Nhọc nhằn triển khai thu phí BOT không dừng

UBND TP.HCM vừa duyệt ba dự án đầu tư hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng (thu giá không dừng) tại ba trạm BOT là cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc. Mục tiêu của ba dự án nói trên là hạn chế ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực đặt trạm. Cạnh đó tiến tới thống nhất quản lý việc thu giá ở các trạm không dùng tiền mặt, phù hợp với định hướng phát triển giao thông thông minh.

Không độc quyền

Tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 07/2017/QĐ-TTg về thu giá không dừng. Theo đó, nhà đầu tư BOT có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá (gồm thiết bị đầu đọc, thẻ đọc E-Tag, đường truyền…) để trang bị cho trạm thu giá của mình.

Ngay thời điểm này, người ta thấy xuất hiện Công ty Dịch vụ thu phí tự động VECT (VECT) luôn “đi cùng” cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị thẩm định, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu giá không dừng). Theo các nhà đầu tư BOT, việc nhà thầu và Tổng cục Đường bộ luôn “đi cùng” như thế đã tạo ra sự áp đặt, độc quyền cung cấp thiết bị, đường truyền.

Trước phản ứng gay gắt của các nhà đầu tư BOT, tại nhiều cuộc họp, bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Trương Quang Nghĩa khẳng định không có chuyện độc quyền trong cung cấp dịch vụ thu giá không dừng. Sau đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng nói nếu không thể thỏa thuận được với VECT, chủ đầu tư BOT có quyền lựa chọn nhà thầu khác. Từ đó đã có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác là Vietinbank, Viettel, VNPT và Cadpro.

Trạm thu giá xa lộ Hà Nội hiện đang thí điểm thu giá không dừng. Ảnh: LƯU ĐỨC

Từ 130 tỉ xuống 88 tỉ đồng

Khi chỉ có VECT, công ty này đưa ra tổng mức đầu tư cho hệ thống thu giá không dừng ở trạm An Sương - An Lạc gần 130 tỉ đồng. “Công nghệ, thiết bị đọc thẻ, đường truyền, cơ sở quản lý dữ liệu do VECT đưa ra chào là của Đài Loan và Trung Quốc, có độ bền, dung lượng, tốc độ rất thấp. Vì vậy chúng tôi lựa chọn công nghệ của Mỹ và Đức. Cạnh đó, VECT đòi sẽ đầu tư thay mới toàn bộ nhà làm việc, trung tâm điều khiển, điều hành… nên mức giá họ đưa ra là 130 tỉ đồng. Trong khi đó, với công nghệ của Mỹ, Đức thì chúng tôi sử dụng lại toàn bộ nhà làm việc nên giá chỉ hơn 88,5 tỉ đồng” - một lãnh đạo trạm BOT An Sương - An Lạc (không muốn nêu tên) cho biết.

VECT cũng đưa giá dịch vụ không dừng khá cao ở trạm BOT xa lộ Hà Nội và cầu Phú Mỹ. Cụ thể, Công ty VECT đưa ra 50-55 tỉ đồng. Hai đơn vị trên bèn chọn phương án đầu tư của mình chỉ 35-36 tỉ đồng. “VECT là nhà đầu tư BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thu giá không dừng nên họ là nhà cung cấp dịch vụ chứ không phải công cụ, cánh tay nối dài của Tổng cục Đường bộ để có quyền “đè” lên nhà đầu tư BOT. Theo Luật Đầu tư, VECT và nhà đầu tư BOT là bình đẳng trong mua bán dịch vụ nên phải giá thì chúng tôi mua, không phải thì… xin chào” - một lãnh đạo trạm thu giá xa lộ Hà Nội cho biết.

Hoạt động từ 1-1-2018

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác Sở GTVT TP, sau khi có quyết định duyệt ba dự án của UBND TP, hiện ba nhà đầu tư trên đang xúc tiến các bước tổ chức đấu thầu chọn nhà cung cấp dịch vụ. “Qua đấu thầu mà giá cung cấp thiết bị, kỹ thuật rẻ hơn giá đã được phê duyệt thì TP hoan nghênh” - ông Đường nói và cho biết thêm các trạm sẽ phải đưa một số làn thu phí tự động không dừng vào hoạt động từ ngày 1-1-2018.

158 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư ba dự án dịch vụ thu giá không dừng vừa được UBND TP.HCM duyệt. Ba trạm BOT thực hiện dịch vụ này là trạm cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc. Nguồn vốn của ba dự án trên từ vốn của nhà đầu tư BOT và sẽ thu hồi vốn căn cứ theo hợp đồng BOT của dự án. 

Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty IDICO - IDI, đơn vị thu giá trạm An Sương - An Lạc, cho biết đến đầu năm 2018 sẽ cố gắng đưa bốn làn cho hai chiều ở trạm chính hiện hữu vào thu giá không dừng và ở một số trạm phụ ở đầu đường Bà Hom, hương lộ 2, Tân Kỳ - Tân Quý… Còn ông Hoàng Gia Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII), cho biết đến 1-1-2018, tại trạm xa lộ Hà Nội cũng sẽ có bốn làn thu phí không dừng đọc thẻ E-Tag cho hai chiều, tồn tại song song với hai làn thu giá tự động không dừng theo công nghệ OBU. “Sau khi các làn đọc thẻ E-Tag vận hành trơn tru, CII sẽ dần chuyển các làn thu phí đọc bằng đầu OBU sang công nghệ mới luôn cho đồng bộ với trạm của CII và các trạm khác của TP. Như vậy xe có thẻ E-Tag qua trạm xa lộ Hà Nội cũng qua được các trạm khác của TP” - ông Thắng cho biết.

Cách xe qua trạm không dừng

Khi đăng ký dịch vụ thu phí không dừng, mỗi khách hàng được cấp một thẻ E-Tag và một tài khoản ETC để nạp tiền. Thẻ dán lên kính trước hoặc đèn xe. Mỗi thẻ E-Tag có một mã số thông tin về xe và chủ xe. Khi xe qua trạm thu phí, đầu đọc sẽ đọc mã số thẻ. Nếu thông tin hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì chương trình sẽ tự động trừ tiền. Như vậy, xe qua trạm không phải dừng để mua vé.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm