Hàng cây cổ thụ đường Lê Lợi trước giờ đốn hạ

Sở GTVT TP.HCM và Ban Quản lý đường sắt đô thị vừa cho biết trong tháng 5 này sẽ đốn hạ, di dời 28 cây xanh nằm trên vỉa hè đường Lê Lợi, đoạn từ Pasteur đến Phan Bội Châu, theo hướng đi về chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM. 

Việc này nhằm thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). 

Thời gian đốn hạ, bứng dưỡng số cây này là khoảng một tháng với tổng chi phí khoảng 192 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý công viên cây xanh - Sở GTVT, tiêu chí đốn hạ cây xanh đợt này là các cây có khả năng sinh chồi, ngọn kém. Cây bị sâu bệnh, cong nghiêng, sam mục vết cắt, sam thân, bọng gốc, u mắt, cây già cỗi. Cây có phân cành, nhánh cao... có nguy cơ gãy cành, tét nhánh khi có mưa, giông, gió...

Trong 28 cây này đa phần là cây dầu, lim sẹt, có chiều cao từ trên 17 m đến 31 m và tuổi đời đã trên 50 năm…

Người dân và khách du lịch đi bộ dưới bóng mát của hàng cây cổ thụ trên đường Lê Lợi.

Phần rễ cây cổ thụ trồi lên làm hư hỏng phần vỉa hè đi bộ.

Ô tô đậu dọc đường Lê Lợi tận dụng bóng mát của cây xanh.

Thân một cây cổ thụ bị người dân đóng đinh.

Chú Võ Văn Phát, 64 tuổi, cho biết đã sống ở đây từ khi những cây cổ thụ còn rất nhỏ. "Mới đây có nghe việc đốn cây để thi công metro cũng tiếc nhưng hiểu là không đốn thì không xây được, tất cả vì công trình hiện đại cho thành phố thì phải chấp nhận thôi" - chú Phát nói.

Hàng cây dầu cổ thụ cao vút và có đường kính 3-4 người ôm tới đây sẽ chỉ còn trong ký ức.

Con đường rợp bóng mát nhờ hàng cây xanh rồi đây sẽ không còn nữa.

Trước câu hỏi của báo giới về việc sao không cố gắng bứng dưỡng các cây dầu, lim sẹt cổ thụ…, ông Dũng cho biết: “Việc bứng dưỡng, vận chuyển mang đi nơi khác trồng lại số cây này rất khó và khả năng sống lại của chúng không cao”.

Ông Hà Ngọc Trường, đại diện Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP, cho biết thêm theo tiêu chuẩn mới về cây xanh đô thị thì loại cây thích hợp nhất phải cao dưới 15 m, có bóng tỏa mát rộng. Do đó, dù có bứng đem đi dưỡng và số cây này có sống được thì khó đem về trồng lại vì tiêu chuẩn mới không cho phép.

Theo ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban 1 thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị, từ năm 2014 đến nay, đây là lần đốn hạ, di dời cây xanh thứ tư với tổng số khoảng 150 cây xanh nằm trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Công trường Lam Sơn, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngũ Lão và Lê Lợi. Các đợt đốn hạ, di dời này đã để lại khoảng trống cây xanh và đã tạo ra bầu không khí nắng nóng khá lớn ở giữa trung tâm TP.

Ông Hòa cho hay sau khi tuyến metro hình thành vào năm 2020, trên nóc nhà ga ngầm và khu thương mại ngầm dọc đường Lê Lợi cũng như ở các khoảng không gian khác phía trên tuyến metro số 1 sẽ là quảng trường đi bộ rộng lớn và mảng xanh mới sẽ được phục hồi. 

Loại cây mới được chọn trồng sẽ là cao dưới 15 m và phải mất từ 18 tháng đến hai năm thì mảng xanh ở khu trung tâm mới bắt đầu xanh tươi.

Người dân TP mưu sinh dưới bóng mát cây xanh trên đường Lê Lợi.

Người đi bộ dưới bóng mát của hàng cây cổ thụ.

Anh Tấn ngồi nghỉ mệt dưới gốc một cây cổ thụ. Anh cho biết: "Việc làm tuyến metro này phải đốn hạ khá nhiều cây xanh, rồi rào chắn xây dựng. Người dân chúng tôi chấp nhận nhiều thiệt hại nhưng mong sao cho nó sớm hoàn thành, kéo dài cũng lâu rồi".

Người dân chờ đèn giao thông dưới bóng mát của hàng cây xanh.

Một du khách nước ngoài chụp ảnh hàng cây cổ thụ.

Dưới gốc cây cổ thụ, nhiều người vẫn lựa chọn làm nơi mưu sinh giữa trời nắng nóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm