Giá cước không biến động ngày đầu Uber nhập về Grab

Sáng 9-4, tại trụ sở Uber, đường Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội đã dán thông báo chính thức ngừng hoạt động. Bên trong văn phòng không còn nhân viên Uber, chỉ có vài bảo vệ đứng trước lối ra vào. Còn tại các bến xe, ga tàu ở Hà Nội, TP.HCM, màu áo đồng phục Grab phủ kín…

Áp đặt luật chơi

Theo một nhân viên bảo vệ tại đây, thường ngày tại trụ sở Uber có 15-20 nhân viên Uber làm việc, tuy nhiên hai tuần nay không có người lui tới. Được biết trụ sở Uber sẽ do Grab tiếp quản, trong đó một số nhân viên Uber dự kiến chuyển sang làm việc cho Grab.

Trụ sở Uber tại Hà Nội ngừng hoạt động sáng 9-4. Ảnh: VIẾT LONG

Trong khi đó, tại các bến xe, ga tàu, hầu hết các tài xế xe ôm đã đổi đồng phục sang Grab. Tài xế Nguyễn Văn Hùng cho biết việc chuyển đổi sang chạy cho Grab không gặp khó khăn vì tất cả thông tin đăng ký từ Uber được chuyển sang Grab. Tuy nhiên, điều anh Hùng lo lắng là Grab sẽ độc quyền. “Trước đây nhiều tài xế, doanh nghiệp bất mãn với các chính sách chia hoa hồng của Grab thì chạy sang Uber và ngược lại, nhưng nay chỉ còn Grab nên việc áp đặt luật chơi có thể xảy ra. Điều tôi lo đầu tiên là họ sẽ tăng chiết khấu đối với tài xế…”, anh Hùng nhận định.

Dù vậy, ngày đầu tiên sang chạy cho Grab, anh Hùng cho biết hiện mọi việc đang suôn sẻ và Grab chưa điều chỉnh chiết khấu cũng như giá cước đối với hành khách. Trái ngược với anh Hùng, anh Vũ Hoàng Hà, tài xế xe con từng chạy cho Uber, khẳng định không lo sợ trước việc Uber, Grab sáp nhập. Thậm chí nếu Grab chiếm lĩnh thị trường, họ có khả năng sẽ tăng giá và tài xế được hưởng lợi.

Tại các bến xe, ga tàu, hầu hết các tài xế xe ôm đã đổi đồng phục sang Grab. Ảnh: N.THẮNG

Trong khi đó, tài xế Nguyễn Văn Vũ cho biết sự ra đi của Uber khiến anh phải bán xe. Nguyên nhân, trước đây anh chạy cho Grab, nhưng sau đó bị khóa ứng dụng do vi phạm bộ nguyên tắc ứng xử của Grab. Vì vậy, anh không thể đăng ký hoạt động lại với Grab, nên buộc bán xe và chuyển nghề. “Chiếc xe mới mua 700 triệu nay bán được 600, dù lỗ nhưng đành chấp nhận” - anh Vũ nói.

Về phía hành khách, chị Hoàng Thị Tâm cho biết những ngày qua ứng dụng Grab chập chờn, có nhiều lúc không gọi xe được. Về giá cước chị Tâm cho rằng giá cước của Grab thường biến động theo giờ, nhưng nhìn chung giá không thay đổi so với những ngày trước.

Không bao giờ là dễ dàng

Ngay chiều 9-4, tại trụ sở Grab ở TP.HCM, đường Tô Hiến Thành, quận 10, khá nhiều tài xế Uber tới đây để chuyển sang Grab. Một số tài xế cho biết việc chuyển từ UberBike sang GrabBike khá đơn giản, chỉ cần mang đồng phục Uber qua đây, sau đó nhân viên hướng dẫn. Chỉ cần trải qua sáu bước như kiểm tra kỹ năng, chụp ảnh đại diện, viết hồ sơ, phỏng vấn, tham gia khóa đào tạo, nhận đồng phục và kích hoạt tài khoản.

Tuy nhiên, việc đăng ký tài khoản GrabCar nhiều tài xế cho biết khá khó khăn. Muốn được hoạt động, tài xế phải có giấy phép chứng minh là thành viên doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải ô tô, du lịch... Ngoài ra, phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe, logo và còn phải đóng phí 3-5 triệu đồng chi phí quản lý.

Nói về việc chuyển giao Uber về Grab, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết: “Chuyển giao và thay đổi không bao giờ là dễ dàng và Grab Việt Nam đang nỗ lực hết mình để đảm bảo quá trình này diễn ra liền mạch và thuận tiện nhất có thể cho tất cả đối tác tài xế và khách hàng…”.

Sau khi sáp nhập, ông Jerry Lim nhận định số lượng đặt xe thông qua nền tảng Grab sẽ tăng lên. Thêm nhiều tài xế tham gia vào nền tảng Grab không đồng nghĩa với ít cuốc xe hơn, vì sẽ có thêm nhiều khách hàng mới chuyển sang từ Uber. “Các tài xế có thể có thu nhập cao hơn vì có nhiều cuốc xe hơn và việc phân bổ cuốc xe cũng sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn, giúp kết nối đối tác tài xế với khách hàng ở gần nhất trên một nền tảng ứng dụng”, ông Jerry Lim chia sẻ.

Grab tuyển dụng đối tác GrabBike ở TP.HCM. Ảnh: N.THẮNG

Đối với khách hàng Grab, ông Jerry Lim mong muốn nhận được sự thông cảm nếu gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong giai đoạn chuyển tiếp này. Việc sáp nhập này Grab khẳng định đáp ứng khách hàng nhanh hơn, thời gian chờ xe ngắn hơn, các chuyến xe cũng thuận tiện hơn và tiết kiệm hơn thông qua một nền tảng.

Grab từ chối cung cấp hồ sơ mua Uber

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã gửi công văn đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi) cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber. Ngày 5-4, trong văn bản trả lời Cục CT&BVNTD, GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam. Trước việc này, ngày 6-4, Cục CT&BVNTD đã có buổi làm việc với đại diện của GrabTaxi. Tại buổi làm việc, GrabTaxi chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi. Do vậy, Cục CT&BVNTD đã khuyến nghị GrabTaxi cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.

Uber vẫn phải trả nợ thuế hơn 53 tỉ đồng?

Trước khi bán mình cho Grab, Uber nợ Cục Thuế TP.HCM một khoản giá trị hơn 53,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ này đang gặp khó khăn bởi Grab khẳng định không liên quan đến nghĩa vụ thuế, còn Uber vẫn chây ì nhiều tháng nay.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết khoản nợ thuế 53,3 tỉ đồng Uber vẫn chưa trả. Trên nguyên tắc khi nhận chuyển nhượng thì toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ được kế thừa, kể cả các nghĩa vụ với chủ nợ, trong đó có cả nợ ngân sách Nhà nước. Với thương vụ của Grab và Uber, cơ quan thuế sẽ xem lại hợp đồng của họ có những điều khoản ràng buộc nào đối với các bên liên quan. Bên nào trả sẽ tùy thuộc vào hợp đồng chuyển nhượng quy định ai sẽ là người trả khoản thuế này. Cơ quan thuế đang chờ báo cáo chính thức từ Grab nên vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể.

Hiện tại, Uber đã thông báo đến đối tác, khách hàng việc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam từ ngày 8-4, song vẫn đang nợ khoản thuế 53,3 tỉ đồng tại Cục Thuế TP.HCM. Cơ quan thuế đã nhiều lần có văn bản đòi nợ, thậm chí có biện pháp mạnh nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Thông tin với báo chí, đại diện Grab khẳng định việc nợ thuế là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, hoàn toàn không liên quan đến Grab. Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế. Q.HUY

              

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm