Hơn 30 ha rừng Biên Hòa bị dân cư... xóa sổ

Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi biết hơn 30 ha đất tại phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) là đất rừng bởi khu đất này hiện không còn dấu tích gì của rừng. Thay vào đó là nhà ở, công xưởng, sân bóng… do người dân lấn chiếm xây cất.

Đất rừng chỉ còn trên giấy

Đây là khu đất tiếp giáp với khu vực dân cư, khu công nghiệp do Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa (Trung tâm) quản lý. Nơi đây được coi là “cứ địa” của sản xuất, buôn bán đồ gỗ nên khu đất trở thành nơi đắc địa để làm nhà ở, cơ xưởng hoặc phân lô bán nền…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây Trung tâm quản lý 190 ha rừng và đất rừng. Sau khi bàn giao cho Khu công nghiệp Amata và một đơn vị quân đội khoảng 160 ha, còn lại hơn 30 ha đất rừng vẫn do Trung tâm quản lý.

Trên giấy tờ, hơn 30 ha rừng phân thành các lô 104, 125, 126, 127, 128 nhưng giờ không còn dấu tích nào gọi là rừng nữa. Thay vào đó là hàng chục nhà xưởng, công ty, nhà dân, nhà trọ và các dịch vụ kinh doanh khác. Theo thống kê, năm 2011 có 23 vụ xây cất nhà, xưởng trái phép. Đến giữa tháng 4-2012 có thêm 11 trường hợp tương tự bị phát hiện. Vấn đề đáng nói là hầu hết những trường hợp xây dựng trái phép lẽ ra đã bị đập bỏ nhưng nó vẫn ngang nhiên hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng trước sự bất lực của chính quyền địa phương và Trung tâm.

Ông Trần Đình Xướng, Giám đốc Trung tâm, lý giải: Lợi dụng giai đoạn bàn giao giữa lâm trường và các đơn vị, người dân đã ngang nhiên đến lấn chiếm, xây dựng trái phép. Khi phát hiện việc này, Trung tâm đã đề nghị chính quyền phường Long Bình can thiệp. Phường đến, tiến hành lập biên bản rồi để đó nên người dân được đà làm tới. “Nếu phường Long Bình cương quyết cưỡng chế ngay từ đầu thì đã không xảy ra tình trạng như bây giờ” - ông Xướng nói.

Hơn 30 ha rừng Biên Hòa bị dân cư... xóa sổ ảnh 1

Nhà ở, nhà xưởng và các dịch vụ kinh doanh trên đất rừng. Ảnh: V.TÙNG

Hơn 30 ha rừng Biên Hòa bị dân cư... xóa sổ ảnh 2

Bà Phan Thị Tâm đang tiếp thị bán đất. Ảnh: V.TÙNG

Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Thanh Đa - Chủ tịch UBND phường Long Bình thì nói: Tất cả trường hợp xây dựng trái phép, phường đều lập biên bản theo quy định. Phường đã báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin chủ trương cưỡng chế điểm nhằm kéo giảm tình trạng xây dựng trái phép trong khu vực này.

Chính quyền, chủ rừng bó tay?

Theo ông Xướng, một phần của hơn 30 ha đất rừng trước đây được giao khoán cho một số người dân quản lý, bảo vệ và ăn chia sản phẩm theo chủ trương của tỉnh. Sau đó những người được giao khoán bảo vệ rừng tự ý sang tay các hợp đồng này hoặc xẻ nhỏ đem bán thu lợi bất chính.

Ông Dương Thanh Quyền, một cán bộ hưu trí ngụ khu phố 8, phường Long Bình, cho biết: Việc mua bán đất công ở khu vực này diễn ra công khai. Nhiều người sẵn sàng dùng dao búa để tranh giành đất. Đáng nói, việc làm này phần nhiều là người nhà của một cán bộ phường Long Bình thực hiện.

Trong vai một người cần mua đất để dựng nhà xưởng, chúng tôi tiếp cận bà Phan Thị Tâm, người được xem là “trùm đất rừng” khu vực này. Sau khi cho biết “cần 2.000 mét vuông đất để dựng xưởng làm phế liệu”, bà Tâm nhanh nhảu ra giá 800 triệu đồng cho số đất trên. Chúng tôi bày tỏ băn khoăn là chính quyền sẽ cưỡng chế thì bà Tâm cho biết: Nếu bao luôn dựng xưởng, giá sẽ là 1,3 tỉ đồng. “Tất nhiên khi dựng xưởng thì chính quyền sẽ đến lập biên bản nhưng lập biên bản lấy lệ mà thôi, mình vẫn xây dựng bình thường… Phải có gan mới làm giàu được em ơi!” - bà nói.

Được biết bà Tâm có khoảng 4 ha đất trong khu vực này. Trong đó có 1 ha được trung tâm giao khoán, số còn lại vợ chồng bà sang nhượng lại từ hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng của người khác. Theo tìm hiểu, bà là chị vợ của một cán bộ lãnh đạo phường Long Bình.

Ông Xướng cho hay hiện số đất rừng trên bà Tâm đã bán hoặc xây dựng hết.

Rừng chỉ còn trên giấy vì người dân đã mua bán, xây dựng. Mang vấn đề này đến hỏi Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Hồng Tăng, Phó Giám đốc sở này, cho biết: Sở đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ tịch UBND TP Biên Hòa và các đơn vị liên quan làm rõ và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm nhưng chưa động cựa.

Các cơ quan chức năng bó tay hay làm ngơ để hơn 30 ha đất rừng bị xóa sổ?

Tôi đã báo cáo với bí thư Đảng ủy phường Long Bình về dư luận là người nhà của đồng chí phó bí thư thường trực Đảng ủy phường có liên quan đến việc lấn chiếm, xây dựng nhà xưởng, nhà ở và kinh doanh trái phép trên diện tích đất rừng. Bí thư cũng đã nhắc nhở đồng chí đó rồi.

Ông TỐNG THANH ĐA, Chủ tịch UBND phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai)

DUY ĐÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm