Khai thác titan ở Bình Định: Vùng ven bờ thành “biển chết”

Khai thác, chế biến titan ở Bình Định không chỉ tàn phá rừng phòng hộ ven biển, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây nạn cát bay mà còn gây ra hậu quả mới: Hủy hoại các vùng biển lân cận.

Người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An… của huyện Phù Mỹ (Bình Định) gọi vùng biển ven các địa phương này là “biển chết”. Trời nắng gắt nhưng nước biển lại đục ngầu, cả vùng rộng lớn gần bờ hầu như không còn hoạt động đánh bắt. Đi dọc theo bờ biển có hơn 10 điểm khai thác titan, ông Phạm Văn Tám (ngụ thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành) nói: “Trước đây, chỉ cần bơi thuyền ra vài chục mét là đánh bắt được cá để sinh sống hằng ngày. Bây giờ, bơi thuyền ra hàng trăm mét, lưới cả ngày vẫn không tìm thấy con cá, con tôm nào. Lặn xuống biển, thấy rõ những lớp đất bùn ngày càng dày lên, nhiều loài ốc chết xếp lớp”.

Vùng ven biển thuộc xã Mỹ Thọ vốn tụ hội ngao, sò, ghẹ… vì nằm sâu trong vùng kín gió nhưng bây giờ các loài hải sản trên biến mất. “Vùng biển này vốn rất dễ kiếm sống nhưng từ ngày nước biển nhiễm đục, các loài này mất sạch” - ông Nguyễn Tấn Thành (ngụ thôn Tân Phụng 2) than. Ông Nguyễn Văn Tỵ (ngụ thôn Tân Thành) nói: “Khi đánh bắt ở gần bờ, nhiều bà con kéo lưới lên dính toàn bùn đen, không có tôm cá gì cả”.

Khai thác titan ở Bình Định: Vùng ven bờ thành “biển chết” ảnh 1

Hàng loạt điểm khai thác titan ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) xả thẳng nước thải ra biển qua các ống dẫn hoặc mương, rãnh. Ảnh: TẤN LỘC

Hầu hết người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ đều khẳng định các điểm khai thác titan xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra biển là nguyên nhân làm biển “chết”.

Sáng sớm, dọc bờ biển ở xã Mỹ Thành có đến hàng chục đường ống trên hoặc dưới mặt cát thải nước ào ào ra biển. Một số điểm khai thác đào mương, rãnh ngoằn ngoèo thải nước đen ngòm suốt ngày đêm. Ông Nguyễn Văn Lai (ngụ thôn Tân Thành, xã Mỹ Thọ) cho biết: “Vào mùa biển động, nước thải hòa nhanh ra biển nên khó nhận thấy. Tuy nhiên, vào mùa gió nồm, nước thải chỉ luẩn quẩn gần bờ khiến vùng nước biển gần bờ đen đục, cá tôm đều bỏ đi hết…”.

Bà Nguyễn Thị Lan, đại biểu HĐND xã Mỹ Thọ, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng các điểm khai thác titan xả thải ra biển gây ô nhiễm trầm trọng nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào giải quyết”.

Ông Võ Minh Thành, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần xử phạt nhưng một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải và chúng tôi không thể kiểm tra thường xuyên mà chỉ thanh tra khi có sự việc”.

Các điểm khai thác titan đều vi phạm

Mới đây, Bộ TN&MT đã thanh tra tám doanh nghiệp khai thác, chế biến titan ở Bình Định. Kết quả, tất cả doanh nghiệp đều vi phạm về hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Trong lĩnh vực nước thải khai thác titan thì các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp không đề cập đến giám sát thông số phóng xạ trong nước; không đề cập đến vấn đề quản lý tổng hợp môi trường tại khu vực tập trung nhiều dự án khai thác.

Hầu hết các doanh nghiệp đều không thực hiện giám sát môi trường chất thải, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép… Phân tích nước thải của hầu hết các điểm khai thác titan đều có độ phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép…

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm