Đê bao bờ hữu sông Sài Gòn sẽ thành đường

Trung tâm chống ngập TP.HCM vừa cho biết nơi này đang đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập hồ sơ thiết kế công trình nâng cấp tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn để trình các cơ quan liên quan của TP thẩm định, phê duyệt.

Nâng đê thành đường ven sông

Theo Trung tâm chống ngập TP, công trình nâng cấp hệ thống thủy lợi chống ngập kết hợp giao thông khu vực bờ hữu ven sông Sài Gòn bắt đầu từ rạch Tra đến sông Vàm Thuật dài hơn 15 km, đi qua địa bàn huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Gò Vấp. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 790 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.

“Nếu TP bố trí ngân sách thì dự án này chỉ cần làm trong năm 2019 đến 2020 là xong vì tuyến đê đã hình thành, nền đã ổn và hiện chỉ cho xe dưới năm tấn lưu thông nên việc nâng cấp, sửa chữa thành tuyến đường xe đi là rất khả thi” - một lãnh đạo Trung tâm chống ngập cho hay.

Được biết để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng (theo kịch bản của Bộ TN&MT, đến năm 2050 nước biển dâng cao 30 cm) nên cao trình của đoạn đê trên sẽ được nâng cao từ 2,8 m trở lên. Sau đó sẽ xử lý nền và làm đường giao thông bê tông nhựa nóng với lòng đường 7 m, lề đường mỗi bên khoảng 2 m.

Tuyến đê dọc bờ hữu sông Sài Gòn thuộc quận 12, huyện Hóc Môn sắp tới được nâng cấp thành đường. Ảnh: LƯU ĐỨC

Một tuyến đường xương cá trong các khu dân cư của quận 12 hướng ra phía bờ hữu sông Sài Gòn. Ảnh: LƯU ĐỨC

Thêm nhiều cầu, đường nối ba quận

Cũng nằm trong khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, ngày 22-9, ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở GTVT TP), cho biết tới đây khu 3 sẽ khởi công cầu sắt tạm tại ngay vị trí bến phà An Phú Đông, vượt sông Vàm Thuật, nối quận 12 với quận Gò Vấp. Cầu sắt này dài 500 m (gồm cả đường dẫn hai đầu cầu), rộng 7 m cho hai chiều ô tô dưới năm tấn và xe máy đi qua. “Việc gấp rút xây dựng cầu này nhằm nối thông đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp với đường Vườn Lài, quận 12” - ông Dũng nói.

Hiện có nhiều dự án đường xương cá thuộc các phường An Phú Đông, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc đã, đang và sẽ làm hướng về phía bờ hữu sông Sài Gòn. Nên dự án đại lộ ven sông Sài Gòn dù có hay không, sớm hay muộn thì quận 12 vẫn làm các con đường thuộc các phường trên theo như định hướng và quy hoạch phát triển của quận.

Ông ĐẬU AN PHÚC, Phó Chủ tịch UBND quận 12 

Riêng cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu vượt sông Vàm Thuật nối khu dân cư Bình Lợi, quận Bình Thạnh sang các khu dân cư dọc sông Sài Gòn phía quận 12 hiện đang kêu gọi nhà đầu tư. “Khi các cầu tạm, cầu vĩnh cửu này xong, giao thông qua lại liên quận Bình Thạnh, Gò Vấp và quận 12 sẽ thông suốt và cũng giảm tải cho các tuyến đường như Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, nút giao-cầu vượt ngã bảy Phạm Văn Đồng” - ông Dũng nói.

Về dự án cầu vượt ngã bảy Phạm Văn Đồng, ông Dũng cho biết sau hơn 10 tháng phải ngừng thi công vì chưa bồi thường, giải tỏa xong 50 hộ dân và cơ sở bị ảnh hưởng (ở đầu đường Nguyễn Kiệm, giáp Công viên Gia Định), đến nay đã có 23 hộ nhận bồi thường, giao mặt bằng. Do đó nhánh cầu vượt từ hướng đường Nguyễn Kiệm, quận Bình Thạnh sang đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp sẽ được thi công trở lại trong những ngày tới.

“Khu 3 và các đơn vị thi công sẽ hoàn thành xây dựng nhánh còn lại này trước năm 2019 và hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống nút giao, cầu vượt tại đây trước Tết Kỷ Hợi 2019” - ông Dũng nhấn mạnh.

Thu hút dân cư về Tây Bắc TP

Tại bản đề xuất ý tưởng làm đường ven sông Sài Gòn phía bờ hữu, từ quận 1 đến huyện Củ Chi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng: Nếu phân kỳ đầu tư thì chỉ cần đầu tư trước khoảng 20 km đầu tiên của đại lộ này từ quận Bình Thạnh đến huyện Hóc Môn. Đoạn đầu của tuyến đại lộ dài 64 km này sẽ kích thích phát triển các khu đô thị ở huyện Hóc Môn, Củ Chi và nối kết các khu dân cư đang xây dựng manh mún, rải rác dọc sông Sài Gòn thuộc các quận 12, Gò Vấp và Bình Thạnh. “Đoạn đầu 20 km của tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ tạo điều kiện phát triển các khu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ nhằm tái phân bổ dân cư, kéo giãn lượng dân cư đang tập trung quá nhiều ở khu vực các quận nội thành ra và hướng dần về khu vực Tây Bắc TP trong tương lai” - ông Châu nhận định.

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở GTVT TP), ý kiến trên là rất đáng quan tâm. Vì lẽ dọc theo bờ sông, từ cách mép bờ sông 50 m trở vào trong quỹ đất còn khá nhiều. Lại nữa hiện đã có nhiều dự án (thuộc cấp quận hoặc cấp TP) làm các tuyến đường xương cá từ bên trong các khu dân cư lao ra, kết nối với tuyến ven sông Sài Gòn. Cho nên đoạn đường ven sông này trở thành đường trục nối các quận, huyện trên thì quá tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm