Metro Cát Linh-Hà Đông vẫn bộn bề trước giờ chạy thử

Theo kế hoạch, dự kiến ngày 20-9 toàn hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ vận hành chạy thử. Tuy nhiên, với những công việc bề bộn còn lại tại hiện trường công trình, để dự án chính thức đi vào khai thác thương mại đúng tiến độ cần một nỗ lực rất cao.

Ngổn ngang công trình

Tại ga Cát Linh ngày cuối tháng 8, bên ngoài và trong nhà ga, những công nhân người Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) đang hối hả làm việc. Người thì trang trí đài phun nước, người thì cân chỉnh thang cuốn dành cho người khuyết tật, người thì đấu nối mạng lưới điện...

Một công nhân cho biết với số lượng người như hiện nay, nếu việc lắp đặt được tiến hành liên tục cũng phải đến cuối năm nay mới hoàn thành toàn bộ hệ thống đường sắt Cát Linh-Hà Đông. “Vì việc lắp đặt những thiết bị còn lại đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao, mất nhiều thời gian, không nhanh như quá trình xây dựng” - công nhân này nói.

Tương tự, tại các nhà ga La Thành, Thái Hà, Phùng Khoang…, theo quan sát của PV, còn khá nhiều hạng mục chưa hoàn thành như hệ thống thang cuốn từ mặt đường lên nhà ga, lối đi bộ lên xuống chưa được lát gạch, hệ thống lưới điện chưa được đấu nối hoàn chỉnh… Tuy nhiên, tại những nơi này chỉ có vài công nhân, có nhà ga chỉ còn bảo vệ để canh giữ tài sản. Một bảo vệ cho biết bên trong còn ngổn ngang và chưa lắp đặt nhiều nhưng mấy ngày qua vẫn vắng bóng công nhân.

Trong 12 nhà ga PV ghé qua, chỉ có nhà ga Văn Khê tương đối có nhiều công nhân đang làm việc. Nhà ga này đã hoàn thành lắp đặt vị trí bán vé, bảng điện tử hướng dẫn hành khách… Tại đây, các công nhân đang đấu nối điện, cân chỉnh và cho chạy thử cầu thang cuốn. Một số khác đang lắp đặt mạng lưới điện trên trần nhà ga, hệ thống tín hiệu ở đường ray tàu…

Tại khu depot, con đường chính dẫn vào khu vực này dài khoảng 700 m chưa được xây dựng, vẫn lầy lội bùn đất. Bên trong, các tòa nhà điều hành, sửa chữa, bảo dưỡng tàu điện đang được các công nhân TQ lắp đặt. Một số đoàn tàu đưa về kho chưa vận hành bị bụi công trường bám đầy.

Tòa nhà điều hành, bảo dưỡng, sửa chữa tàu tại khu vực depot đang được lắp đặt dang dở. Ảnh: VIẾT LONG

Nhân sự: Đã sẵn sàng

Nói về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành dự án, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội, đơn vị tiếp quản và vận hành tuyến metro), thông tin: “Hiện nay công tác nhân sự đã được cơ bản đào tạo xong và sẵn sàng tiếp nhận dự án”.

Theo ông Trường, để vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cần 681 nhân sự. Trong đó có 651 người được đào tạo tại TQ (201 người) và VN (450 người).

Theo kế hoạch, quá trình chạy thử dự kiến diễn ra trong vòng 3-6 tháng. Ban quản lý dự án đường sắt cho biết trong giai đoạn chạy thử thì lực lượng chính vẫn là của tổng thầu TQ. Cán bộ VN cũng được tham gia quá trình này để dần tiếp quản dự án nhằm chuẩn bị cho quá trình vận hành khai thác thương mại.

Cũng theo ông Trường, khi đưa dự án vào vận hành khai thác, công ty cần phải tuyển dụng thêm các nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh… để hoàn chỉnh chu trình vận hành khai thác, bảo vệ, đảm bảo vệ sinh các hạng mục công trình của dự án.

Ban quản lý dự án khẳng định tiến độ đúng yêu cầu

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đơn vị quản lý dự án), cho biết dự án cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 95%. Đối với thiết bị, hiện nay đã đưa về công trường dự án trên 95% và đã lắp đặt được 80%. Về công tác chuẩn bị vận hành chạy thử, ông Phương cho biết vào cuối tháng 7 đã đóng điện toàn hệ thống dự án và tiến hành cân chỉnh năm hệ thống chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu cũng đã vận hành thử đoàn tàu vào ngày 20-8, đồng thời tiếp tục tiến hành cân chỉnh sáu hệ thống chuyên ngành thiết bị còn lại. Dự kiến từ ngày 20-9 sẽ chạy thử toàn hệ thống của dự án. “Như vậy, dự án đang triển khai theo đúng yêu cầu của bộ trưởng Bộ GTVT” - ông Phương khẳng định.

Tại cuộc họp với Ban quản lý dự án đường sắt mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng dự án vẫn có nguy cơ chậm tiến độ. Vì vậy, bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phối hợp với lãnh đạo UBND TP Hà Nội làm việc với nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan để giải quyết toàn bộ vấn đề đang vướng mắc hiện nay, trong đó có việc công bố quy trình vận hành để nghiên cứu, kiểm tra, giám sát. “Đây là tài sản lớn, dự án lớn không chỉ của ngành giao thông. Không vận hành sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là rất lãng phí. Tối đa sáu tháng sau khi vận hành thử phải tiến hành vận hành thương mại” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm