Có cầu vượt, đường vào sân bay vẫn… kẹt

Sau một tuần đưa vào khai thác cầu vượt Trường Sơn và nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn của cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường ngay cửa sân bay Tân Sơn Nhất giảm nhưng đường vào sân bay từ hướng Gò Vấp vẫn chưa thông thoáng do kẹt xe được đẩy ra xa hơn.

Trường Sơn giảm, Lăng Cha Cả tăng kẹt

Ngày 3-7, cùng lúc TP đưa vào khai thác cầu vượt Trường Sơn và nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn của cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn.

Sau một tuần, theo ghi nhận thì trên mặt cầu vượt Trường Sơn lượng xe chạy vào ga quốc tế và ga trong nước của sân bay Tân Sơn Nhất luôn đông và thoát đi rất nhanh. Cùng lúc các dòng xe đi bên hông cầu (gồm xe tải, xe máy…) để đi vào sân bay hoặc rẽ sang đường Hồng Hà cũng lưu thoát nhanh. Chỉ có dòng xe từ hướng đường Bạch Đằng đổ vào nút dưới dạ cầu vượt Trường Sơn để đi vào sân bay hoặc đi ra đường Trường Sơn để về hướng Lăng Cha Cả là khá đông, thỉnh thoảng bị dồn ứ trước các pha đèn.

Anh Nguyễn Hoàng Minh, nhà ở Gò Vấp đi làm về hướng ngã tư Bảy Hiền, lý giải sau khi cầu vượt Trường Sơn thông, anh và nhiều người khác chọn đi-về theo đường Bạch Đằng - Trường Sơn thay vì đi theo ngã đường Phổ Quang. Do nhiều người cũng lựa chọn tương tự nên vào giờ cao điểm lượng xe có phần đông lên trên tuyến Bạch Đằng - Trường Sơn.

Trên đường Trường Sơn, dòng xe từ sân bay đổ ra chạy khá nhanh nhưng khi đến gần Công viên Hoàng Văn Thụ và gần cầu vượt Lăng Cha Cả thì tốc độ bắt đầu giảm. Đến trước cầu vượt Lăng Cha Cả thì rơi vào các dòng kẹt theo ngã đi về đường Cộng Hòa hoặc ngã theo đường Hoàng Văn Thụ. “Tốc độ lưu thông ở cửa sân bay nhanh nên dòng xe mau dồn ứ và kéo dài dưới và bên hông cầu vượt Lăng Cha Cả là tất yếu phải xảy ra” - ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1), nhìn nhận.

Trên mặt nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn luôn vắng xe trong khi dưới vòng xoay Phạm Văn Đồng thường đông nghẹt. Ảnh: LĐ

Theo ông Ninh, để sớm giải quyết tình hình này thì tới đây Sở GTVT sẽ mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn ở nút giao - cầu vượt Lăng Cha Cả). “Còn giải pháp trước mắt là các lực lượng điều tiết giao thông sẽ tăng quân số, tăng thời gian điều hòa giao thông ở khu vực Lăng Cha Cả” - ông Ninh cho biết.

Có cầu vượt: Trên vắng, dưới kẹt

Theo ghi nhận, trên nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn buổi sáng rất vắng xe trong khi vòng xoay bên dưới luôn nghẹt cứng các dòng xe từ mọi hướng đổ vào. Ông Trịnh Linh Phương, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Khu 3), lý giải tình trạng trên vắng, dưới đông xe là do buổi sáng dòng người từ các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức… đổ về trung tâm TP đi làm nên mật độ xe lưu thông trên đường Nguyễn Kiệm và Phạm Văn Đồng hướng về Công viên Gia Định rất đông, trong khi chiều ngược lại thì ít.

Anh Nguyễn Đình Quân, nhà ở số 5 Hồng Hà, quận Tân Bình, lý giải thêm nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn ít xe lưu thông là do có bảng cấm ô tô lưu thông từ ngã ba Phổ Quang - Đào Duy Anh. Bảng này cấm xe từ 6 giờ đến 22 giờ, do đó ô tô đi từ Phổ Quang về Gò Vấp buộc phải rẽ phải vào đường Đào Duy Anh rồi ra Nguyễn Kiệm đến vòng xoay Công viên Gia Định làm mật độ xe lưu thông trên đoạn đường này và tại vòng xoay thêm kẹt cứng.

“Từ Hồng Hà muốn đi về Gò Vấp tôi cũng như nhiều người vẫn phải đi xuyên qua vòng xoay Phạm Văn Đồng nên tình trạng xe dưới cầu vượt càng thêm đông” - anh Quân cho biết. Ông Trịnh Linh Phương cho biết để giảm dòng xe từ Hồng Hà đổ vào vòng xoay Phạm Văn Đồng, những ngày tới Khu 3 sẽ cùng Khu 1 lắp biển chỉ dẫn ở giữa đường Hồng Hà, gần ngã ba Đặng Văn Sâm để hướng dẫn các xe từ sân bay ra lối đi phù hợp, tránh phải chui dưới vòng xoay.

“Hiện vẫn còn nhiều người có thói quen đi từ nội đô ra theo đường Nguyễn Kiệm để đến vòng xoay rẽ về Nguyễn Thái Sơn. Do đó Khu 3 sẽ cho lắp ngay biển báo chỉ dẫn từ đường Nguyễn Kiệm rẽ trái vào đường Đặng Văn Sâm, ra đường Hoàng Minh Giám, lên cầu vượt nhằm giảm kẹt xe ở vòng xoay” - ông Phương nói.

Phải rút tiến độ cầu vượt ngã sáu Gò Vấp

Những ngày qua, kẹt xe dưới cầu vượt ngã sáu Gò Vấp tăng lên khi đơn vị thi công nhánh cầu thứ hai từ đường Phạm Ngũ Lão qua Nguyễn Oanh dựng rào chắn ở gần tâm vòng xoay dưới chân cầu vượt. Vì thế dòng xe trên đường Phạm Ngũ Lão đi vào vòng xoay kẹt nối dài vài trăm mét. Còn ở hướng đường Nguyễn Văn Nghi đổ vào nút, xe cũng phải nhích từng chút một. Vào các giờ cao điểm, rất đông xe từ đường Quang Trung, Nguyễn Oanh đổ về khiến giao thông tại ngã sáu Gò Vấp kẹt cứng, xe buýt đứng yên tại chỗ.

Theo   ông  Trịnh  Linh  Phương,  Phó  Giám  đốc  Khu  Quản l ý giao thông đô thị số 3, kẹt xe tại ngã sáu Gò Vấp tăng lên là do phải sử dụng xe máy thiết bị thi công khoan cọc trụ cầu chiếm dụng lớn diện tích mặt đường. Do đó dự kiến sau ngày 20-7, khi thi công xong cọc trụ cầu sẽ dọn thiết bị xe máy và thu hẹp ngay hàng rào công trình, trả lại một phần mặt đường thì hy vọng xe sẽ thoát đi nhanh hơn. “Theo kế hoạch, nhánh cầu này sẽ thi công trong 175 ngày (tức đến tháng 1-2018 thì xong) nhưng Khu 3 và đơn vị thi công sẽ cố gắng rút ngắn thời gian thi công, làm xong công trình trong tháng 10 tới” - ông Phương cho biết.

Cầu vượt giúp giảm kẹt xe trong 5-7 năm

Theo Sở GTVT  TP.HCM, các cầu vượt được xây dựng thời gian qua đã giúp giảm được 60%-70% tình trạng kẹt xe ở các giao lộ, khu vực. Tình hình này có thể kéo dài 5-7 năm nhưng sau đó, do lượng xe tăng lên nên các cầu vượt sẽ bão hòa rồi quá tải.

_________________________________

Khu 3 đã họp bàn với BV 175 về việc giải tỏa tường rào bệnh viện để có mặt bằng. Ngay trong tháng 7 sẽ thi công nhánh cầu từ Nguyễn Kiệm qua Hoàng Minh Giám (Gò Vấp đi vào nội đô) và dự kiến đến tháng 10-2017 sẽ làm xong nhánh này. Riêng nhánh cầu từ đường Nguyễn Kiệm qua đường Nguyễn Thái Sơn, Khu 3 vừa họp bàn với quận Gò Vấp giải tỏa nhà 30 hộ dân ở đường Nguyễn Kiệm để trong tháng 10 tới thi công và hoàn thành vào cuối năm nay.

Ông TRỊNH LINH PHƯƠNG, Phó Giám đốc Khu Quản lý
giao thông đô thị số 3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm