Máy bay gặp sự cố rớt bánh, 207 khách thoát nạn

“Theo nguyên lý thì hai bánh của máy bay phải được gia cố bằng ốc vít. Và để đảm bảo cho con ốc giữ bánh máy bay không bung ra, các nhà sản xuất máy bay đã gia cố thêm chốt để ốc vít bám chặt vào bánh máy bay. Như vậy, rất có khả năng nhà sản xuất đã quên lắp chốt để giữ ốc vít lại trước khi bàn giao máy bay A356 cho Vietjet Air nên mới xảy ra sự cố”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, cựu chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích như trên.

207 khách thoát nạn sau sự cố

Cụ thể, lúc 23 giờ 3 phút ngày 29-11, chuyến bay VJ356 của hãng hàng không bay từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng. Theo đó, trong quá trình đáp xuống sân bay, hai bánh trước của máy bay đã không thể hạ cánh bình thường nên buộc phải tiếp đất bằng càng. Tuy nhiên, máy bay vẫn được phi công điều khiển để dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh tại sân bay. Đồng thời tổ bay đã triển khai cho 207 hành khách trên máy bay thoát hiểm ra ngoài bằng phao.

Theo đánh giá ban đầu, đường băng sân bay Buôn Ma Thuột hư hỏng không nặng. Tuy nhiên, để sửa chữa, khắc phục hậu quả, nhà chức trách cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã thông báo tạm thời ngừng tiếp nhận các chuyến bay đi/đến sân bay ít nhất là 8 tiếng.

Nhà chức trách hàng không cũng lập tức vào cuộc điều tra và ổn định tình hình khai thác tại sân bay Buôn Ma Thuột. Sáng 30-11, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đã từ sân bay Quy Nhơn (Bình Định) lên sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để điều tra vụ việc và chỉ đạo di dời máy bay ra khỏi đường băng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc máy bay của hãng Vietjet gặp sự cố tại sân bay Buôn Ma Thuột như trên.

Nhà chức trách hàng không điều xe kích từ sân bay Cam Ranh kéo máy bay Vietjet Air về sân đỗ. Ảnh: HTN

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm theo báo cáo sơ bộ, sự cố này là do trục trặc về kỹ thuật. Cục Hàng không Việt Nam sẽ có trách nhiệm xác định nguyên nhân. “Chúng ta cũng chưa thể khẳng định nguyên nhân cụ thể của sự cố này vì cần có hội đồng họp đánh giá một cách toàn diện” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Về vấn đề trên, đại diện Vietjet Air thông tin chuyến bay được khai thác bằng máy bay VN-A356 của Airbus mới tiếp nhận khoảng hai tuần trước và đây là máy bay hoàn toàn mới, hiện đại. Do vậy, hãng đã phối hợp cùng nhà chức trách và các đơn vị trong ngành thực hiện việc đánh giá sự cố, đồng thời khẩn trương triển khai các công tác hỗ trợ khách hàng.

Nhiều trường hợp phi công tiếp đất bằng càng an toàn

Nói tiếp về sự cố trên, GS Tống phân tích cụ thể hơn: Hãng Vietjet Air thông tin họ nhận máy bay còn mới, hiện đại và cũng chỉ mới khai thác hai tuần nay, không có lý do gì họ lại tháo bánh ra rồi quên lắp chốt để chặn con ốc. “Dĩ nhiên thời điểm cất cánh hai bánh trước không bị văng ra vì như thế chiếc máy bay này sẽ không thể chạy đà hàng km để cất cánh rời khỏi mặt đất (từ TP.HCM). Quan sát diễn biến sự cố cho thấy hai bánh máy bay này có thể rơi khi cất cánh hoặc rơi khi tiếp đất” - GS Tống nói.

Chuyên gia này bình luận thêm, trong quá trình hạ cánh, lực ma sát tỉ lệ thuận với càng trước lên hai bánh máy bay theo vòng lăn. Tuy nhiên, máy bay vẫn có thể tiếp đất được bằng càng dù lực ma sát lớn và vì mặt đường băng khá phẳng nên khả năng sụp càng cũng không xảy ra. Về vấn đề kỹ thuật này cũng được các nhà sản xuất máy bay tiên liệu.

“Như vậy, trong trường hợp này máy bay vẫn có thể tiếp đất mà không xảy ra cháy nổ, toàn bộ khách có thể trong quá trình thoát qua cửa thoát hiểm có va chạm, chứ chưa thể đánh giá do có va chạm với các vật cứng trong máy bay. Ngoài ra, nếu phi hành đoàn bình tĩnh thì tổ chức đưa hành khách ra bên ngoài một cách an toàn, trật tự nhất. Vì hàng không thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp phi công tiếp đất bằng càng khá an toàn” - ông Tống thông tin.

Khắc phục nhanh hậu quả tại hiện trường

Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố này, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, hãng hàng không Vietjet và các đơn vị có liên quan triển khai quy trình khẩn nguy cứu nạn và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách. Đồng thời nhanh chóng thu thập thông tin, khắc phục hậu quả tại hiện trường và giải phóng máy bay khỏi đường cất/hạ cánh nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của sân bay Buôn Ma Thuột.

Đến trưa 30-11, máy bay VN-A653 đã được kéo vào bãi số 5 và tìm được bánh của máy bay tại khu vực bên trái đường cất hạ cánh số 9. Hiện Bộ đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, cảng hàng không Buôn Ma Thuột khẩn trương khắc phục sự cố đường cất hạ cánh.

VIẾT LONG

Airbus đến Buôn Ma Thuột điều tra sự cố máy bay Vietjet Air rơi lốp

trong chiều qua (30-11), nhà sản xuất máy bay Airbus đã cử người đến sân bay Buôn Ma Thuột để phối hợp với nhà chức trách hàng không Việt Nam và Vietjet Air làm rõ nguyên nhân dẫn đến máy bay hạ cánh bị bật lốp khỏi càng trước.

Chiếc máy bay gặp sự cố A321 mới được Vietjet Air tiếp nhận từ Airbus hôm 15-11-2018. Trong sự cố xảy ra tối qua, khi hạ cánh máy bay đã bị bật lốp, càng trước ở tư thế tiếp đất cào tróc đường băng. (Theo Vietnamnet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm