Họa từ cây xăng

Sáng 24-6, Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM phối hợp cùng Sở Công Thương và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCM) kiểm tra một số cây xăng trọng điểm trên địa bàn. Nhiều sai phạm nghiêm trọng về PCCC đã được phát hiện.

Chưa cháy là do… may mắn

Tại cây xăng của Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (COMECO) - Chi nhánh số 18 (42-44 Võ Thị Sáu, quận 1), đoàn kiểm tra phát hiện trên miệng các hầm chứa xăng có rất nhiều xe máy dựng la liệt. Theo đoàn kiểm tra, việc nổ máy xe sẽ tạo ra tia lửa điện phóng xuống hầm chứa, hậu quả rất khó lường. Ngoài ra, khi nhân viên cửa hàng mở nắp bể chứa, lập tức hơi xăng bốc lên nồng nặc vì không có hệ thống thu hồi hơi. Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC, lập tức nhận ra nguy cơ và yêu cầu phóng viên không được chụp ảnh ở vị trí gần.

Đáng lo ngại nhất là nhà kho của cửa hàng nằm cách miệng bể chứa xăng không xa (bên trong còn có ba họng bơm khác để bơm xăng xuống hầm) lại chứa máy phát điện chạy bằng ắcquy. Bên trên máy phát điện, nhân viên cửa hàng còn để la liệt bao bì, giấy, quần áo. “Đây là vùng có nguy cơ phóng điện gây cháy nổ cao nhất tại cửa hàng, vậy mà cán bộ Phòng Cảnh sát PC&CC quận 1 đã kiểm tra nhiều lần nhưng sao không phát hiện?” - Đại tá Trần Thanh Châu gay gắt.

Họa từ cây xăng ảnh 1

Cửa hàng COMECO 18 có nhiều sai phạm về PCCC như xe máy để ngay trên miệng bể chứa xăng, máy phát điện đặt tại vùng có nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: T.KHUÊ

Đoàn kiểm tra còn chỉ ra một loạt nguy cơ dẫn đến cháy nổ ở cửa hàng này, như ngay phía trên các trụ bơm xăng là bảng quảng cáo có dây điện nối vào đèn chiếu sáng. Theo đại diện EVN HCM, chỉ cần mưa gây chập điện bảng quảng cáo thì ngay lập tức sẽ gây cháy lan vào cửa hàng. “Ngoài ra, cạnh các họng bơm xăng có đèn chiếu sáng, cột dây điện và cáp thông tin không đủ khoảng cách an toàn, vị trí các trụ bơm xăng lại sát với đường đi… Đây đều là những nguy cơ gây cháy nổ bất cứ lúc nào” - đoàn kiểm tra nhận định.

Trước những sai phạm nghiêm trọng trên, đại diện Công ty COMECO vẫn mong “đoàn xem xét tạm tha lần này, cửa hàng sẽ nghiêm túc thực hiện”. Tuy nhiên, Đại tá Trần Thanh Châu kết luận: “Cửa hàng có nguy cơ cháy nổ cực kỳ cao, đến nay chưa cháy là do may mắn thôi. Nếu cửa hàng không khắc phục, Sở sẽ kiên quyết đề nghị đình chỉ hoạt động”.

Chập điện - nguy cơ gây cháy cao nhất

Những vi phạm kể trên đều nằm trong nhóm các nguyên nhân gây cháy cây xăng vừa được Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM công bố. Cụ thể, vụ cháy tại đại lý xăng dầu Sao Mai Vinh Phúc, số 101 Trường Chinh, quận 12 vào tháng 7-2009 là do chập điện bên trong trụ bơm. Vụ cháy cửa hàng Biên Khoa (đường Trường Chinh, quận Tân Bình) vào tháng 11-2012 cũng do chập điện.

Ngoài ra, vụ cháy cửa hàng xăng dầu Saigon Petro (đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp) vào tháng 5-2012 là do tài xế xe bồn cấp xăng không thực hiện đúng quy trình. Gần đây nhất, tháng 2-2013, cửa hàng xăng dầu số 42 thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực II (quận 6) bị cháy cũng do dầu bị rò rỉ trong quá trình nhập từ xe bồn vào.

Để ngăn ngừa các sự cố tương tự, Đại tá Trần Thanh Châu cho biết Sở Cảnh sát PC&CC đã hoàn tất dự thảo đề xuất giải pháp an toàn về PCCC đối với cửa hàng xăng dầu, đang trình UBND TP. “Hai yêu cầu bắt buộc đối với các cửa hàng xăng dầu là phải trang bị ngay các thiết bị chữa cháy tự động, bán tự động hoặc bằng tay. Ngoài ra, tất cả cửa hàng phải lắp đặt hệ thống truyền nối với trung tâm cảnh báo cháy của Sở để khi xảy ra sự cố có thể chữa cháy trong thời gian nhanh nhất” - Đại tá Châu nói.

Cẩm nang để thoát khỏi đám cháy

- Khi xảy ra cháy, phải thật bình tĩnh để chọn phương án thoát nạn tốt nhất. Đầu tiên, tìm lối thoát nạn có sẵn gần nhất (theo biển chỉ dẫn “Lối ra” hoặc “Exit” hoặc nghe thông báo trên loa). Khi mở cửa phòng, nên tránh ngay sang một bên đề phòng lửa tạt vào người. Tuyệt đối không trốn vào các nơi kín như nhà tắm, tủ.

- Tại nhà cao tầng hay chung cư, khi di chuyển trên hành lang để vào buồng thang bộ phải bò hoặc cúi lom khom sát đất để tránh bị ngạt khói.

- Khi ra được cửa hoặc cầu thang thoát nạn, nhanh chóng kêu cứu hay dùng các tấm vải, quần áo, các vật dụng có màu sắc để báo hiệu cho người đến giúp.

- Khi quyết định vượt qua lửa để thoát nạn, cần dùng các vật dụng hằng ngày có sẵn như quần áo, vải, chăn, màn… nhúng nước choàng lên người, che mũi để hạn chế sức nóng của lửa và ngạt khói.

- Nếu không thoát ra được bằng cầu thang thoát hiểm chính, hãy chọn vị trí an toàn dùng các loại dây, rèm cửa, drap trải giường nhúng nước hoặc buộc chắc chắn rồi tụt xuống đất. Tuyệt đối không nhảy khi chưa có các dụng cụ bảo vệ ở bên dưới.

- Khi lửa bắt vào quần áo phải dừng di chuyển, nằm áp xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường, hai tay ôm đầu lăn tròn để dập tắt lửa…

(Theo Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM)

TUYẾT KHUÊ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy