TP.HCM thúc tiến độ đường Vành đai 3

Theo quy hoạch, toàn tuyến Vành đai 3 có chiều dài 97,7 km kết nối liên vùng TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được chia làm bốn đoạn gồm đoạn từ Bình Chuẩn-Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7 km; đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3 km; đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương)-quốc lộ (QL) 22 (TP.HCM) dài 17,5 km và đoạn QL22 (TP.HCM)-Bến Lức (Long An) dài 29,2 km.

Đoạn 1 từ Bình Chuẩn đến Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đưa vào đầu tư và khai thác.

Đoạn 2 Tân Vạn-Nhơn Trạch qua địa phận tỉnh Đồng Nai 6,3 km, qua TP.HCM 28 km, được chia làm hai dự án thành phần 1A, 1B. “Đoạn 1A đang tiến hành thủ tục lựa chọn tư vấn, còn đoạn 1B đang sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư” - ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), đơn vị thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án đường Vành đai 3, cho biết.

Tới đây, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương này ở gần thị trấn Bến Lức, Long An. Ảnh: L.ĐỨC

Cụ thể, đoạn 1A từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đoạn 1B từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến ngã tư Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội (ngã tư Trạm 2 cũ). “Nếu thuận lợi, cuối năm sau có thể triển khai dự án ở hai đoạn này” - ông Thi khẳng định.

Còn đoạn 3 Bình Chuẩn-QL22 và đoạn 4 QL22-Bến Lức, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch HĐTV CIPM Cửu Long, cho biết hiện việc triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm.

Trong một động thái khác, liên quan đến việc thúc đẩy dự án Vành đai 3 đoạn đi qua TP.HCM triển khai nhanh hơn, UBND TP vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, trong đó đề xuất HĐND TP thông qua việc tạm ứng ngân sách của TP để tiến hành công tác giải phóng mặt bằng trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục và phương thức đầu tư dự án.

Theo đó, TP.HCM sẽ ứng trước gần 3.000 tỉ đồng từ ngân sách để giải phóng mặt bằng khu vực dự án đi qua, sau đó Nhà nước sẽ hoàn trả lại bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Được biết lý do TP.HCM thúc dự án đường Vành đai 3 vì tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp phân luồng lưu thông từ xa, góp phần giảm ùn tắc cho các tuyến nội đô. Việc triển khai tuyến này sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến TP Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Bình Dương.

Đặc biệt, đoạn kết nối TP.HCM-Nhơn Trạch sau khi xây xong sẽ có cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai kết nối quận 9 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch. Đây được xem là tuyến giao thông kết nối quan trọng giúp khu vực lân cận TP phát triển một cách hiệu quả. Khi có cây cầu này, người dân đi làm từ Đồng Nai (Nhơn Trạch) vào ra TP.HCM rất thuận lợi. Mặt khác, tuyến giao thông hướng Đông Tây qua TP.HCM cũng không cần phải đi xuyên tâm TP như trước khi có đường Vành đai 3.

Đường Vành đai 3 có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 20.000 tỉ đồng. Về giải phóng mặt bằng, chi phí giải phóng mặt bằng ở TP.HCM là gần 3.000 tỉ đồng, Bình Dương hơn 2.055 tỉ đồng, Long An 639 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm