Đường bộ kết nối các tỉnh: TP.HCM thua Hà Nội

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM ngày 23-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định hạ tầng giao thông đường bộ của TP.HCM (với tư cách đầu mối, trung tâm của khu vực) kết nối với các tỉnh xung quanh hiện kém hơn Hà Nội.

Tắc mọi cửa ngõ

Trước đó, tại TP.HCM, lãnh đạo tám tỉnh, thành gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An và TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Ý kiến chung của các tỉnh là đi-về giữa TP.HCM với các tỉnh hiện rất khó khăn, chậm chạp.

Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, nêu điển hình là quốc lộ 22 đoạn qua địa phận TP.HCM hiện rất quá tải. Trong khi dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 22 đã có, quy hoạch cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng đã lập từ lâu nhưng vẫn chưa được triển khai. “Tôi đi từ Tây Ninh về TP.HCM theo quốc lộ 22 với khoảng cách hơn 60 km nhưng phải mất hơn ba giờ. Giao thông thế này thì khó mà phát triển kinh tế!” - ông Quang nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cảnh cho biết quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Long An giáp ranh với TP.HCM hiện đã quá tải. Cùng với đó tuyến quốc lộ 50 cũng đang quá tải, nhiều năm chưa được mở rộng nên tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM thường xuyên diễn ra vào các dịp lễ, Tết.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho rằng giao thông kết nối giữa Bình Dương với TP.HCM cũng như các tỉnh trong vùng chưa được thuận lợi. Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương đã được đầu tư mở rộng nhưng đoạn qua TP.HCM vẫn rất hẹp, thường xuyên ùn tắc.

Đường Vành đai 2 và 3 chưa hoàn thành nên các phương tiện đi miền Đông, miền Tây phải đi xuyên tâm TP.HCM làm cho giao thông thêm phức tạp. Đồ họa: K.DUNG

Cầu Phú Mỹ nằm trên đường Vành đai 2 luôn rơi vào tình trạng kẹt xe kéo dài. Ảnh: L.ĐỨC

Đường vành đai còn cắt khúc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đến nay TP.HCM vẫn chưa hoàn thành các đường Vành đai 2, Vành đai 3 nên xe cộ muốn đi-về giữa miền Tây và miền Đông vẫn phải đi xuyên tâm TP. Điều này làm cho giao thông trong nội đô TP phức tạp thêm và xe cộ đi chậm hơn. “Hà Nội đã hoàn thành khép kín đường Vành đai 3, kết nối với các cửa ngõ đều có đường bộ cao tốc để tỏa đi các nơi theo hình nan quạt. Do đó, Hà Nội thuận lợi trong việc kết nối giao thông ngoại vi. Xe cộ đi các nơi khác, không có nhu cầu vào Hà Nội sẽ không phải đi vào trung tâm TP và sẽ đi theo đường Vành đai 3 ở ngoại vi để tỏa về các hướng” - Thứ trưởng Đông nói.

Theo Sở GTVT TP.HCM, vì tiền đầu tư có hạn nên nhiều năm qua TP chưa thể hoàn chỉnh khép kín Vành đai 2, Vành đai 3 và mở rộng các tuyến cửa ngõ để “mở cửa” kết nối với các tỉnh miền Đông, miền Tây và xóa bỏ dần cảnh xe không có nhu cầu vẫn phải đi vào trung tâm, nội ô TP.

Theo ông Đông, hiện từ TP.HCM đi, nối với các tỉnh trong vùng chỉ có 90 km đường cao tốc trong khi tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước là 740 km. “Số kilomet đường cao tốc thấp như vậy nên khả năng lưu thoát, vào-ra TP hiện rất chậm. Cộng với đó, các đoạn Vành đai 2 như Nguyễn Văn Linh, An Sương - An Lạc, quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội (từ trạm 2 đến cầu Đồng Nai) hiện đã quá hẹp, luôn kẹt nên tốc độ lưu thông trên các tuyến và cả khu vực chỉ đạt trung bình 30-40 km/giờ” - Thứ trưởng Đông cho biết.

Tắc vì bồi thường giải tỏa

TP.HCM cũng đã đưa ra các giải pháp tương tự Hà Nội là khai thác quỹ đất, đồng thời bán đấu giá tài sản cũ, bán cổ phần của một số doanh nghiệp nhà nước, kêu gọi xã hội hóa để đầu tư cho giao thông... Nhưng ở nhiều dự án vẫn không thể triển khai làm cầu, đường được vì… tắc ở khâu bồi thường giải tỏa. Dẫn chứng, tháng 10-2015 TP.HCM động thổ đoạn đường có chiều dài 2,7 km nối đại lộ Võ Văn Kiệt với đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nhà đầu tư đoạn đường này đã có sẵn 1.557 tỉ đồng để làm công trình nhưng đến nay, sau gần hai năm dự án vẫn bất động vì chưa bồi thường, giải tỏa xong.

Sáng 3-7, TP.HCM thông xe nhánh Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn của cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Riêng hai nhánh còn lại là Nguyễn Kiệm qua Nguyễn Thái Sơn (nối quận Phú Nhuận với quận Gò Vấp) và nhánh Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám (nối quận Gò Vấp với quận Phú Nhuận) phải vài ba tháng nữa hoặc sang năm sau mới thi công được vì còn vướng nhiều hộ dân, đơn vị chưa bàn giao mặt bằng. “Nếu có mặt bằng thì cả ba nhánh của cầu vượt chữ N Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn đã được làm xong cùng lúc, cùng thông xe ngày hôm nay, không phải mất thêm một thời gian nữa!” - ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, nói.

Cần hơn 13.110 tỉ đồng xây ba đoạn Vành đai 2

Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 có tổng chiều dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Việc chưa xây dựng khép kín đường Vành đai 2 khiến áp lực giao thông trong nội thành TP.HCM rất căng thẳng. Hiện TP.HCM cần 13.115 tỉ đồng để xây dựng ba đoạn đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 13 km mới khép kín được tuyến này . Đó là đoạn 1 từ cầu Phú Hữu (quận 9) nối dài đến xa lộ Hà Nội (gồm xây nút giao thông Bình Thái) dài 3,8 km, rộng 67 m, có vốn đầu tư 5.732 tỉ đồng; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) dài 2 km, rộng 67 m, có vốn đầu tư 1.324 tỉ đồng; đoạn 3 từ nút giao thông An Lạc - quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài 5,3 km, rộng 60 m, trong giai đoạn 1 xây sáu làn xe với tổng mức đầu tư 6.059 tỉ đồng.

Còn đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 89 km, đi qua Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

________________________

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Nhưng sự phát triển này chỉ thực sự hiệu quả khi có sự kết nối tốt về giao thông.

Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm