Dự án cao tốc Bắc-Nam: Đầu tư hơn 27.500 tỉ bằng BOT

“Ủy ban Kinh tế (UBKT) cơ bản tán thành sự cần thiết đầu tư dự án như lý do mà Chính phủ báo cáo”.

Đây là khẳng định trong báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin ngày 2-11), được Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh trình bày trước QH ngày 3-11.

Đầu tư cao tốc là cần thiết

Cơ quan này cũng tán thành sự cần thiết xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Vì dự án có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 32 tỉnh, TP và các vùng kinh tế-xã hội của cả nước. Đặc biệt, kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng ĐBSCL.

Đối với phạm vi dự án, UBKT cơ bản tán thành vì đây là một số đoạn được Chính phủ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư bởi tính cần thiết, cấp bách.

Với quy mô đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh nêu rằng nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô bốn làn xe. Riêng đoạn Cam Lộ-La Sơn quy mô hai làn xe nhưng phải đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần phê duyệt quy mô bốn làn xe và sáu làn xe theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh, có làn dừng xe khẩn cấp.

Đối với các dự án thành phần giai đoạn 1 (2017-2020), có tám dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, trước bất cập của các dự án BOT, UBKT đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp tổng thể để khắc phục trước khi triển khai dự án này.

Các giai đoạn đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam Chính phủ trình lên Quốc hội. Đồ họa: HỒ TRANG

Đối với hai dự án đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2, UBKT đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của dự án.

Riêng dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến quốc lộ 1 hiện được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, đề nghị cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận.

Giám sát vốn, đưa ra mức thu phí hợp lý

Một vấn đề cũng được báo cáo thẩm tra nhắc đến là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho dự án khoảng 40.845 tỉ đồng, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 27.694 tỉ đồng.

UBKT đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn.

Theo đó, hình thành tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc-Nam từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến TP Cà Mau. Tuy nhiên, đến nay còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội-TP.HCM, 150 km đoạn Cần Thơ-TP Cà Mau, 7 km cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu cần phải đầu tư. 

Đối với nguồn vốn khoảng 63.700 tỉ đồng phải thu hút nhà đầu tư, tờ trình của Chính phủ khẳng định việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài khó khăn nên việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nên cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Vì vậy UBKT đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ nội dung trên, đồng thời nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chia sẻ rủi ro để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm giảm áp lực đầu tư công...

Đối với kiến nghị “chấp thuận khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu”, UBKT cơ bản đồng ý với mục đích của kiến nghị. Đây là cơ sở quan trọng cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho dự án.

Tờ trình Chính phủ xác định ngay mức giá từng thời kỳ trong thời gian 24 năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp và quá dài. Ngoài ra sẽ hạn chế quyền điều tiết về giá của Nhà nước để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt là khi có biến động lớn về chỉ số giá.

Vì vậy, UBKT đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ các ý kiến nêu trên, đồng thời đề xuất hai phương án xin ý kiến đại biểu QH.

Phương án 1: Chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư. Phương án 2: Xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.

Trong hai phương án trên, UBKT đề nghị chọn phương án 1.

Bên cạnh đó, UBKT cũng đề nghị Chính phủ giải trình thêm về nguyên nhân, lý do của việc lo ngại đấu thầu không thành công.

Liên quan đến dự án này, trước đó Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên.

Ngân hàng trong nước đủ đáp ứng vốn giai đoạn 1

Liên quan đến nguồn vốn, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), cho biết hiện Nhà nước hỗ trợ dự án 55.000 tỉ đồng để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ mời thầu... Do đó, trong năm đầu hoàn toàn không phải lo đến tiền.

Như vậy, 63.000 tỉ đồng còn lại huy động nguồn lực của tư nhân. Hiện Chính phủ đã nâng mức vốn chủ sở hữu theo quy định từ 10% lên 15%, do vậy sẽ có khoảng 13.000 tỉ đồng là vốn của nhà đầu tư. Như vậy, còn lại 50.000 tỉ đồng cần huy động từ các tổ chức tín dụng.

“Chúng tôi dự kiến chia ra bốn năm, mỗi năm huy động 12.000 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số này rất nhỏ, chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn…” - ông Huy khẳng định.

Theo kế hoạch, QH sẽ thông qua “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm