Lập 7 đoàn kiểm tra giám sát đặc biệt an toàn bay

Theo đó, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra máy bay tại sân, kiểm tra trên chuyến bay; kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch bay, công tác phục vụ mặt đất, công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay; kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài; việc tổ chức và thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; kiểm tra công tác huấn luyện người lái máy bay và kiểm tra an toàn khai thác trên chuyến bay. Việc kiểm tra được thực hiện từ 28-12 đến ngày 15-1-2019. 

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết sau ngày 15-1, nếu hãng hàng không VietJet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã giao Phòng Vận tải hàng không nghiên cứu phương án vận chuyển hành khách dự phòng trong trường hợp VietJet không  được tăng chuyến trong dịp Tết nguyên đán.

“Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam sau khi tạm đình chỉ vị trí phụ trách khai thác của VietJet đã tạm thời chấp thuận ông Mark Phillips thực hiện công tác phụ trách khai thác cho tới khi có kết luận chính thức của Cục Hàng không Việt Nam đối với sự cố ngày 25-12…” - lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định.

Theo Bộ GTVT, trong thời gian ngắn (quý IV-2018), Công ty Cổ phần Hàng không VietJet có bảy sự cố khai thác máy bay. Trong đó có năm sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay và hai sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.

 

Giám sát đặc biệt là giám sát như thế nào?

Theo quy định của ngành hàng không, các hãng đều phải có hệ thống giám sát nội bộ như về khai thác, bảo dưỡng máy bay, phi công... Tuy nhiên, khi giám sát đặc biệt Cục Hàng không Việt Nam sẽ trực tiếp giám sát thực hiện về mặt khai thác của hãng theo từng công đoạn trước khi máy bay cất cánh… như công tác bảo dưỡng, tổ chức chuyến bay, phi công, tiếp viên... Việc giám sát ít nhất một tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm