Khu vui chơi thiếu nhi: Con chơi, cha mẹ lo

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM, “khu vui chơi thiếu nhi cần gắn với không gian cây xanh, có các trò chơi hợp lứa tuổi, giúp trẻ phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ”. Tuy nhiên, trên thực tế gần như chỉ có chín khu vui chơi do TP vừa đầu tư trong hai năm 2011, 2012 đạt được những điều kiện lý tưởng trên. Trong hè này, nhiều trẻ em (nhất là khu vực ngoại thành) vẫn không có chỗ vui chơi hoặc phải đến những điểm vui chơi tự phát xập xệ, thiếu an toàn.

Cỏ um tùm, kéo điện cẩu thả

Do trường chưa khai giảng khóa hè nên hai con trai của chị Trần Thị Quỳnh Hoa (đường Tăng Nhơn Phú, quận 9) được nghỉ ở nhà hai tuần. Không thể “nhốt” hai con ở nhà mãi nhưng chị Hoa cũng không an tâm khi cho con đến những khu vui chơi gần nhà.

“Những khu này phần lớn nằm trên các khu đất trống gồ ghề, nhiều trò chơi không đảm bảo an toàn, vệ sinh cũng rất kém. Ngay như khu vui chơi trước Nhà thiếu nhi quận 9 cũng chỉ đổ một lớp đá mi lởm chởm, xung quanh cỏ mọc um tùm, dây điện mắc cẩu thả. Tủ kính vỡ, ghế gãy, bình nước… ngổn ngang nhìn rất phản cảm” - chị Hoa nói.

Theo ghi nhận, khá nhiều khu vui chơi ở ngoại thành do tư nhân đầu tư cũng có tình trạng tương tự. Khu vui chơi tại đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Tây, Thủ Đức có khá nhiều trò chơi nhưng dưới đất lởm chởm gạch đá, cỏ mọc um tùm xen lẫn rác rưởi. Nguy hiểm nhất là khu vui chơi này lại nằm sát đường ray xe lửa. Tương tự, ba khu vui chơi ở mặt tiền đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức đều ẩm thấp, các trò chơi nghèo nàn.

Khu vui chơi thiếu nhi: Con chơi, cha mẹ lo ảnh 1

Trẻ em quận 6 lội bì bõm trong nước khi đến vui chơi tại Công viên Phú Lâm trong mùa hè 2012. Ảnh: V.HOA

Khu vui chơi thiếu nhi: Con chơi, cha mẹ lo ảnh 2

Không phụ huynh nào có thể an tâm khi chứng kiến hình ảnh này. (Ảnh chụp tại khu vui chơi trước Nhà thiếu nhi quận 9) Ảnh: V.HOA

Sau khi khảo sát khắp nơi, chị Hoa quyết định hằng tuần sẽ dẫn con vào khu vui chơi trong một nhà sách. Tuy giá vé khá cao (65.000 đồng/suất) nhưng “ở đây vừa có máy lạnh mát mẻ, sạch sẽ, nhiều trò chơi và quan trọng là có thể đảm bảo an toàn cho con tôi” - chị Hoa nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng kiên nhẫn tìm chỗ vui chơi cho con như chị Hoa. Nhiều phụ huynh do không có thời gian nên vẫn phải cho con tới chơi ở các khu vui chơi tự phát dù luôn lo ngay ngáy.

Quận, huyện chịu trách nhiệm

Theo chị Nguyễn Thị Kim Dung, chủ một điểm vui chơi trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, với một điểm vui chơi có năm trò đu quay, thú nhún, xe điện, tàu lửa và lâu đài hơi thì tiền đầu tư mất khoảng 200 triệu đồng. Giá của các trò chơi dao động 2.000-7.000 đồng/10 phút. “Lúc mới mở, người của phường cũng xuống ngó nghiêng nhưng không thấy họ nói gì” - chị Dung nói.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Linh Đông, quận Thủ Đức, lý giải: Các khu vui chơi mà báo phản ánh đều nằm trong dự án làm đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Trong khi chờ giải tỏa đường, tận dụng những khoảng đất trống, một số người đã xin mở các khu vui chơi cho trẻ em. Sở dĩ phường chấp thuận là vì nhu cầu vui chơi của trẻ ở trên địa bàn rất lớn, trong khi quận hiện chỉ có một khu vui chơi duy nhất là Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức.

“Đối với các điểm vui chơi này, chức năng của phường là kiểm tra giấy phép và xem các loại hình trò chơi có nằm trong diện bị cấm hay không. Chúng tôi cũng hay kiểm tra, nhắc nhở về vấn đề đấu nối điện và vệ sinh nhưng cũng chỉ dựa trên cảm tính chứ không theo quy chuẩn nào cả” - ông Sơn nói.

Phần lớn các khu vui chơi tự phát đều nằm trên các bãi đất trống, người ta thuê và đặt trò chơi lên đó. Thời gian qua, việc quản lý các khu vui chơi này chưa được chặt chẽ. Sắp tới, từng quận, huyện cần rà soát thật kỹ, khu nào an toàn thì duy trì, còn không an toàn thì phải nhắc nhở và có biện pháp xử lý.

Bà LÊ THỊ THANH NHÃ,Phó phòng Văn hóa-Gia đình, Sở VH-TT&DL TP.HCM

Theo khảo sát của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL, rất nhiều khu vui chơi ở cấp xã, phường có trang thiết bị nghèo nàn, việc quản lý cũng chưa tốt. Đáng chú ý, hiện vẫn chưa xây dựng được quy chuẩn làm cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống này.

Trong tháng 7, Sở VH-TT&DL phối hợp với các ngành liên quan sẽ đi giám sát 10 khu vui chơi của TP.HCM và các khu vui chơi của quận, huyện đầu tư trong năm Trẻ em 2011 về tình hình đầu tư và mức độ tiếp cận các trò chơi này của trẻ. Theo đánh giá của HĐND TP, hiện các khu vui chơi phân bố chưa đều, chủ yếu là tập trung tại các quận trung tâm.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm