Không còn bị đóng tiền nước “oan”?

Bộ Xây dựng vừa đưa ra ba phương án thu tiền nước để gửi tới lấy lý kiến của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Các ý kiến phản hồi gửi Bộ Xây dựng trước ngày 11-2. Trên cơ sở đó, bộ này sẽ báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi cách thu tiền nước hiện nay.

Không còn bị đóng tiền nước “oan”? ảnh 1

Công nhân công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh môi trường Nam Định kiểm tra máy trước khi vận hành. Ảnh minh họa: XH

Cách thu chưa phù hợp

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 117/2007, mức thu tối thiểu đối với một hộ dân là 4 m3 nước/tháng. Hộ nào sử dụng không hết mức này cũng vẫn phải nộp. “Tôi đi công tác cả tháng, nhà đóng cửa bỏ đấy nhưng sau đó lại nhận được hóa đơn tiền nước, theo đó tôi phải đóng tiền cho 4 m3 nước tôi không hề sử dụng. Như vậy là quá vô lý!” - ông Lê Anh Tú ở D10, phường Thành Công, Ba Đình phản ứng.

Mặt khác, theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tính khối lượng nước tối thiểu là 4 m3/hộ/tháng đối với những hộ có nhu cầu ít hơn 4 m3/hộ/tháng còn khuyến khích sự lãng phí nước sạch. Như vậy là không hợp lý.

Trong văn bản gửi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vào tháng 5-2010, Bộ Xây dựng lý giải quy định thu tối thiểu 4 m3/hộ/tháng như hiện nay là vì doanh nghiệp cấp nước phải đầu tư đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước và phải bảo đảm duy trì hoạt động liên tục của hệ thống cấp nước. Hộ gia đình phải có nghĩa vụ đóng góp, nhằm duy trì hoạt động bình thường của hệ thống cấp nước. Do đó, cần thiết thu một mức phí tối thiểu trong trường hợp hộ gia đình không sử dụng nước hoặc sử dụng quá ít.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng đồng tình rằng việc người tiêu dùng sử dụng không đến 4 m3 nước/tháng mà vẫn phải trả tiền cho 4 m3 nước/tháng là một vấn đề bất cập. Theo Bộ Xây dựng, nhiều hộ nghèo và nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, các sở Xây dựng và một số công ty cấp nước cũng đề nghị điều chỉnh quy định này.

Ba phương án điều chỉnh

Ngày 19-1, Bộ Xây dựng đưa ra ba phương án để sửa quy định thu tiền nước hiện hành. Trong đó, phương án một giữ nguyên cách thu hiện nay nhưng bổ sung quy định: Đối với các gia đình nghèo, khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách, có xác nhận của chính quyền địa phương thì dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Ông Đỗ Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng với phương án này thì sẽ tiếp tục còn nhiều hộ gia đình phải trả tiền nước hằng tháng một cách vô lý. “Người tiêu dùng chỉ phải trả tiền nước cho số nước mình sử dụng. Họ không thể trả tiền cho số nước họ không hề sử dụng” - ông Tịnh nhấn mạnh.

Một trong những hướng của phương án hai mà Bộ Xây dựng đưa ra là: Bỏ quy định thu tiền nước tối thiểu 4 m3/hộ/tháng. Hộ tiêu thụ trả chi phí đấu nối, bao gồm đồng hồ đo và đường ống, vật tư ngay khi lắp đặt. Sau đó, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Tuy nhiên, ông Tịnh cho rằng phương án này cũng chứa đựng những điều chưa hợp lý. “Nhà cung cấp nước là đơn vị kinh doanh, họ phải bỏ vốn ra để đầu tư ban đầu, trong đó có chi phí đấu nối bao gồm đồng hồ đo nước và đường ống, vật tư. Nếu bắt người dân phải đóng trước chi phí đó là vô lý” - ông Tịnh phân tích.

Phương án ba của Bộ Xây dựng đề nghị bỏ quy định thu tiền nước tối thiểu 4 m3/hộ/tháng hiện nay. Đồng thời, toàn bộ chi phí từ đầu tư đến quản lý vận hành đều được tính vào giá nước. Theo ông Tịnh, đây là phương án hợp lý nhất.

Tiêu điểm

Bất hợp lý vì độc quyền

Tiền nước người dân trả hiện nay phải gánh cả lượng nước bị thất thoát do hỏng đường ống, rò rỉ... Không thể tính như vậy. Để xảy ra thất thoát thì đó là trách nhiệm của đơn vị cấp nước, ngành nước. Người dân chỉ phải trả tiền cho số nước chảy qua đồng hồ tính lượng nước tiêu thụ của họ. Không thể bắt họ trả tiền cho số nước thất thoát ở bên ngoài từ đường ống do đơn vị cấp nước quản lý.

Nguyên nhân của việc thu tiền nước bất hợp lý như hiện nay là do việc cung cấp nước sạch còn độc quyền. Trên từng địa bàn, chỉ có một đơn vị cấp nước thì người dân không có lựa chọn nào khác. Họ vẫn buộc phải trả tiền dù thấy rằng việc thu đó là vô lý”.

Ông ĐỖ VIẾT TỊNH, Chánh văn phòng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Thu tiền thuê bao: vô lý!

Mới đây, cũng với lý do cách tính tiền nước như hiện nay chưa hợp lý, Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam đã có đề xuất gửi ba bộ Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thu tiền thuê bao đối với các hộ sử dụng nước sạch. Theo đề xuất này, ngoài tiền sử dụng nước (dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu), hằng tháng mỗi hộ sẽ phải nộp thêm tiền thuê bao đồng hồ với mức dự kiến là 15.000-20.000 đồng. Tuy nhiên, đề xuất thu tiền thuê bao này không được dư luận đồng tình.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm