Sự cố máy bay rớt bánh: Thu bằng phi công có đúng luật?

Liên quan việc máy bay VJ356 gặp sự cố phải tiếp đất bằng càng tại sân bay Buôn Ma Thuột hôm 29-11, Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ tổ bay và thu chứng chỉ bay của phi công để đề phòng sang chấn tâm lý, cho họ thời gian ổn định tinh thần trước khi bay trở lại. Ngày 3-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho biết như trên.

Kiểm tra hộp đen sẽ ra kết quả

Về sự cố máy bay VJ356, một cựu phi công phân tích: Càng trước xảy ra sự cố, bộ càng đáp bánh mũi chỉ còn trục bánh xe, trục bánh xe này thay hai bánh mũi cày một đoạn dài trên mặt phi đạo cho đến khi máy bay dừng hẳn. Nhờ vậy mà mũi máy bay không chạm đất. Điều đó chứng tỏ càng bánh mũi đã khóa an toàn.

Phi công này phân tích thêm, có khi càng bánh mũi hạ và khóa nhưng hai bánh mũi không song song với trục thân máy bay mà hai bánh mũi quay ngang, thẳng góc với trục thân máy bay. Khi bánh mũi chạm đất, bánh không lăn được, vỏ bánh mũi sẽ cà xuống đường băng cháy, hai mâm trong và ngoài của bánh mũi lần lượt bể, gãy.

“Trục của bánh mũi máy bay VJ356 không quay ngang, tại sao mâm trong-ngoài của bánh mũi tuột ra nhẹ nhàng giống như thợ bảo trì không siết bulông vành ngoài. Hình của bánh mũi văng bên trái đường băng số 9, cho thấy vỏ xe tróc khỏi mâm” - vị này nhận định.

Vị này thông tin khi kiểm tra trước khi bay, phi công chỉ đá vào vỏ bánh đáp coi độ cứng đủ không, phi công không có nhiệm vụ kiểm tra lực siết bulông mâm bánh đáp. 

Trong bộ mâm của hai bánh đáp có gắn bộ cảm biến để báo lỗi của bánh đáp khi hạ càng và nâng càng. Nếu có vấn đề bánh mũi, phi công phải bay vòng và xin đáp khẩn cấp, để xe cứu hỏa trải bọt chống cháy, đồng thời xe cứu hỏa chạy đuổi theo máy bay sau khi đáp.

“Trường hợp mũi máy bay đập xuống nghe tiếng nổ chắc chắn lỗi phi công, còn nếu máy bay đáp bánh sau nhẹ nhàng rồi một phút sau nghe càng bánh trước cà trên phi đạo là lỗi kỹ thuật. Chờ giải mã hộp đen nghe phi công nói với đài không lưu, nếu phi công xin đáp bình thường có thể lỗi phi công” - cựu phi công này phân tích.

Cục Hàng không Việt Nam đã thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố máy bay A356.  Ảnh: HOÀNG THIÊN NGA

Điều tra sự cố để kết luận hai việc

Về vấn đề này, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, giảng dạy bộ môn Hàng không dân dụng quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, đánh giá: Cục Hàng không Việt Nam có thẩm quyền điều tra sự cố hàng không, trong đó có việc giữ chứng chỉ bay của phi công là cần thiết để phục vụ điều tra. Bởi theo nguyên tắc, hàng không dân dụng Việt Nam là thành viên của Liên minh Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) là thành viên Công ước Chicago 1944 (công ước về hàng không dân dụng quốc tế). Theo quy định an ninh, an toàn hàng không, khi xảy ra bất cứ một sự cố nào về hàng không đều phải điều tra.

Trước mỗi chuyến bay tổ kỹ thuật sẽ mất khoảng 20 phút để kiểm tra tình trạng bên trong và bên ngoài máy bay. Quá trình kiểm tra này đã được liệt kê rất nhiều danh mục theo quy định bắt buộc. Sau đó phi hành đoàn tiếp tục kiểm tra các công đoạn khác, nếu không có vấn đề gì cả thì phi công và tổ kỹ thuật ký xác nhận vào sổ nhật ký, khi đó máy bay đó mới được phép cất cánh.

Quá trình kiểm tra trên phần lớn là quan sát các vị trí đã được chỉ dẫn trong đó có kiểm tra áp suất lốp, các dị vật,… Còn các hỏng hóc lớn thì phải vào nơi bão dưỡng mới phát hiện chính xác.

Ông AN VĂN VINH, Trưởng khoa Huấn luyện phi công - cơ trưởng giáo viên bay Boeing 787 của Vietnam Airlines 

Theo TS Phước, các nhà chức trách hàng không điều tra sự cố để kết luận hai việc: Thứ nhất, sự cố hàng không đó là lỗi ẩn tì của phương tiện bay, nằm ngoài trù liệu, kiểm soát của nhân viên mặt đất và đội bay; thứ hai, lỗi của con người có thể do tổ bay hoặc êkíp lỗi không lưu.

Như vậy, với sự cố chuyến bay VJ356, tổ điều tra phân tích các dữ liệu để đưa ra kết luận sự cố hàng không khiến hai bánh trước có bị va động làm bánh vỡ ra thì do lỗi kỹ thuật hoặc do đáp máy bay không đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn, tiêu chí do lỗi phi công. Hoặc do êkíp không lưu không tốt khiến máy bay tiếp đất không tốt.

Ngày 3-12, Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết đoàn chuyên gia của Airbus và đại diện nhà chức trách hàng không châu Âu đã có mặt tại sân bay Buôn Ma Thuột để phối hợp điều tra, khắc phục hư hỏng máy bay VJ356.

Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thu thập thông tin, dữ liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố hàng không.

Bộ GTVT chỉ đạo an toàn bay trong dịp Tết 2019

Bộ GTVT vừa chỉ thị các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân Kỷ Hợi năm 2019.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố máy bay,…

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện rà soát, trên cơ sở số liệu thống kê thời gian chiếm giữ đường cất hạ cánh nhằm điều hành máy bay với thời gian chiếm giữ đường cất hạ cánh tối thiểu.

Duy trì liên lạc, trao đổi thông tin, phối hợp với ban chỉ huy khẩn nguy hàng không sân bay cùng các đơn vị liên quan để ứng phó khi có tình hình phức tạp về an ninh hàng không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm