‘Dùng quỹ bảo trì đường bộ trợ cấp thôi việc là đúng’

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) tham mưu Bộ GTVT xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chế độ đối với người lao động tại các trạm thu phí và bến phà sau khi dừng hoạt động. Theo đó, TCĐB đề xuất sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ trợ cấp thôi, mất việc cho người lao động, trong đó có đề xuất chi gần 1,5 tỉ đồng từ nguồn quỹ này để trợ cấp cho 64 nhân viên trạm thu phí Sông Phan (tỉnh Bình Thuận). Qua đề xuất này, dư luận đặt vấn đề liệu có phù hợp quy định pháp luật, mặt khác hiện quỹ này thu không đủ để sửa chữa các con đường đang xuống cấp trên cả nước. Bà Nguyễn Hải Vinh (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Hành chính (TCĐB), trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCMđể làm rõ hơn về đề xuất này.

Dùng quỹ bảo trì là đúng quy định

. Phóng viên: Bà có thể cho biết đề xuất này dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Bà Nguyễn Hải Vinh

+ Nguyễn Hải Vinh: Trước đây, hoạt động thu phí tại các trạm là hoạt động công ích, nguồn thu phí nộp ngân sách nhà nước. Sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2012 về việc hình thành quỹ bảo trì đường bộ. Quỹ này thay thế phương pháp thu phí qua trạm.

Tiếp đó, ngày 28-12-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 2250 phê duyệt đề án xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH về phương án sắp xếp, xử lý lao động trên. Cụ thể, thực hiện đề án này có 23 trạm thu phí dừng thu, xóa bỏ với 981 lao động phải sắp xếp. Trong đó, bố trí việc làm cho 144 lao động, còn lại 837 lao động dôi dư. Vì vậy, Bộ GTVT thẩm định tổng kinh phí để giải quyết chế độ cho số lao động trên gần 41 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có ý kiến nêu rõ số tiền chi trả cho người lao động do các công ty quản lý sửa chữa đường bộ (đơn vị thu phí) chi trả. Trường hợp có khó khăn, không có nguồn theo quy định để chi trợ cấp mất việc thì đề nghị Bộ GTVT rà soát báo cáo của TCĐB để xác định kinh phí trợ cấp, bố trí từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ trung ương năm 2013 để chi trả.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, báo cáo Bộ GTVT về khó khăn và lý do không có nguồn theo quy định để chi trợ cấp. Cụ thể, đến thời điểm 31-12-2012, có hai đơn vị/20 đơn vị có liên quan đến việc dừng thu, xóa bỏ 20 trạm thu phí có Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm, với số tiền trên 109 triệu đồng, số còn lại đề nghị bố trí từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ là gần 41 tỉ đồng. Trong đó, một số trạm thu phí trước đây thuộc quản lý của các Công ty quản lý sửa chữa đường bộ, trực thuộc TCĐB, khi bàn giao nguyên trạng cho dự án chưa chi trả trợ cấp cho người lao động. Vì vậy, nhà nước phải bố trí kinh phí để giải quyết chế độ cho người lao động ở những trạm này.

Theo đó, chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi dừng thu, xóa bỏ các trạm thu phí nêu trên phải sử dụng kinh phí từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương. Theo Nghị định 18/2012 của Chính phủ, Thông tư 230/2012 và Thông tư 60/2017 của Bộ Tài chính thương, nội dung chi Quỹ bảo trì đường bộ bao gồm chi khác liên quan đến công tác quản lý bảo trì công trình đường bộ do Hội đồng quản lý quỹ quyết định. Việc này rất minh bạch và không có gì khuất tất cả.

Đã bàn giao qua ba đơn vị, hiện trạm thu phí Sông Phan hoạt động dưới sự quản lý của Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Danh sách 28 nhân viên trạm thu phí Sông Phan đã nhận trợ cấp thôi việc từ ĐNC. Ảnh: P.NAM

Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ

. Trường hợp cụ thể tại trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) thì sao, thưa bà?

+ Trạm này cũng tương tự. Theo Quyết định số 3872/2009 của Bộ GTVT, trạm thu phí Sông Phan được bàn giao nguyên trạng từ Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 71 (trực thuộc Khu quản lý đường bộ VII, Cục Đường bộ Việt Nam, nay là TCĐB) sang Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (ĐNC). Tuy nhiên, khi dừng thu tại trạm Sông Phan, Nhà nước không tổ chức thu lại nên việc giải quyết chế độ cho người lao động từ ngày 31-12-2008 trở về trước thuộc trách nhiệm của TCĐB và đơn vị trực tiếp bàn giao là Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 71.

Việc trợ cấp thôi việc, mất việc của người lao động được tính từ thời điểm 31-12-2008 trở về trước. Cụ thể, thời gian người lao động làm việc tại trạm thu phí và các đơn vị tiền thân của trạm thu phí trước khi bàn giao cho nhà đầu tư BOT mà chưa được trợ cấp thôi việc thì do TCĐB chi trả. Thời gian người lao động làm việc thuộc nhà đầu tư BOT thì do nhà đầu tư BOT chi trả trợ cấp. Thời gian từ 1-1-2009 trở về sau, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì do bảo hiểm thất nghiệp chi trả. 

Do đó, ngày 22-11 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến giải quyết chế độ đối với người lao động tại trạm thu phí Sông Phan nói riêng và các trạm thu phí và bến phà khi dừng hoạt động nói chung để trình Thủ tướng quyết định.

. Nhưng mục đích của quỹ bảo trì đường bộ là cải tạo, sửa chữa các tuyến đường và theo TCĐB hiện số tiền thu được vẫn không đủ để thực hiện sửa chữa…

+ Mức thu phí sử dụng đường bộ từ khi hình thành đến nay không thay đổi. Trong khi đó hệ thống đường bộ ngày càng mở rộng, nhu cầu vốn cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ ngày càng tăng cao. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn thu quỹ không đủ cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ trong cả nước chứ không phải lý do trên.

Còn việc dùng quỹ bảo trì chi trả trợ cấp cho người lao động của các trạm thu phí như tôi đã nói là phù hợp và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trên cơ sở ý kiến của các Bộ Tài chính, Bộ Lao động TB&XH và Bộ kế hoạch đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, số kinh phí chi trả trợ cấp cho người lao động từ quỹ bảo trì đường bộ khoảng 50 tỉ đồng.

. Xin cám ơn bà.

64 lao động trạm Sông Phan giờ ra sao?

Cuối tháng 11-2018, PV đã tiếp cận với các ông B., H., T. trước đây làm nhiệm vụ thu phí cho Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 71 tại trạm thu phí Sông Phan. Các ông cho biết đến ngày 1-1-2009, trạm thu phí này được chuyển cho ĐNC (chủ đầu tư cầu Đồng Nai mới) để tiếp tục làm nhiệm vụ thu phí. Toàn bộ 64 người đều được chuyển sang làm việc cho ĐNC. Đến cuối năm 2009, 33 người (trong đó có các ông B., H., T.) được cho thôi việc và ĐNC chỉ giữ lại 31 người. Các ông B., H., T. đều khẳng định ngay sau khi nhận quyết định cho thôi việc, họ đều đã được nhận được tiền trợ cấp thôi việc và ký nhận đầy đủ. Qua tìm hiểu, từ ngày 1-1-2009 đến 31-12-2010, ĐNC đã chi trợ cấp thôi việc cho 28 NLĐ/33 NLĐ với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong Văn bản số 11017/BGTVT-TC gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 1-10, Bộ GTVT báo cáo 33 lao động chuyển về ĐNC đã được ĐNC tạm ứng chi trả tổng số tiền hơn 730 triệu đồng (làm tròn). Sau đó, ĐNC có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị thanh toán khoản tạm ứng này vào phương án tài chính của hợp đồng BOT cầu Đồng Nai mới nhưng không được Bộ Tài chính đồng ý. Đến nay số tiền trên vẫn chưa được bố trí trả lại cho ĐNC. Còn lại 31 lao động, với thời gian làm việc trước thời điểm 1-1-2009 Bộ GTVT thẩm định tổng số tiền trợ cấp là hơn 750 triệu đồng. Bộ GTVT đề xuất dùng quỹ bảo trì đường bộ để chi trả trợ cấp cho hai khoản trên.

Được biết hiện 31 lao động này vẫn đang làm việc tại trạm thu phí Sông Phan sau khi Tổng Công ty 319 (thuộc Bộ Quốc phòng) nhận bàn giao từ ĐNC. Trong văn bản gửi ĐNC do Đại tá Trần Trung Luyến, Phó Tổng Giám đốc TCT 319, ký khẳng định trách nhiệm thanh toán chế độ trợ cấp cho người lao động trước thời điểm 1-12-2014 (thời điểm bàn giao trạm từ ĐNC về TCT 319) thuộc về ĐNC. TCT 319 chỉ chịu trách nhiệm đảm bảo các chế độ cho người lao động kể từ ngày 1-12-2014 trở về sau.

P.NAM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm