Vì sao xe buýt ‘lép vế’ trước xe ôm công nghệ?

“Vấn đề khó khăn mà xe buýt đang gặp phải, cụ thể là lượng hành khách ngày càng giảm là do có nhiều yếu tố tác động. Xã hội ngày càng phát triển nên đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải khác nhau, qua đó người dân cũng có nhiều lựa chọn phương tiện để di chuyển, điển hình phải nói đến loại hình xe ôm công nghệ. Đây cũng là yếu tố hàng đầu làm ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt hiện nay”.Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngày 24-10, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhìn nhận.

Thời gian vận chuyển là điểm yếu của xe buýt

Điểm mạnh của các hãng xe ôm công nghệ như GrabBike, GoViet… là ra mắt các ứng dụng tiện lợi để khách hàng có thể chủ động tìm kiếm phương tiện, giá cả, quãng đường chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại. Cùng với việc các hãng này cạnh tranh nhau dẫn đến đưa giá thành có lúc xuống rất thấp. GoViet là một ví dụ cụ thể, lúc mới ra mắt hãng này chỉ tính giá từ 5.000 đồng cho 8 km, rồi sau đó nâng lên 9.000 đồng… Với mức giá cạnh tranh như trên đã khiến nhiều người chuyển sang lựa chọn loại hình này thay vì đi xe buýt truyền thống.

Bước đầu có thể thấy xe ôm công nghệ đang ảnh hưởng một cách trực tiếp đến lượng khách hàng của xe buýt. Tuy nhiên, nhìn nhận ở nhiều khía cạnh để đánh giá thì việc hành khách lựa chọn loại hình xe ôm công nghệ cũng đều có nguyên do.

“Quãng đường xa trên 3 km, tôi sẽ chọn xe buýt vì giá rẻ hơn, an toàn hơn, trời nắng mưa gì cũng yên tâm. Nhưng bất tiện ở chỗ xe buýt rất hay bị kẹt xe, thời gian không đảm bảo khiến mình lỡ nhiều việc quan trọng. GrabBike thì thuận tiện ở chỗ chỉ cần dùng điện thoại đặt rồi sau vài phút là tài xế đến tận nhà để đón trong khi xe buýt phải đi bộ ra bến hoặc trạm dừng” - bạn Nguyễn Hoàng Hiếu, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường Ba Đình, quận 5 thì cho rằng về cơ bản yếu tố thời gian là lý do nhiều người chọn xe ôm công nghệ.

“Lần gần nhất tôi đi xe buýt là tháng trước, đi từ vòng xoay ngã sáu Lý Thái Tổ đến Bến xe Miền Đông chỉ mất có 5.000 đồng, khá rẻ so với xe ôm như GrabBike hay GoViet. Tuy nhiên, nếu có việc gấp, tôi chắc chắn không chọn xe buýt để đi” - anh Lực chia sẻ.

Xe buýt đang gặp khó khăn trước sự xuất hiện của hàng hoạt hãng xe ôm công nghệ. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Xe buýt kém hấp dẫn

“Xe ôm công nghệ đang là hệ lụy đối với giao thông công cộng, vì trên đường cứ 10 người thì có đến ba người chạy Grab hoặc các hãng tương tự khác. Nhưng cần phải thừa nhận rằng hành khách bỏ xe buýt để lựa chọn các phương tiện này chủ yếu là do xe buýt không hấp dẫn” - ông Hà Ngọc Trường, giảng viên Trường ĐH GTVT TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá.

Vị chuyên gia giao thông này cho rằng muốn kéo khách trở lại thì xe buýt cần phải cải thiện nhiều hơn nữa. Mặt khác, TP nên có biện pháp kiểm soát xe cá nhân một cách hợp lý. “Rất khó khăn cho xe buýt phát triển và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng khi hiện nay chúng ta cũng không có làn đường dành riêng cho loại phương tiện này” - ông Trường thẳng thắn.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng cần phải nhìn vấn đề theo khía cạnh: Xe ôm công nghệ không hề rẻ mà tại sao người dân lại không chọn ngồi máy lạnh trên xe buýt với giá vé rẻ hơn? Người dân họ luôn biết cân nhắc cái nào có lợi hơn thì họ sẽ chọn.

“Tôi từng nêu rất nhiều lần về việc này, muốn xe buýt thu hút người dân thì phải cải thiện. Cụ thể, cứ đi 200-500 m phải có điểm đón xe buýt, tối ưu thời gian ngắn nhất để hành khách bắt được xe. Nếu lộ trình hợp lý nữa thì chắc chắn mọi người sẽ chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng này” - ông Hùng lý giải.

Ông Trần Quang Lâm cũng đưa ra các giải pháp như: Nên vận động người dân đi xe buýt khi mà ngành xe buýt cũng đang gặp khó khăn và cũng đang nỗ lực khắc phục những khó khăn đó để phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời giảm giá vé cho hành khách; cải thiện và nâng cao chất lượng để hành khách quay lại lựa chọn phương tiện công cộng vốn rất phổ biến này.

TP.HCM hiện có gần 2.470 xe buýt, mỗi ngày phục vụ khoảng 700.000 lượt hành khách nhưng chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Sở GTVT, từ đầu tháng 10, Sở đã cho tạm ngưng hoạt động hai tuyến buýt số 37 (Cảng quận 4 - Nhơn Đức) và số 60 (Bến xe An Sương - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) vì nhu cầu đi lại của hành khách thấp, không đảm bảo doanh thu để tiếp tục hoạt động. Trước đó, hồi đầu năm Sở cũng đã cho tạm ngưng tuyến 149 (Công viên 23/9 - Bến xe An Sương), tuyến số 40 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Ngã Tư Ga) cũng với lý do vắng khách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm