Tài xế lại trả tiền lẻ qua trạm BOT quốc lộ 5

Chiều 11-12, nhiều tài xế tiếp tục sử dụng tiền lẻ mệnh giá từ 200-500 đồng để trả phí qua trạm thu phí BOT số 1, quốc lộ 5, huyện Văn Lâm, Hưng Yên để phản đối mức phí qua trạm khiến ba làn xe hướng Hải Phòng - Hà Nội bị tắc nghẽn. Lực lượng chức năng đã vất vả tổ chức phân luồng, giải tỏa ùn tắc.

Điều xe cẩu đến hiện trường

Nhận được thông tin tài xế tiếp tục trả tiền lẻ, ngoài lực lượng chức năng được bố trí sẵn từ buổi sáng, hai xe cẩu lớn, trong đó có một xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được điều động đến hiện trường. An ninh được thắt chặt, báo chí cũng không được vào khu vực trạm thu phí.

Việc trả tiền thu phí được thực hiện một cách chậm rãi, tài xế đưa từng tờ tiền cho nhân viên thu phí. Trung bình mỗi xe mất khoảng 5-7 phút để thanh toán. Thậm chí một tài xế xe tải còn nghe điện thoại trong lúc trả tiền thu phí khiến thời gian xe này dừng tại trạm dài hơn 10 phút.

Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, có gần 10 ô tô đồng loạt trả tiền lẻ, kéo dài trong khoảng 20 phút. Giao thông trên quốc lộ 5 nhanh chóng bị ùn ứ. Để giảm ùn tắc, lực lượng chức năng phải mở làn dành cho xe máy cho ô tô chạy qua; thậm chí mở cả cổng của trụ sở quản lý trạm thu phí để người dân đi xe máy vào bên trong, đi tắt qua khu vực trạm. Mặc dù giao thông ùn ứ, tuy nhiên trạm BOT số 1 quốc lộ 5 không phải xả trạm.

Trước đó, sáng cùng ngày cũng xuất hiện một số xe trả tiền lẻ theo hướng Hà Nội - Hải Phòng. Nhân viên trạm thu phí đã bố trí người kiểm đếm và thối tiền lẻ 100 đồng cho tài xế. Sau đó ít phút, lực lượng cảnh sát cơ động, CSGT, thanh tra giao thông đến hiện trường để điều tiết giao thông nên không xảy ra ùn tắc.

Tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5. Ảnh: VIẾT LONG

Lực lượng công an, cảnh sát cơ động được điều động đến hiện trường để phân luồng, giữ trật tự. Ảnh: VIẾT LONG

Bức xúc vì chưa giảm phí

Theo nhiều tài xế, tuyến đường quốc lộ 5 được nâng cấp, cải tạo từ năm 1996 và hoàn thành năm 1998. Trước đây, trạm thu phí chỉ thu 10.000 đồng nhưng từ khi Nhà nước chuyển giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) quản lý, phí qua trạm liên tục tăng và đến nay mức thấp nhất đã lên tới 40.000 đồng/xe/lượt.

Trong khi, hầu như tuyến đường bao năm nay không được đầu tư và sửa chữa khiến mặt đường tuyến quốc lộ 5 quá xấu so với các tuyến quốc lộ khác ở khu vực này nhưng mức phí bằng tuyến đường làm mới. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên người dân không đi trên cao tốc này cũng phải trả tiền là bất hợp lý.

“Việc này chúng tôi đã từng phản ứng nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn không lắng nghe nguyện vọng của người dân. Họ vẫn thu phí với giá cao và không chịu di dời trạm là bất công cho người dân…” - anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế ở huyện Văn Lâm, bức xúc.

Trước đó hai tháng (ngày 11-9, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, khẳng định đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị giảm mức phí và di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 về vị trí mới để hạn chế xe tải né trạm. 

Trong khi đó, nhiều tài xế cho rằng cơ quan chức năng hứa giảm phí từ ngày 1-11 nhưng đến giữa tháng 12 mức phí tại trạm này vẫn không thấy thay đổi.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi có kiến nghị của tỉnh Hưng Yên vào tháng 9, đơn vị đã đàm phán với Vidifi. Qua đó hai bên thống nhất giảm 12%-25% cho tất cả phương tiện lưu thông qua trạm quốc lộ 5. Đồng thời giảm 100% giá vé đối với phương tiện xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới hai tấn của người dân (không kinh doanh) ở khu vực lân cận trạm thu phí trong bán kính 5 km, các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Giảm 50% giá vé đối với cơ quan, tổ chức có trụ sở chính trên địa bàn khu vực lân cận có bán kính cách trạm 5 km.

“Ngoài ra, đối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm cao nhất tới 20% tùy từng phương tiện. Sau đó, Tổng cục Đường bộ đã gửi đề xuất lên Bộ GTVT để xem xét…” - lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Điều, trạm trưởng trạm thu phí BOT số 1 quốc lộ 5, cho biết hiện nay đơn vị chưa nhận được chỉ đạo giảm giá nên vẫn thu giá cũ.

Diễn biến tại trạm BOT quốc lộ 5

Ngày 4 và 5-9, nhiều tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5, huyện Văn Lâm, Hưng Yên nhằm phản đối mức phí và vị trí đặt trạm.

Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng trên quốc lộ 5 để đảm bảo cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có khả năng thu hồi vốn.

Thủ tướng yêu cầu không để ùn tắc tại các trạm BOT

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1882/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở GTVT lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu giá.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương lập và triển khai kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Mậu Tuất; ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật gây mất an ninh, trật tự tại các trạm thu giá…

AT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm