Điểm đen tai nạn ‘bao vây’ các cảng

Theo Sở GTVT TP.HCM, năm 2017 TP có 17 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT). Trong số đó có gần 10 điểm đen nằm kề bên, trên đường vào các cảng biển, cảng cạn (ICD). Điều này không chỉ làm nguy cơ ùn tắc, TNGT tăng cao mà còn cản trở tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của TP. PV Pháp Luật TP.HCMđã đi thực tế và ghi nhận về một số điểm đen đó…

Điểm đen ngay trước “mũi” cảng Sài Gòn

Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 chỉ rộng 7 m cho mỗi chiều đường, trong khi đây lại là tuyến huyết mạch nối thông quận 1, 4 và 7 và cho các dòng xe ra vào cảng Sài Gòn, vận chuyển xăng dầu từ Nhà Bè vào nội đô. Đường nhỏ, xe đông nên ngày nào tuyến này cũng xảy ra tình trạng ùn tắc.

Theo Sở GTVT TP, trên “tuyến đường đen” này có ba điểm đen được xác định là trước nhà số 155, 428 và 404. Các vụ tai nạn xảy ra là do va chạm giữa mô tô với xe tải, xe container mà lỗi chủ quan chính là chạy ngược chiều, chạy vào đường cấm, không chú ý quan sát… Theo Ban An toàn giao thông TP, do mặt đường Nguyễn Tất Thành không thể mở rộng được nữa, trong khi mật độ giao thông trong năm 2016 và bốn tháng đầu năm 2017 trên tuyến tăng nhanh nên tuyến này vẫn được coi là tuyến có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.

Theo ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP), hàng loạt giải pháp đã được đơn vị đưa ra tại các điểm đen cũng như trên cả tuyến như lắp đèn chớp vàng liên tục, lắp biển báo đi chậm, đóng các điểm mở dải phân cách... “Chúng tôi phải theo sát tuyến đường đen này để có các giải pháp kịp thời, phù hợp. Như mới đây đã thay dải phân cách thép bằng dải phân cách bê tông xi măng để ngăn ô tô đâm dải phân cách, gây tai nạn cho cả chiều ngược lại” - ông Ninh nói.

Đồ họa: THÙY TRANG

Người đi xe máy liều lĩnh  cúp đầu, cắt đuôi các dòng xe container trên đường Võ Chí Công xuống cảng Cát Lái, quận 2 khiến TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ảnh: L.ĐỨC - H.TUYÊN

Hỗn loạn đường vào cảng Cát Lái

Đường Vành đai 2 (nay có tên mới là đường Võ Chí Công), đoạn từ chân cầu Phú Mỹ phía quận 2 đến vòng xoay Mỹ Thủy (cắt với đường Nguyễn Thị Định) để lên xuống cảng Cát Lái dài chưa tới 3 km mà có đến hàng chục điểm lồi lõm, hư hỏng và năm điểm có nguy cơ cao về TNGT. Đi dọc cả hai chiều của đoạn đường này cho thấy mặt đường nhầy nhụa, giao thông nhiều lúc rơi vào hỗn loạn. Ở một số đoạn, dải phân cách được mở để cho xe tải, xe container rẽ phải, mặt đường dành cho xe máy bị băm nát nên nhiều người đi xe máy phải lấn sang làn đường dành cho ô tô rất nguy hiểm.

Đến gần ngã ba rẽ vào khu kho bãi Tân Cảng - Mỹ Thủy thì tình hình giao thông bắt đầu hỗn loạn. Dù đã có bảng cấm vượt nhưng các loại xe container từ trong kho bãi Tân Cảng - Mỹ Thủy ra vẫn cố vượt nhau, giành hết toàn bộ mặt đường còn lành lặn; để lại phần ổ voi, vũng nước cho dòng xe máy, xe tải đi ngược vào.

Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, cho biết tới đây đơn vị sẽ dựng các cổng chặn xe ra vào các bãi tập kết trái phép. Đồng thời, lắp đặt đèn tín hiệu ở các ngã ba ra vào các kho bãi hợp pháp. “Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm áp lực trên đường vành đai 2 là sớm xây dựng hoàn chỉnh nút giao - cầu vượt - hầm chui Mỹ Thủy trong năm 2017 thay vì 2018” - ông Hùng nói. 

Một nút giao, bốn vụ chết người

Đó là nút giao Mỹ Thủy, trong bán kính 30 m, từ năm 2014 đến giữa 2016, trên các nhánh hướng vào và ra khỏi nút là các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, hai nhánh đi-về cao tốc Long Thành - Dầu Giây và đường Đồng Văn Cống đã xảy ra bốn vụ TNGT làm chết bốn người và một người bị thương. Theo điều tra, ngoài nguyên nhân mặt đường hẹp, giao thông qua nút phức tạp thì việc ô tô, xe container và xe máy không giữ khoảng cách, không nhường đường nhau, vượt ẩu… đã dẫn đến các vụ tai nạn trên.

Những ngày gần đây, các hạng mục hầm chui, cầu vượt qua nút giao Mỹ Thủy đang được triển khai mạnh. Hàng rào công trình được mở rộng từ tâm của nút ra xung quanh làm cho mặt đường qua nút thêm hẹp và tầm nhìn bị giới hạn bởi hàng rào chắn. Do đó hệ thống đèn, biển cảnh báo đi chậm được lắp đặt trước đây đã bị hạn chế tác dụng. “Cán bộ, chiến sĩ CSGT đội Cát Lái phải ứng trực, chốt tại nút và các nhánh xung quanh để điều hòa giao thông 24/24 giờ. Xe qua nút phải đi chậm lại, tuân theo sự điều hòa của CSGT. Những điều này bảo đảm giao thông qua nút an toàn, không ách tắc và xảy ra TNGT” - Thiếu tá Lâm Quang Quốc, Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, nói.

Liều lĩnh lách giữa các xe container

Xe container từ trong khu kho bãi Tân Cảng - Mỹ Thủy ra xung đột với dòng xe từ cầu Phú Mỹ đổ về hướng cảng Cát Lái làm cho phần đường dành cho xe máy gần như bị bít lại, dồn ứ. Nhiều người đi xe máy liều mình lách qua giữa đuôi và đầu các xe container trên mặt đường bị băm nát nên rất dễ xảy ra tai nạn chết người. Nhiều người vừa thoát khỏi đầu-đuôi xe container thì gặp ngay mặt đường lồi lõm nên loạng choạng tay lái và phải chống chân mới có thể lấy lại thăng bằng.

Theo Đội CSGT Cát Lái, tại đoạn đường trên, chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra ba vụ TNGT làm một người chết. Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, mặt đường dành cho xe máy và ở các điểm giao cắt trên bị băm nát là do có quá nhiều bãi tập kết xe và thùng container trái phép mọc lên dọc đoạn đường này.

Khẩn trương gỡ ùn tắc nút giao Mỹ Thủy

Tháng 6-2016, Sở GTVT TP.HCM đã khởi công dự án nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 nhằm giảm ùn tắc cho các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái. Với tổng đầu tư gần 840 tỉ đồng từ vốn ngân sách, giai đoạn 1 dự án gồm: Cầu vượt bốn làn xe theo hướng đường Vành đai 2; hầm chui theo hướng rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cát Lái; xây cầu Kỳ Hà 3; các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy. Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, chủ đầu tư dự án, cho biết công trình dự kiến sẽ hoàn thành sau hai năm.

Nút giao thông Mỹ Thủy là điểm giao hai trục giao thông quan trọng của TP ở cửa ngõ phía Đông gồm đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đây cũng là hai tuyến đường ra vào cảng Cát Lái có lượng xe vận chuyển hàng hóa cực lớn với hơn 18.000 lượt xe tải, container. Vì vậy, khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa ra vào cảng.

Kẹt xe, kéo theo nguy cơ TNGT tăng cao trên các tuyến đường trục lên xuống các cụm  cảng Cát Lái, quận 2 và nối thông sang cụm cảng Phú Hữu, Khu công nghệ cao, quận 9 đã trở  thành “đặc sản” của quận 2! Nó không còn chỉ diễn ra vào cao điểm sáng, chiều mà kẹt từ chiều tới sáng, tới tối khuya, kẹt triền miên, dài dài… Do đó TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông HUỲNH THANH KHIẾT, Phó Chủ tịch UBND, Phó ban Thường trực Ban ATGT quận 2

__________________________________

Lượng xe lưu thông trên các tuyến đường lên xuống cảng Cát Lái đã tăng hơn 10%/năm nhưng tốc độ cho xe ra vào bốn cổng ở cụm Cát Lái vẫn giữ y nguyên như nhiều năm qua nên phải mất 10-15 phút một xe mới ra vào khỏi cổng cảng. Tốc độ xe lưu thông chậm hoặc kẹt xe không đồng nghĩa với nguy cơ TNGT giảm. Vì lẽ sau khi ra khỏi cổng cảng hoặc thoát khỏi điểm kẹt trên đường, tài xế thường phóng nhanh để lấy lại “thời gian đã mất” nên nguy cơ TNGT xảy ra cao hơn.

Trung tá PHẠM VĂN TUYẾN,
Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm