẫn được tiếp tục thi công, đến nay đã hoàn tất công trình, đưa vào sử dụng. Do đó việc kiện tụng của tôi gặp nhiều khó khăn nếu bên kia không bồi thường thiệt hại vì đã được hoàn thành công trình thì họ đâu còn sợ gì. Vậy việc này có được phép không? Cảm ơn ông Hiệp, PGĐ Sở Xây dựng.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Trường hợp của bà đề nghị liên hệ Sở Xây để cung cấp thêm chi tiết và để được giải thích cụ thể.
Phạm Văn Tân - Nam
Tôi là một trong 22 hộ dân bị lún nứt do cầu Văn Thánh 2. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 7 hộ được bồi thường. Đơn vị thi công không chịu bồi thường vì chờ chỉ đạo của UBND TP. Xin hỏi việc này đến nay đã tới đâu? Khi nào chúng tôi mới được nhận bồi thường?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Về việc này, đề nghị ông liên hệ với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh để được biết thêm chi tiết.
Huỳnh Ngọc Mẫn - Nam
Sở Xây dựng có cung cấp danh sách các công ty xây dựng có uy tín để người dân chúng tôi lựa chọn không? Chúng tôi không rành mảng này nên khi có việc không biết công ty nào uy tín, thường tìm đại hoặc qua người này ,người kia giới thiệu nên rất không an tâm. Những công ty lớn chuyên làm cho dự án cao ốc có lẽ sẽ không nhận công trình nhà ở, hoặc chi phí sẽ rất mắc - có phải vậy không? Nghe nói có nhiều nhà thầu rất ẩu, không có năng lực chuyên môn nên tôi đề nghị Sở phải công bố danh sách công ty nào làm tốt, công ty nào vào sổ đen. Giống như ở các quận có niêm yết danh sách các công ty đo vẽ được công nhận.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Đề nghị bạn liên hệ Phòng Quản lý chất lượng công trình - Sở Xây dựng TP.HCM để giải đáp cụ thể ý kiến của bạn.

Một bạn đọc
Xin hỏi Sở Xây dựng khi nào công trình gây sự cố bị xử lý trách nhiệm hình sự? Tôi chưa thấy có trường hợp nào thì phải? Vậy thực tế, Sở đã xử mức phạt nặng nhất là bao nhiêu? Như vậy có nhẹ tay với những người xem thường tính mạng, tài sản của người khác khi xây liều, xây ẩu hay không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
- Việc xử lý trách nhiệm hình sự hay không là do cơ quan tố tụng xác định. Trong thực tế có nhiều trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ. Ngoài phạt tiền, trong Nghị định 23 còn quy định buộc chủ đầu tư, đơn vị thi công bồi thường thiệt hại cho các công trình lân cận do việc thi công công trình của mình gây ra.
Lê Minh Tròng - Nam
Tôi xây nhà mặt tiền một lầu được đúc trụ, khi tô trang trí mặt tiền tôi có xây thêm một viên gạch và ốp đá. Vậy khi đo kiểm tra kích thước thì đo ở trong nhà ra rồi cộng trụ hay đo luôn phủ bì cả viên gạch và ốp đá xây để trang trí? Kính xin Báo trả lời cho tôi được rõ. Xin chân thành cám ơn.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Trong công tác kiểm tra lộ giới nhà ở, kích thước nhà ở được đo đạc dựa trên kích thước thực tế sau cùng của căn nhà bạn đang ở, bao gồm cả các loại vật liệu ốp lát bên ngoài. Điều này có nghĩa là kích thước sẽ được đo phủ bì cả viên gạch và đá ốp bên ngoài. Tuy nhiên trong công tác xây dựng, kích thước nhà ở được tính đến mép cột.
Ông Vương Hữu Mai - Nam, 56 tuổi
Nếu tôi nhớ không lầm trước đây thành phố có văn bản, yêu cầu chủ nhà trước khi xây dựng phải hỏi ý kiến những công trình lân cận. Chủ nhà phải quay phim chụp hình hiện trạng. Vậy quy định này hiện nay còn áp dụng hay không? Nếu họ không làm đúng, tôi khiếu nại thì họ sẽ bị đình chỉ thi công phải không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Đề nghị bạn tham khảo Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD ngày 5-11-2007 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng.

Giao lưu trực tuyến: Quản lý chất lượng an toàn thi công công trình xây dựng ảnh 3

Thanh Hoa, nữ
Xin cho tôi hỏi có quy định nào về độ lớn của tiếng ồn trong thi công xây dựng công trình hay không. Sát nhà tôi đang có một cao ốc xây dựng, mỗi lần họ đóng cọc ồn khủng khiếp. Nhà tôi phải đóng cửa để hạn chế tiếng ồn vọng vào mà vẫn không xong.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Về tiếng ồn trong thi công xây dựng công trình, đề nghị bạn liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để được giải đáp. Về phản ảnh của bạn về tiếng ồn của công trình kế bên gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của gia đình bạn, đề nghị bạn liên hệ với UBND phường hoặc thanh tra xây dựng địa phương để được xử lý.

Hồ Nguyên Dũng - Nam
Sở Xây dựng có thể cho biết bao nhiêu công trình gây sự cố từ đầu năm đến nay hay không? Vì sao có nhiều thông tin không được công khai, trong khi lẽ ra cơ quan chức năng cần thông báo cho người dân lẫn các chủ đầu tư khác biết để nâng cao ý thức trách nhiệm?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Theo thông tin thu thập từ các báo cáo của các đơn vị, từ đầu năm đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra hai sự cố. Sở Xây dựng báo cáo các cơ quan thẩm quyền về tất cả các thông tin về sự cố mà Sở Xây dựng thu thập được.

Lâm Thu Phong
Chúng tôi là những cư dân chung cư tái định cư An Phúc- An Lộc, quận 2. Báo chí cũng phản ảnh rất nhiều về sự xuống cấp của chung cư này. Khi cư dân phản ảnh thì ban quản lý chung cư cho biết đã hết thời hạn bảo hành. Xin hỏi, các cơ quan chức năng có biện pháp gì để giúp chúng tôi không? Cảm ơn Sở Xây dựng.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Hiện nay, Công ty Công ích quận 2 đã lên kế hoạch sửa chữa chung cư An Phúc - An Lộc, quận 2. Bạn có thể liên hệ với Công ty Công ích quận 2 để biết thêm chi tiết.
Lương Thế Quỳnh
Nhà tôi nằm sát vách một cao ốc làm khách sạn đang xây ở quận 1. Tôi rất lo ngại nhà mình bị ảnh hưởng trong lúc bên này xây. Tôi không muốn kiện cáo hay bồi thường vì nhà tôi mới xây rất đẹp và tốn kém. Vậy tôi có thể yêu cầu bên kia phải thực hiện những biện pháp nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà tôi? Xin nhờ Sở giúp đỡ. Xin cảm ơn.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Ông/bà cần liên hệ với chủ đầu tư công trình lân cận để yêu cầu họ tiến hành xác định hiện trạng căn nhà của ông/bà. Đây là cơ sở để xác định bồi thường khi xảy ra việc hư hại nhà của ông/bà do việc xây dựng công trình lân cận gây ra.
Mặt khác, trong quá trình thi công, khi cảm thấy việc thi công gây mất an toàn, ông/bà có quyền yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn cho người và công trình lân cận. Nếu họ không thực hiện, ông/bà có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân phường xử lý.
Quy định này đã được Bộ Xây dựng quy định tại Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD ngày 25-11-2007, theo đó chủ đầu tư phải bổ sung trong hồ sơ xin phép xây dựng ảnh chụp hiện trạng các công tình lân cận.
Nguyen Hoang Tuan - Nam, 43 tuổi
Tôi có giấy phép xây dụng nhà xưởng năm 2004 (thời hạn sử dụng là hết năm 2050), lúc thời điểm này phải hùn hạp với người khác nên dựng nhà xưởng tạm, hiện nay tôi muốn xây dựng lại nhà xưởng mang tên tôi có bị vi phạm không? Nếu xin cấp phép lại thì cơ quan nào lập thủ tục cấp phép? Xin cảm ơn.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Đề nghị bạn liên hệ UBND phường nơi có nhà xưởng đó để được hướng dẫn giải quyết.

Hoàng Minh Tuấn - Nam
Trước kia nhà nước phải làm nghiệm thu công trình nhưng sau này giao phó cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Như vậy công tác quản lý chất lượng được thực hiện như thế nào? Có phải đó là nguyên nhân khiến nhiều công trình từ lớn đến nhỏ (cao ốc, nhà phố…) kém chất lượng, gây ảnh hưởng nhà lân cận, thậm chí bị đổ sập như một số vụ việc vừa qua hay không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Hiện nay, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn thiết kế. Trong đó, vai trò chủ yếu thuộc về chủ đầu tư. Đây có thể là một trong các nguyên nhân nhiều công trình kém chất lượng.
Để khắc phục hiện trạng này, hiện nay Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản sửa đổi Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ. Cũng nói thêm, trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng được quy định trong Nghị định nêu trên.
Triều
Tại sao có những công trình chưa xong đã kém chất lượng? Như đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, rồi cả hầm Thủ Thiêm chưa xong mà cũng đã có những hiện tượng kém chất lượng. Vai trò, trách nhiệm của các bên chủ đầu tư, thi công như thế nào, đặc biệt là quản lý nhà nước mà cụ thể là Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải ra sao?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Hiện nay vai trò trách nhiệm của các bên tham gia đều đã được quy định rõ trong Nghị định 209/2004/NĐ-BXD về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Thái Bình - Nam
Xin hỏi các vụ lún sụt mặt đường mà báo chí hay gọi là hố tử thần, Sở Xây dựng đã có kết luận nguyên nhân hay chưa? Liệu còn có hố tử thần nào nữa hay Sở cũng không biết, khi nào xảy ra thì mới biết?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Việc xác định nguyên nhân xảy ra "hố tử thần" được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì.
Nguyen Quang Thi - Nam, 38 tuổi
Chất lượng luôn là vấn đề luôn được toàn xã hội quan tâm, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND TP.HCM về quản lý chất lượng công trình xây dựng, ông có giải pháp đột phá gì để công tác quản lý chất lượng đạt hiệu quả hơn (trước hết là các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, giao thông, nhà ở chung cư, viễn thông)?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Chất lượng công trình luôn gắn liền với ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công, cũng như đơn vị giám sát. Do đó, để nâng cao chất lượng công trình, việc cần làm trước tiên là nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên liên quan.
Ha - Nữ, 50 tuổi
Trong quá trình thi công một công trình, có công nhân bị té giàn giáo thiệt mạng, phía nhà thầu và chủ đầu tư chỉ hỗ trợ ít kinh phí mai táng. Xin ông cho biết pháp luật có quy định nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho công nhân thi công công trình không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Luật lao động có quy định nhà thầu phải mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên.
Giao lưu trực tuyến: Quản lý chất lượng an toàn thi công công trình xây dựng ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM. Ảnh: HUYỀN VI

Nguyen Kim Hoang
Xin cho hỏi tôi có một lô đất (ở hẻm Ngô Quyền, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) tôi mua năm 2009, khi đó chưa có dự án quy hoạch (đất nông nghiệp), nhưng vì tôi không có nhà ở nên tôi xây tạm với diện tích là 50 m2. Các cơ quan không cấp phép, nhưng nay tôi đã xây xong và ở được 1 tháng rồi, vậy tôi có bị xử phạt không? 
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng là 02 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính xảy ra.
- Nếu hết thời hạn nêu trên, ông/bà vẫn bị xử lý vi phạm hành chính bằng một quyết định, trong đó sẽ không bị phạt tiền nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép.
- Nếu còn trong thời hạn xử phạt, ông/bà bị xử phạt vi phạm hành chính bằng một quyết định, trong đó ngoài hình thức phạt tiền còn buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép.
Võ Chí Công, 26 tuổi
Cho tôi hỏi về việc tôi có cho mượn nền đất để cho chủ nhà hàng xóm dựng lên ở tạm trong quá trình xây dựng, sau khi xây nhà xong thì họ dọn đi nhưng để lại trên nền một bãi rác, kêu họ dọn thì họ im lặng không nói gì hết. Vậy tôi có kiện họ được không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời::
Đây chỉ là quan hệ dân sự giữa hai bên liên quan, do đó việc dọn bãi rác nêu trên sẽ phụ thuộc vào những quy định ràng buộc ban đầu của chủ nhà khi bắt đầu cho mượn đất.
Duong Van Thien, 34 tuổi
Quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc diện nhà tái định cư nằm trong dự án khu dân cư mới như thế nào?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng được Chính phủ quy định tại Nghị định số 209/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Theo đó, không quy định đối với các trường hợp cá biệt (nhà tái định cư), mà quy định chung cho tất cả công trình phải tuân thủ.
Huu Tinh - Nam
Tôi hiện đang là nhân viên thanh tra xây dựng phường. Đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, về mặt quản lý ở phường, chúng tôi chỉ kiểm tra về tính pháp lý của công trình như giấy phép xây dựng, bản vẽ xin phép xây dựng, tình trạng xây dựng của công trình không để xảy ra sai phép như: lấn chỉ giới đường đỏ, tăng tầng, tăng chiều cao, sai mật độ xây dựng... Nhưng về mặt chất lượng của công trình thì chúng tôi hoàn toàn không kiểm tra được như: sắt phải phi bao nhiêu, bê tông phải trộn như thế nào, đổ bê tông như thế có đảm bảo an toàn cho sàn, cho ban công hay không...? Vậy thì khi xảy ra sự cố về chất lượng của công trình (như sụp đổ) thì chúng tôi có chịu trách nhiệm chung với nhà thầu hay không? Mong ông giải đáp thắc mắc này để chúng tôi có thể làm đúng trách nhiệm của mình. Xin cám ơn ông.
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:

Đề nghị bạn liên hệ Thanh tra xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM để được hỗ trợ về công tác chuyên môn.

Quách Phạm Cường, Nam, 36 tuổi
Kính thưa ông Hiệp. Tôi xin hỏi trong công tác giám sát thi công, nhân viên được giám đốc giao nhiệm vụ giám sát bằng một quyết định riêng. Khi ký nghiệm thu, trưởng phòng cũng phải ký trước khi trình giám đốc ký. Như thế ai là người chịu trách nhiệm chính, nhân viên hay trưởng phòng?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Người cao nhất sẽ có trách nhiệm.
Trần Lê Thủy, 40 tuổi
Xin hỏi, chúng tôi rất bất bình vì hầu như hễ chung cư tái định cư, thậm chí là nhà ở xã hội là chất lượng rất kém dù chỉ mới vài năm sử dụng. Trong khi đó, chung cư thương mại thì rất hiếm khi bị. Có phải xây cho người nghèo nên nhà nước và các công ty làm ăn cẩu thả? Hay có những tiêu cực nào? Vì sao công trình kém chất lượng vẫn được nghiệm thu? Sở Xây dựng có kiểm tra lại hay không?
Ông NGUYỄN VĂN HIỆP, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trả lời:
Độ bền và tuổi thọ của một chung cư sử dụng cho mục đích thương mại, tái định cư, xã hội đều như nhau. Vấn đề là con người làm ra sản phẩm và con người thụ hưởng sản phẩm đó có trách nhiệm ra sao.

Chung cư từ 9 tầng trở lên theo quy định hiện hành của Luật Nhà ở, phải bảo hành 5 năm (trước đây là 2 năm). Trong thời gian bảo hành, những hư hỏng xảy ra không do người sử dụng gây nên, chủ đầu tư phải bỏ chi phí khắc phục ngay (thường sẽ kêu nhà thầu thực hiện).

Hết thời gian bảo hành, ban quản trị nhà chung cư được cư dân bầu ra sẽ có trách nhiệm bảo trì công trình để đảm bảo công năng sử dụng vẫn thuận lợi như ban đầu.

Đối với quỹ nhà tái định cư, trong giá mua đã có tính đến chi phí bảo trì cho 10 năm đầu tiên. Vấn đề là chi phí đó được sử dụng như thế nào.

Nếu ban quan trị nhà chung cư không đủ năng lực để dảm bảo việc bảo trì, có thể thuê đơn vị tư vấn để thực hiện. Về nguyên tắc, các chung cư tái định cư thường vẫn do những công ty công ích địa phương quản lý, bảo trì, và việc bảo trì phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, để công việc bảo trì không bị lãng phí.
Trường hợp thiếu kinh phí bảo trì, cần vận động cư dân góp sức. Nhà nước không bao cấp trong việc bảo trì công trình xây dựng nói chung, chung cư tái định cư nói riêng.

Trong đợt kiểm tra lần 1 các chung cư tái định cư xuống cấp vào tháng 10, thực tế cho thấy sự xuống cấp chủ yếu bắt đầu từ hệ thống kỹ thuật, không phải là hệ thống chịu lực của công trình, như xì, nghẹt hệ thống cấp thoát nước; hầm phân không hút, cống thoát không thông; sàn vệ sinh bị thấm... Nếu không sửa chữa, công năng sử dụng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và chung cư xuống cấp rất nhanh (tuy vẫn đảm bảo khả năng chịu lực).

Như vậy để đảm bảo công năng sử dụng các công trình nói chung về lâu dài cần phải bảo trì định kỳ, liên tục, có nội dung rõ ràng, với chi phí hợp lý. Điều này các cư dân ở chung cư thương mại thường đóng góp hiệu quả hơn so với chung cư tái định cư.

Quản lý nhà nước chỉ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, xử phạt các vi phạm và không làm thay. Sở hữu căn hộ chung cư của cư dân tái định cư là vĩnh viễn, cho nên trách nhiệm đối với vật sở hữu của mình cần phải tương thích vì nếu không chính các cư dân làm giảm giá trị vật sở hữu của mình.

BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm