Có nên cấp bằng lái tạm cho tài xế mới?

Tại cuộc họp rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) vừa diễn ra tại Bộ GTVT, một số đại biểu cho rằng cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của nước ngoài, đó là cấp bằng tạm thời cho các tài xế mới. Sau một thời gian lái xe nhất định hoặc thời gian bổ túc tay lái không có tai nạn hay vi phạm pháp luật về giao thông mới xem xét cấp bằng chính thức. Đề xuất này lập tức thu hút sự quan tâm, tranh luận của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) và người dân.

Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Chỉ cần ngăn “bao đậu”

Tôi không tán thành với đề xuất này và nên giữ nguyên như hiện hành. Bởi việc giám sát thời gian lái xe của học viên rất khó, thậm chí nhiều tài xế sau khi có bằng lái 2-3 năm vẫn chưa lái xe. Tôi cho rằng vấn đề cốt lõi là công tác đào tạo, thực hành của mỗi học viên phải được giám sát chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng “bao đậu” ở các trung tâm. Nếu làm tốt công tác này thì sau quá trình đào tạo, sát hạch, học viên đã đủ các điều kiện để được cấp bằng.

Còn đề xuất bổ túc tay lái là quyền của DN. Trước đây, khi tôi còn làm quản lý DN, lái xe có bằng cũng phải kiểm tra lại. Theo đó, các lái mới của DN được bố trí làm phụ cho lái chính một thời gian nhất định. Sau đó họ phải trải qua cuộc sát hạch của DN mới được lái chính. Tóm lại, đề xuất trên chỉ tăng thủ tục hành chính không cần thiết.

Ông NGÔ ĐÌNH QUANG, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM:

Không khả thi

Theo số liệu thống kê của CSGT TP.HCM thì nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là do tài xế không chấp hành luật hoặc lái xe sau khi uống rượu bia. Hiện nay vẫn chưa có số liệu cụ thể nào nói về việc tai nạn giao thông gây ra chủ yếu là do mới cấp bằng cho học viên. Vì thế, thay vì mất thời gian cấp bằng hai lần thì các trung tâm sát hạch cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cho các học viên trước khi cấp bằng lái. Nên theo tôi, việc không cấp bằng lái chính thức cho các học viên vừa đậu là không khả thi.

Người dân đang làm thủ tục cấp giấy phép lái xe tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề giao thông Tiến Bộ:

Cần lấy thêm ý kiến người dân

Việc không cấp bằng lái ô tô cho các học viên vừa thi đậu là không hợp lý. Việc đi học và thi bằng lái xe cũng như thi tốt nghiệp THPT, khi người ta thi đậu thì phải cấp bằng cho học viên đó. Trường hợp phát hiện gian lận thì phải hủy kết quả thi và cấm thi. Tuy nhiên, nếu học viên đã thi đậu thì đơn vị quản lý phải công nhận kết quả thi đó và bằng lái tạm thời hay chính thức thì bằng lái đó vẫn có hiệu lực, còn người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Chứ như việc tài xế có bằng tạm mà lái xe gây tai nạn thì tài xế đó không phải chịu trách nhiệm à?

Bên cạnh đó, Nhà nước đang từng bước thực hiện cải cách hành chính, nếu triển khai việc cấp bằng hai lần như đề xuất thì bộ máy hành chính sẽ rất nặng nề. Trong khi đó, học viên sẽ là người chịu phiền hà trong vấn đề cấp bằng này. Vì thế, đề xuất này cần được lấy ý kiến của một số địa phương, người dân, chuyên gia… để mỗi đề án đưa ra phải khả thi.

Anh HOÀNG THỊNH, ngụ chung cư Đại Thanh, Hà Đông, Hà Nội:

Cần siết chặt công tác đào tạo

Tôi cho rằng học viên đã trải qua nhiều tháng học tập, thực hành, nay chỉ được cấp bằng lái tạm thời là không hợp lý. Trường hợp nếu tài xế được cấp bằng mà thiếu kỹ năng thì phải xem lại cách đào tạo của các trung tâm. Nên thay vì tăng thủ tục và gây phiền hà cho người dân thì cơ quan chức năng cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái ô tô… theo hướng giám sát các trung tâm để ngăn chặn tình trạng gian dối, thiếu nghiêm túc.

Anh PHẠM VĂN HÙNG, quận 9, TP.HCM:

Gây phiền hà cho học viên

Hiện nay các trung tâm sát hạch, đào tạo, cấp bằng lái cần phải nâng cao chất lượng đào tạo cho các học viên. Trên thực tế, tôi đi học lý thuyết chỉ thấy khoảng 50% có mặt trong lớp học, vậy số học viên còn lại được học và đánh giá như thế nào? Vì thế, dù cấp bằng tạm thời hay chính thức thì bằng lái khi được cấp đều có thể sử dụng và người lái có thể điều khiển phương tiện của mình. Thiết nghĩ các trung tâm sát hạch có thể đưa ra nhiều hình thức điểm danh học viên, nếu học viên không tham gia các buổi học thì cấm thi. Từ đó chất lượng đào tạo, cấp bằng cho các học viên sẽ có chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, việc cấp bằng hai lần (bằng tạm và bằng chính) thực sự gây phiền hà cho các học viên và đơn vị cấp bằng lái. Việc cấp bằng thực sự quan trọng, song chỉ nên cấp bằng khi học viên đó đủ điều kiện, tránh tình trạng cấp bừa, chưa thực sự nghiêm túc.

Tránh đưa ra chính sách… “trên trời”!

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết để đảm bảo công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX được tốt hơn, thời gian qua đơn vị đã tiếp nhận nhiều đề xuất, trong đó có đề xuất trên. “Với các đề xuất này, chúng tôi cho nghiên cứu, xem xét, cân nhắc để bổ sung vào sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sắp tới. Với mục tiêu không gây phiền hà, tốn kém chi phí lớn cho xã hội nhưng có tác dụng mạnh mẽ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cấp GPLX….” - bà Hiền nhấn mạnh.

Về đề xuất trên, bà Hiền khẳng định hiện nay một số nước như Úc, Mỹ đã áp dụng. Tuy nhiên, để áp dụng vào Việt Nam cần phải xem xét cụ thể, đồng thời lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia… Mục đích để mỗi chính sách đưa ra không phải là chính sách “trên trời”.

Lấy bằng lái xe ở nước ngoài

Singapore: Học viên phải trải qua hai vòng thi lý thuyết, sau đó có thể xin cấp giấy chứng nhận tạm để cho phép đăng ký học thực hành để thi lấy bằng.

Mỹ: Học viên phải trải qua kỳ thi lý thuyết và thực hành. Tại một số bang như Virginia sẽ cấp bằng lái ngay nếu thi đậu. Tuy nhiên, một số bang khác như Texas sẽ nhận bằng lái tạm có giá trị trong 60 ngày trước khi có bằng chính thức.

Úc: Trung bình một học viên phải mất khoảng năm năm mới có được bằng lái gồm: bằng L cơ bản, tối thiểu 12 tháng sau được chuyển qua bằng P1, một năm chuyển tiếp P2, hai năm sau mới thi lấy được bằng chính thức.

TÚ QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm