Chuyên gia nói gì về giảm thời hạn bằng lái?

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 10-2 nêu đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội, về việc cấp điểm cho tài xế và rút ngắn thời hạn của giấy phép lái xe (GPLX) ô tô nhằm kéo giảm tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông. Đề xuất của trưởng Phòng CSGT Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, tài xế và cả người dân.

Chưa rõ tác động của đề xuất

Thời hạn GLPX dài hay ngắn không quan trọng, mà quan trọng là nó tác động thế nào đến mục tiêu giảm được ùn tắc hay TNGT. Tôi chưa thấy rõ được điều này trong đề xuất trên nên thấy chưa có tính thuyết phục. Bên cạnh đó, người dân sẽ rất lo ngại đề xuất giảm thời hạn GPLX sẽ làm nảy sinh thêm các thủ tục hành chính.

Về lo ngại khó kiểm soát được sức khỏe của tài xế khi thời hạn GPLX là 10 năm, theo tôi việc quản lý sức khỏe là rất cần thiết nhưng không nhất thiết phải làm theo cách này. Mà mỗi đơn vị có lái xe phải quản lý sức khỏe của tài xế thực chất hơn, chặt chẽ hơn.

Đối với việc cấp điểm cho tài xế, đây không phải đề xuất mới. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định này, tuy vậy để có thể triển khai ở Việt Nam thì còn rất nhiều vấn đề. Nếu làm không tốt thì có thể phát sinh tiêu cực theo kiểu xin-cho. Chưa kể nếu áp dụng còn phải thay đổi cả hệ thống máy móc, hệ thống pháp luật và cả đội ngũ nhân lực để thực hiện. Tóm lại, tôi cho rằng đề xuất của trưởng PC67 cần phải có sự thuyết minh cũng như đánh giá kỹ hơn về tác động của đề xuất tới các mặt của đời sống.

Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an)

Lo ngại tình trạng “cưa đôi”

Việc đề nghị giảm thời hạn bằng lái là chưa phù hợp. Ở các nước có luật ổn định họ không tổ chức rút ngắn hay gia hạn mà chỉ nâng cấp. Có nghĩa là một người nào đó được cấp bằng lái và liên tục lái xe an toàn đạt số km nhất định nào đó thì được nâng hạng, được phép điều khiển các phương tiện khó hơn. Ở đó, họ cũng không quan trọng về sức khỏe của tài xế vì chính bản thân tài xế tự lo sức khỏe của họ. Điều họ quan tâm chính là hành vi, là ý thức tuân thủ pháp luật giao thông và nhân thân của người lái xe. Lý do kiểm tra sức khỏe tưởng là hợp lý, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp vận tải nhìn vào hiệu quả hoạt động và yêu cầu thường xuyên kiểm tra sức khỏe của tài xế.

Về biện pháp cho điểm bằng lái để trừ điểm khi người điều khiển có hành vi vi phạm thì tôi đồng tình. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc này thì nó phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh để tránh tình trạng CSGT “chia đôi” với người vi phạm rồi bỏ qua sai phạm.

TS PHẠM SANH, chuyên gia ngành GTVT tại TP.HCM

Người dân đang làm thủ tục cấp giấy phép lái xe. Ảnh: TUYẾN PHAN

Nên có hiệp hội những người lái xe

Đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX ô tô của tài xế vì lý do sức khỏe là chưa hợp lý. Bởi lẽ hiện tại đã có Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT của Bộ GTVT và Bộ Y tế về quy định giấy khám sức khỏe của người lái xe. Vì vậy chỉ cần thực hiện tốt quy định của thông tư này là ổn. Hơn nữa, việc cho rằng sau năm năm sức khỏe tài xế có thể thay đổi thì hơi chủ quan vì hiện nay chưa có thống kê cụ thể so sánh số lượng tai nạn do tài xế có GPLX thời hạn trên năm năm gây ra sẽ nhiều hơn tài xế có GPLX dưới năm năm.

Việc chấm điểm cho tài xế khi cấp GPLX theo tôi cũng không cần thiết. Thay vào đó, chúng ta có thể lập ra hiệp hội những người lái xe như nhiều hiệp hội của các ban ngành khác trong xã hội. Nhiệm vụ của hiệp hội này là hỗ trợ doanh nghiệp, tài xế về mặt pháp lý và việc thực thi pháp luật. Từ đây bản thân mỗi tài xế sẽ được hiệp hội quản lý để đánh giá đạo đức và tư cách hành nghề. Những ai làm tốt sẽ được vinh danh và ngược lại.

Ông LƯƠNG HOÀNG TRUNG, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội
Vận tải hàng hóa TP.HCM

“Vẽ” thêm chấm điểm, tăng thêm áp lực cho tài xế

Theo tôi, việc rút ngắn thời hạn của GPLX ô tô từ 10 năm xuống năm năm vì lý do sức khỏe tài xế là không khách quan. Cụ thể, mỗi năm chúng tôi đều phải khám sức khỏe định kỳ theo yêu cầu của doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, bản thân chúng tôi cầm vô-lăng mỗi ngày. Nếu sức khỏe không đảm bảo, chúng tôi tự ắt biết hạn chế điều khiển phương tiện ra đường chứ không chờ đến khi cơ quan chức năng ra quy định.

Việc rút ngắn thời hạn của GPLX ô tô từ 10 năm xuống năm năm sẽ gây cho chúng tôi rất nhiều phiền phức. Chúng tôi là người lao động, chỉ mong có được GPLX rồi an tâm hành nghề mưu sinh. Việc rút ngắn thời hạn của GPLX ô tô sẽ gây áp lực lớn cho chúng tôi. Việc chấm điểm cho tài xế khi cấp GPLX tôi nghĩ là không cần thiết. Nếu chúng tôi phạm lỗi khi điều khiển phương tiện giao thông đã có quy định của pháp luật xử lý. Bây giờ “vẽ” thêm đề xuất chấm điểm chỉ tăng thêm áp lực cho tài xế khi ra đường.

Anh VÕ TẤN TÀI, tài xế lái xe khách đường dài gần 20 năm

Tài xế khi làm GPLX sẽ được cơ quan chức năng cấp kèm theo 10 điểm. Số điểm này mỗi lần vi phạm sẽ bị trừ. Bên cạnh đó, rút ngắn thời hạn của GPLX ô tô từ 10 năm xuống còn năm năm, đồng thời mỗi năm phải kiểm tra sức khỏe của tài xế định kỳ một lần.

(Đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm