Tháng 8-2019, báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Tổng Thư ký Quốc hội về đề xuất nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp năm 2019.

Theo đó, tháng 8-2019, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Hiện nay, nhiều nước đã đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Internet

Trước đó, trong báo cáo cuối kỳ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, liên danh tư vấn do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đứng đầu, cho biết tuyến đường sắt có chiều dài 1.545 km, tổng mức đầu tư ước khoảng 58,71 tỉ USD. Điểm đầu dự án là ga Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), được kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị thành phố.

Trong tổng số chiều dài toàn tuyến, có 60% tuyến đi trên cao, 10% đi qua hầm, 30% đi trên đường bằng.

Tuyến sử dụng đường đôi, khổ 1,435 m. Toàn tuyến có 24 ga và ba ga quy hoạch tiềm năng, năm depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Tổng diện tích đất cần cho dự án khoảng 7.875 ha.

Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới hoàn toàn để khai thác tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác tốc độ 320 km/giờ (tốc độ thiết kế 350 km/giờ).

Theo đề xuất, giai đoạn đầu sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đưa khai thác vào năm 2032 đối với hai đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65 km, tổng mức đầu tư dự kiến 13,97 tỉ USD) và Nha Trang - TP.HCM (dài 362,15 km, tổng mức đầu tư dự kiến 13,37 tỉ USD).

Đoạn còn lại (Vinh - Nha Trang, dài khoảng 901 km) sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và phấn đấu khai thác toàn tuyến vào năm 2050.

Về hình thức đầu tư, dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Vốn nhà nước khoảng 80% tổng mức đầu tư dùng để đầu tư hạ tầng.

Nhu cầu huy động vốn nhà nước hằng năm chiếm 0,35-0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Vốn tư nhân khoảng 20%, được huy động từ các nhà đầu tư để mua sắm đoàn tàu khai thác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 10-2019.

Trường hợp báo cáo tiền khả thi dự án được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ triển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ năm 2020-2025.

Triển khai xây dựng từ năm 2026, dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên từ năm 2032; tiếp tục triển khai xây dựng các đoạn còn lại từ năm 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm