Kiểm soát chặt hạ tầng, tránh tách thửa biến tướng

Khả năng trong tương lai, một lần nữa TP.HCM sẽ phải cải tạo những khu dân cư lụp xụp này.

“Đối với các thửa đất hình thành đường giao thông thì ngay khi duyệt tổng mặt bằng, cơ quan có thẩm quyền phải duyệt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Phải tổ chức nghiệm thu toàn diện đường, điện, cấp thoát nước một cách nghiêm túc, chặt chẽ rồi mới giải quyết cho tách thửa. Hiện nay, nhiều khu dân cư có đường mà không có vỉa hè, lộ giới đường thì rất nhỏ và không có bóng cây nào”.

Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, đã kiến nghị như trên tại buổi tọa đàm Ngăn chặn tách thửa biến tướng do báoPháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 14-6.

Đa phần các đại biểu tham dự cũng cho rằng vấn đề mấu chốt nhất của Quyết định (QĐ) 33/2014 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa chính là vấn đề hạ tầng.

Cảnh báo về gánh nặng hạ tầng

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đánh giá cao những ưu điểm của QĐ 33 nhưng cũng nhìn nhận: “Có một số trường hợp thực hiện theo QĐ 33 nhưng chủ đất chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đầu tư hạ tầng kém dẫn đến việc hình thành những khu nhà ở kém chất lượng”.

Ông Trương Công Nam cũng cho rằng nhờ QĐ 33 mà đã giảm được rất lớn tình trạng xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP. Đặc biệt là tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Tuy nhiên, ông Nam thông tin trong đợt đi kiểm tra thực tế, chính ông cũng ghi nhận nhiều khu phân lô hạ tầng chưa đảm bảo, chưa kết nối được với hạ tầng chung. Theo ông Nam, khi dân số gia tăng thì sẽ dẫn tới nguy cơ trường học, bệnh viện quá tải, phá vỡ quy hoạch được duyệt. Nếu một loạt khu phân lô theo QĐ này nằm kế nhau thì sẽ là áp lực rất lớn cho các địa phương.

Cùng quan điểm, ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng, nhìn nhận tinh thần của QĐ 33 là nhắm tới đối tượng tách thửa cho con ra riêng hoặc bán để giải quyết một phần kinh tế gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế thì chủ yếu là người dân tách thửa để kinh doanh. Dẫn lại bài học lịch sử từ chính sách cho phép phân lô bán nền từ những năm 1990 và đầu năm 2000, ông Tiến nói hạn chế của chính sách thời điểm đó là quản lý hạ tầng thiếu chặt chẽ. Việc này dẫn đến những khu dân cư nhếch nhác, hạ tầng không đấu nối được với các khu vực xung quanh. Đến năm 2002, TP phải chấn chỉnh và ngừng hẳn việc phân lô. “Đến nay, luật cho phép phân lô tách thửa để kinh doanh thì vấn đề hạ tầng cần phải được kiểm soát chặt để tránh phân lô biến tướng” - ông Tiến nhấn mạnh.

Con đường chính trong khu dân cư tại hẻm 53 đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn bị sụp lún nhiều lần sau một thời gian ngắn đi vào sử dụng. Người dân phải gia cố nhiều lần. Ảnh: VIỆT HOA

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hoàng Giang

Ông Nguyễn Xuân Đức, đại diện Sở TN&MT, cũng cho biết TP cũng đã nhìn nhận về tình trạng này và năm 2016 đã giao các sở TN&MT, QH-KT và Xây dựng kiểm tra hạ tầng của các khu phân lô trên địa bàn TP. “Qua kiểm tra cũng có những trường hợp đầu nậu thu gom đất, tách thửa hình thành những khu dân cư không đảm bảo hạ tầng. Khả năng trong tương lai, một lần nữa TP sẽ phải cải tạo những khu dân cư lụp xụp này” - ông Đức nhìn nhận.

Siết chặt đầu vào

Nhận định vấn đề mấu chốt của việc tách thửa các khu đất có hình thành đường giao thông hiện nay chính là vấn đề hạ tầng, các đại biểu đều cho rằng quy định mới về tách thửa cần phải kiểm soát tốt vấn đề này.

Theo ông Tống Đức Tiến, Luật Nhà ở hiện nay cũng đã cho phép đầu tư hạ tầng và phân lô theo quy hoạch để kinh doanh. Có nghĩa là cả người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia vào việc này. Vấn đề là phải quản lý hạ tầng như thế nào để đảm bảo đô thị phát triển bền vững. Về quản lý đô thị, có ba lĩnh vực then chốt và không thể tách rời là quy hoạch, đất đai và xây dựng.

“Quá trình thực hiện phân lô tách thửa theo QĐ 33 đã có những trường hợp không theo quy hoạch đã đẩy chỉ số về nhà ở, đất ở lên quá cao so với tiêu chuẩn, quy chuẩn. Do đó, trong dự thảo mới (thay thế QĐ 33), Sở TN&MT cần phải gắn chung cả ba lĩnh vực then chốt nói trên để đảm bảo được những khu nhà ở có chất lượng” - ông Tiến nói.

ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn, cho biết huyện này đã thành lập một tổ công tác kiểm tra lại tất cả khu phân lô trên địa bàn. Theo ông Nghĩa, để tránh được phân lô tách thửa biến tướng thì có ba vấn đề cần phải tập trung, đó là kiểm soát quy hoạch, kết nối hạ tầng (thoát nước, cây xanh, vỉa hè, đường sá) và thứ ba là kiểm soát tốt diện tích tối thiểu được tách thửa.

Đồng tình về việc này, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch quận Bình Tân, kiến nghị quy định về hạ tầng đối với các khu đất có hình thành đường giao thông cũng phải hết sức cụ thể để tránh trường hợp mỗi quận, huyện hiểu một cách.

Theo đại diện quận Bình Tân, hạ tầng theo QĐ 33 hiện nay chỉ nêu chung về đường, cấp thoát nước, điện nhưng không yêu cầu vỉa hè, cây xanh. Do đó, khi giải quyết cho tách thửa nơi thì yêu cầu phải có cây xanh, nơi thì không. “Cần có một quy định cụ thể về hạ tầng, chẳng hạn đường dài bao nhiêu mét tương ứng với vỉa hè rộng bao nhiêu, có cây xanh không…” - ông Nguyễn Gia Thái Bình góp ý.

Dự thảo chưa đề cập đến trường học, bệnh viện

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó phòng Quản lý thực hiện quy hoạch thông tin, Sở QH-KT, cho biết các khu phân lô hiện nay chỉ giải quyết vấn đề kết nối hạ tầng kỹ thuật, còn những vấn đề khác như trường học, bệnh viện thì không đề cập. Theo ông Hưng, việc này cũng dẫn đến những quá tải về hạ tầng xã hội sau này. Trong điều kiện hiện nay TP chưa đủ ngân sách để phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500 thì các tiêu chí về hạ tầng cũng cần phải hết sức cụ thể và được kiểm soát chặt chẽ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở TN&MT, ông Nguyễn Xuân Đức cho hay trong dự thảo thay thế QĐ 33 chưa có quy định cụ thể nhưng Sở cũng có kiến nghị TP giao cho cơ quan có chuyên môn quy định cụ thể để có cách hiểu và vận dụng thống nhất trên địa bàn TP.

Cho tách thửa một số trường hợp

Một vấn đề vướng tại Bình Chánh là đối với loại đất quy hoạch dân cư xây dựng mới hiện nay không cho tách thửa. Tuy nhiên, thực tế tại Bình Chánh có rất nhiều trường hợp người dân có nhà, đất trong quy hoạch này từ rất lâu, đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không được tách thửa khiến người dân rất bức xúc. Do vậy, kiến nghị nếu quy định mới thì cần loại trừ những đối tượng này để đảm bảo nhà ở cho dân.

NGUYỄN THỊ THẢO,
Phó phòng TN&MT huyện Bình Chánh

Chú ý khu dân cư nông thôn

Dự thảo thay thế QĐ 33 có quy định nhà, đất trong quy hoạch dân cư hiện hữu, hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới hoặc dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới thì được tách thửa. Tuy nhiên, ở Hóc Môn có loại đất quy hoạch là khu dân cư nông thôn hiện hữu thì dự thảo chưa đề cập. Do đó, dự thảo mới cũng cần nêu rõ trường hợp này để huyện có cơ sở áp dụng.

Ông THÁI BỈNH NGHĨA,
Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn

Quy định rõ với đất dưới 2.000 m2

Theo dự thảo thay thế QĐ 33, đất ở trên 2.000 m2 phải lập dự án là cần thiết. Còn đối với những khu dưới 2.000 m2 thì cũng cần phải quy định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng, đường sá giao thông vì hiện nay mỗi quận đang có một tiêu chí riêng. Ngoài ra, nếu được thì cho phép chủ đất được thiết kế hệ thống lọc để thoát ra kênh rạch.

Ông ĐOÀN VĂN HOẠT, Phó Tổng Giám đốc Công ty
Địa ốc Vạn Xuân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm