Bộ trưởng thị sát đoàn tàu mua từ Trung Quốc

Ngày 20-2,  Bộ trưởng, Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã đi thị sát lô bốn chiếc đầu máy, toa xe của đoàn tàu đầu tiên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang được tập kết tại đường Lê Trọng Tấn kéo dài (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông).

Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng những đầu máy, toa xe đường sắt là hàng có giá trị, vì vậy việc đưa lên ray cần hết sức cẩn trọng, không vì sức ép tiến độ mà để xảy ra rủi ro.  

Đồng thời, Bộ trưởng giao lãnh đạo Vụ Khoa học - công nghệ, Cục Quản lý chất lượng và xây dựng công trình giao thông cùng Ban Quản lý dự án họp bàn phương án tối ưu nhất, an toàn nhất để đưa đầu máy, toa xe lên đường ray trên cao.

Đoàn tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông trưng bày lấy ý kiến của người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Sau quá trình các bên bàn bạc, tiếp thu ý kiến, thống nhất phương án phù hợp với thực địa, các bên thống nhất vị trí cẩu lắp đoàn tàu đầu tiên lên ray chính tuyến trên cầu cạn tại vị trí từ trụ JR02 đến JR06, khu vực ga La Khê, nằm trên đường Quang Trung - Hà Đông (giáp ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn).

Phương án thi công chi tiết, cẩu lắp đoàn tàu do Tổng thầu EPC/đơn vị vận tải lập và được Tư vấn giám sát kiểm tra, phê duyệt. Ban Quản lý dự án Đường sắt sẽ chỉ đạo tiến hành cẩu lắp đoàn tàu từ 22 giờ 30 đêm ngày 20-2 đến 5 giờ ngày 21-2 (theo kế hoạch dự kiến, mỗi đêm thực hiện cẩu lắp 2 toa).

"Việc cẩu các toa tàu lên cầu cạn sẽ được thực hiện bằng cẩu bánh xích Kobelco CKS2500 (cần cẩu loại 250 tấn), cần chính 51,8m; bán kính hoạt động từ 10,8m đến 12m ứng với trọng lượng mã hàng tương ứng từ 84,5 tấn đến 79,5 tấn, để cẩu lắp đoàn tàu. Trong thời gian chuẩn bị cẩu lắp các toa tàu sẽ cấm toàn bộ giao thông chiều đường tại khu vực sát ga La Khê và ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn theo hướng Hà Nội đi Ba La, đồng thời tổ chức hướng dẫn giao thông đi hai chiều bên phía đường còn lại...

Trong thời gian cẩu, toàn bộ đoạn đường khu vực này (theo cả 2 chiều), Ban Quản lý dự án Đường sắt sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương...); bố trí đầy đủ hàng rào, biển báo hiệu và nhân lực để phân luồng tổ chức giao thông, hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình cẩu lắp đoàn tàu vào vị trí.

Trước đó, tàu Tian Wang Xing (Trung Quốc) đã vận chuyển hai đầu máy và hai toa xe của đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cập cảng Hạ Long (Hải Phòng) chiều 12-2. 

Theo hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc, mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chứa tối đa 1.326 người, phục vụ vận chuyển hành khách đô thị trục Cát Linh - Hà Đông với số tiền 63,2 triệu USD. Được biết tàu điện trên do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm