Người dân cần BOT nhưng cần hơn cả là sự công bằng!

Nhưng ở thời điểm đó nhiều người chưa hiểu hết được những “rủi ro” BOT mang đến. Năm 2017, các dự án BOT bắt đầu thu phí cũng là lúc tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân, doanh nghiệp và rồi những dự báo cũng đã đến.

Tháng 8-2016, tại trạm BOT Lương Sơn (Hòa Bình), nhiều tài xế tụ tập phản ứng mức thu phí và vị trí đặt trạm. Từ đó lan ra các trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An), Tam Nông (Phú Thọ), Cầu Rác (Hà Tĩnh) và đỉnh điểm là Cai Lậy (Tiền Giang).

Các phản ứng của người dân đã “đánh thức” các cơ quan quản lý nhà nước. Ngay lập tức, nhiều đoàn thanh tra của Chính phủ vào cuộc. Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng nêu lên những thắc mắc của người dân về sự vô lý ở các dự án BOT. Cụ thể, không đi 1 km nào cũng phải đóng phí, nhiều tuyến đường chỉ sửa chữa qua loa rồi thu tiền...

Khẳng định sự phản ứng của người dân là có cơ sở, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhấn mạnh trước tình hình hạ tầng kỹ thuật giao thông xuống cấp trong lúc ngân sách đầu tư vô cùng eo hẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 13, rồi Chính phủ ban hành Nghị định 108/2009 cho phép mở rộng, nâng cấp QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bằng hình thức kết hợp cả đầu tư bằng ngân sách và BOT. Đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai các dự án BOT trên đường độc đạo.

Có nghĩa cơ sở pháp lý đều có cả, tuy nhiên Bộ GTVT không thể xem thường dư luận nên cuối năm 2016, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết 437 và tiếp đến là Nghị quyết 83 của Chính phủ, Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án nâng cấp đầu tư tuyến đường hiện hữu.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã ba lần gửi lời xin lỗi về bất cập của ngành giao thông. Tất cả điều đó cho thấy sự cầu thị của Bộ GTVT trước những tình hình căng thẳng trên.

Tuy nhiên, người dân luôn muốn công bằng, họ không chấp nhận trả phí cho một dịch vụ mà không sử dụng. Để giải quyết bất cập, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận vấn đề BOT chỉ có cách dùng ngân sách mua lại dự án nhưng điều này hiện bất khả thi do ngân sách đang khó khăn.

Như vậy, chỉ còn cách rà soát và đẩy nhanh quyết toán các dự án, công khai mức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí, đẩy nhanh thu phí tự động, giảm phí, phối hợp với các cơ quan đơn vị, tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận. Đặc biệt các bộ và Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, đấu tranh với các sai phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đó cũng là mong muốn của các đại biểu tại buổi hội thảo nhằm tạo được sự ủng hộ của người dân đối với các dự án BOT giao thông khi ngân sách đang eo hẹp. Đồng thời thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm