Sẽ kiểm định khói mô tô, xe máy

Sáng 23-10, tại buổi cung cấp, trao đổi thông tin với báo giới, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện Sở đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy trên địa bàn TP.

Theo thống kê của Công an TP.HCM, đến nay tại TP có gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có gần 7,9 triệu mô tô, xe máy. Mô tô, xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm không khí.

Cụ thể: Mô tô, xe máy thải ra gần 94% HC; 87% CO; 57% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và dầu diesel.

Chỉ số chất lượng không khí AQI của thành phố năm 2017 là 86 (thuộc nhóm chất lượng thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe đối với những người nhạy cảm) và chỉ số PM2.5 là 28,3 mg/m3, vượt quá quy chuẩn (25 mg/m3).

Với số lượng các loại phương tiện giao thông lớn, tốc độ tăng trưởng cao, qua nhiều năm sử dụng có chất lượng khí thải kém đang lưu hành đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Ngoài ra, phương tiện giao thông cũ nát, kém chất lượng cũng là nguyên nhân chính gây tình trạng mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Theo ông Trần Quang Lâm (ảnh), cơ sở pháp lý để tiến hành kiểm soát khói mô tô, xe máy là Luật Giao thông đường bộ năm 2008  có quy định: “Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Luật này cũng quy định: “Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường”... Cạnh đó, Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 “Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải”; tại khoản 2 quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới phải được cơ quan đăng kiểm xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới được đưa vào sử dụng”; Điều 102 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 “Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải”, tại khoản 2 quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường”.

Cạnh đó, nghị quyết của Thành ủy TP.HCM đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải kiểm soát, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường 70% đối với các xe tham gia giao thông.

Gần đây, Bộ GTVT có văn bản nhắc TP.HCM trong khi chờ sửa Luật Giao thông đường bộ 2008 (sẽ bổ sung quy định xe máy, mô tô phải qua kiểm định khói với xe mới xuất xưởng hoặc theo chu kỳ 3, 6, 18 và 24 tháng với xe đang lưu hành...) và bộ tiêu chuẩn về khí thải đối với mô tô, xe máy... thì TP có thể vận dụng cơ chế đặc thù để tiến hành kiểm soát khói đối với loại phương tiện này.

Từ sau năm 2010 tại TP.HCM và Hà Nội đã xây dựng hai cơ sở kiểm định khói mô tô, xe máy nhưng do còn thiếu cơ sở pháp lý nên hai cơ sở này không thể hoạt động.

Theo ông Lâm, lần này Sở GTVT sẽ xây dựng hàng loạt đầu việc, cơ sở pháp lý để tiến hành kiểm soát được khí thải của xe máy, mô tô trên địa bàn. Cụ thể là các đầu việc sau:

- Xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải mô tô, xe máy trên địa bàn TP (theo Điều 27 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).

- Xây dựng cơ chế chính sách và lộ trình thực hiện các giải pháp kiểm soát khí thải do mô tô, xe máy gây ra trên địa bàn TP.HCM (như thu hồi xe cũ gây ô nhiễm; hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy điện; phân vùng hạn chế giao thông…).

- Thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải cho mô tô, xe máy tham gia giao thông tại TP.HCM.

- Hình thành điều kiện, mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải mô tô tại TP.

- Xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải mô tô, xe máy trên địa bàn TP...

Theo đề xuất của Sở GTVT TP, việc kiểm soát, kiểm định khói xe máy, mô tô sẽ thực hiện trong năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm