Chuyên gia lo ngại chất lượng cầu Bạch Đằng

Liên quan câu chuyện tài xế phản ánh khi lưu thông qua cầu Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh) “dập dềnh” như lướt sóng được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội những ngày qua, sáng 7-11, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chủ trì buổi làm việc giữa các cơ quan chức năng với Công ty Cổ phần BOT Bạch Đằng để thảo luận về chất lượng cầu cũng như tìm phương án giải quyết.

Cần đề xuất phương án khắc phục

Tại buổi làm việc, ông Diện cho rằng phản ứng của tài xế khi tham gia giao thông trên cầu Bạch Đằng là đúng vì mặt đường gợn sóng có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. “Việc này chủ đầu tư phải khắc phục sau khi tính toán thời gian hợp lý, không vì bị sức ép dư luận mà làm không kỹ. Đặc biệt là phải tham vấn các chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) và có phương án thi công sau khi được cơ quan chức năng thẩm duyệt” - ông Diện nói.

Ông Đặng Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, cho biết sau khi báo chí thông tin về tình trạng “dập dềnh” của cầu Bạch Đằng, Sở đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. Đây là cầu dây văng có hệ thống quan trắc tự động, quá trình theo dõi cho thấy cầu không bị chuyển vị, chỉ có biến dạng “dập dềnh” nhưng biến dạng này sẽ được khôi phục trở lại ngay. Từ các kết quả xác định được, Sở GTVT đã ra thông báo khẳng định cầu Bạch Đằng hoàn toàn an toàn cho khai thác.

Ông Hùng thừa nhận mặt cầu Bạch Đằng không bằng phẳng và có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Từ lúc chuẩn bị thảm mặt cầu đã phát hiện ra cần phải bù khoảng 157 m3 nhựa đường, nếu bù thêm có nghĩa phải chất tải thêm 400 tấn nữa lên cầu. Và sau khi họp cân nhắc, các bên đã thống nhất tạm chưa chất tải thêm.

Theo ông Hùng, việc bù mặt cầu cho êm trước chưa làm thì giờ cần phải làm. Tuy nhiên, làm thì phải thẩm tra, thiết kế, nghiệm thu đầy đủ. “Có sai thì phải sửa, sửa cho ngon lành, đàng hoàng” - ông Hùng nói.

Theo đó, ông Diện đề nghị các cơ quan đã kiểm tra xác định các yếu tố kỹ thuật cầu ổn định được theo dõi bằng quan trắc tự động. Để khắc phục mặt cầu gồ ghề, nhà đầu tư và tư vấn giám sát cần đề xuất phương án phù hợp, có ý kiến đóng góp của các chuyên gia để đảm bảo khi gia tải không ảnh hưởng chất lượng cầu. Sau khi phương án được Bộ GTVT chấp thuận lúc đó sẽ triển khai.

Cầu Bạch Đằng bị tài xế phản ánh có dấu hiệu  dập dềnh khi lưu thông qua cầu. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Độ mấp mô vượt quá mức cho phép?

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), cho biết tình trạng bề mặt cầu Bạch Đằng bị mấp mô cũng có nhiều nguyên nhân như thiết kế, thi công và những tác động khác. “Về nguyên tắc, không ai muốn tạo ra sản phẩm lỗi như vậy” - TS Đức nói và khẳng định đây là cầu dây văng nên độ dao động rất lớn, vì vậy càng phải giảm sai số. Để biết được độ sai số tối đa khi thực hiện đòi hỏi các chuyên gia khi thực hiện phải tính toán kỹ lưỡng.

Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB GTVT, cũng cho rằng độ mấp mô xuất hiện trên cầu Bạch Đằng vượt quá mức cho phép. “Quá trình thi công ghép các khối dầm, xác định một số mặt bê tông khi nối nhau có hiện tượng lệch cao độ (vênh) khoảng 2 cm, độ vênh này là cao so với quy định” - TS Thủy phân tích.

Ông Lê Minh Trà, chuyên gia tư vấn công nghệ thuộc Liên danh tư vấn APECO-VEC, cho rằng mặc dù kết quả hệ thống quan trắc sức khỏe cầu Bạch Đằng cho thấy kết cấu không bị ảnh hưởng. Nhưng việc mặt cầu đang bị mấp mô gây khó chịu cho các phương tiện lưu thông, chủ đầu tư phải lên phương án bù vênh và xem xét xem có nên tạm thời giảm tốc độ lưu thông từ 100 km/giờ xuống 80 km/giờ để đảm bảo an toàn cho các phương tiện. 

TS Thủy thông tin thêm đối với cầu dây văng, việc lắp các dầm cầu xuất hiện độ vênh là điều hiếm thấy, vì cầu dây văng đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. “Trong điều kiện một con sông lớn như vậy, đường dẫn kéo dài 5 km, nếu ta tạo ra độ dốc, độ sóng quá lớn đối với mặt đường sẽ dễ gây tai nạn” - TS Thủy nhận định.

Ngoài nguyên nhân ghép khối dầm dẫn đến độ vênh bề mặt, TS Thủy cho rằng: “Còn một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến điều này như vấn đề thiết kế, các quy trình khi thực hiện, quá trình lắp ráp, quá trình thi công các trụ dầm đưa lên cầu. Ngoài ra, quá trình lắp ráp các trụ dầm khi hợp long có đảm bảo theo đúng quy trình không? Tại các mối nối đòi hỏi kỹ thuật rất cao, các giám sát viên, kỹ thuật viên, tư vấn viên có thực hiện đúng quy trình hay không? Quá trình theo dõi, đốc thúc, nhắc nhở công nhân cũng là cả một vấn đề”.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bạch Đằng, thông tin ngày 3-11, đại diện Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư đã kiểm tra hiện trường thực tế. Ngày 4-11, đoàn chuyên gia Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thu thập số liệu quan trắc và chỉ đạo đơn vị tư vấn kiểm định đo đạc thực tế hiện trạng trắc dọc mặt cầu. Ngày 5-11, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã họp với đơn vị liên quan đánh giá tình trạng cầu Bạch Đằng.

Theo đó, các yếu tố ổn định trụ tháp, ứng suất bê tông, ứng suất cáp văng hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thiết kế. Trắc dọc cầu cũng đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, cục bộ tại khu vực trước và sau khối hợp long có hiện tượng không bằng phẳng. Hiện tượng này đã có từ trước khi thảm nhựa mặt đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm