Kiến nghị dừng thủy điện lấn Vườn quốc gia Cát Tiên

Tạm dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên lưu vực sông Đồng Nai vì chưa xem xét, đánh giá toàn diện về những ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, đến việc bảo tồn cũng như những hệ lụy về môi trường khác sẽ phát sinh nếu dự án được thực hiện. Ngày 7-8, các nhà khoa học của Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Vườn quốc gia Cát Tiên kiến nghị như trên tại hội thảo về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai diễn ra ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai).

Kiến nghị dừng thủy điện lấn Vườn quốc gia Cát Tiên ảnh 1

Các nhà khoa học đang đi thực địa khu vực xây thủy điện. Ảnh: PHONG MINH

Công nhiều…

Tiêu điểm

30

km khoảng cách giữa hai thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai cho thấy thủy điện đang phát triển quá dày đặc ở lưu vực này.

Đại diện chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng hệ thống sông Đồng Nai có vị trí quan trọng để khai thác thủy điện và cấp nước nên thời gian qua nhà đầu tư đã thúc đẩy tốc độ khai thác thủy điện bậc thang nhanh nhất nước. Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 và lần lượt sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2015, 2016. “Hai thủy điện có diện tích chiếm đất vĩnh viễn trên 320 ha, trong đó chiếm đất Vườn quốc gia Cát Tiên gần 137 ha nhưng khu vực này không có hệ sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ, thực vật phổ biến và phân bố rộng. Mặt khác, dự án này có công suất lớn nhưng tỉ lệ chiếm đất ít, hằng năm đóng góp cho ngân sách 143 tỉ đồng, tạo hàng rào ngăn việc phá rừng, săn thú…” - đại diện chủ đầu tư khẳng định.

TS Đào Trọng Tứ (VRN) đồng tình là thủy điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, tăng thu nhập cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm… Tuy nhiên, mặt trái của nó là gây nhiều tiêu cực như tăng lưu lượng đỉnh lũ, giảm nước xả xuống hạ lưu vào mùa kiệt, tăng ô nhiễm cho hạ lưu, ẩn chứa nhiều hiểm họa cho môi trường, làm thay đổi hình thái, xói lở, giảm nguồn dinh dưỡng cho sản xuất nội nghiệp. “Không những môi trường tự nhiên bị ảnh hưởng mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến xã hội” - ông Tứ nhấn mạnh.

… Tội không kém

Tại hội thảo, Công ty Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) cho hay Bộ TN&MT vừa yêu cầu bổ sung các vấn đề pháp lý của dự án nên hiện nay ĐTM của hai dự án vẫn chưa được duyệt.

Phóng viên các báo nêu nhiều thắc mắc về ĐTM nhưng đại diện chủ đầu tư cho rằng mình nhờ Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lập, tư vấn và chủ đầu tư không có chức năng phản biện. Hơn nữa, đây là buổi hội thảo chứ không phải là cuộc họp báo nên đề nghị không trả lời báo chí.

“Sông Đồng Nai dài 420 km tải 14 thủy điện, La Ngà dài 290 km chứa năm thủy điện…, trong khi sông Mekong dài 2.400 km chỉ 11 thủy điện. Điều này cho thấy thủy điện mọc quá dày đặc trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai và chắc chắn sẽ phá vỡ sinh thái, sinh cảnh của khu vực” - ông Tứ nói.

Theo ông Tứ, việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên đầu nguồn đã và đang tác động lớn đến môi trường sinh thái, làm nguồn nước bị ô nhiễm, diện tích rừng suy giảm… Những tác động này không xảy ra ồ ạt, tức thì dù nhận biết, dự báo được. “Những dự án được triển khai do nhận thức không đầy đủ, sự bất lực của cộng đồng hoặc vì lợi ích của một số ngành, các nhóm lợi ích và sự kém hiệu quả của hệ thống pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật” - ông Tứ chỉ trích.

Ông Tứ cũng bác bỏ ý kiến của chủ đầu tư về chuyện thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ giúp giảm phát thải khí thải khoảng 525.000 tấn CO2 bằng lập luận: “Thủy điện không những làm mất tính đa dạng sinh học, tác động đến sinh kế, một số hồ còn gây ra hiệu ứng nhà kính”.

Đồng tình, TS Lê Anh Tuấn, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), cho rằng nhiều thủy điện ở miền Trung “ém” nước vào mùa khô và tranh thủ xả nước vào mùa lũ khiến hàng trăm người dân ở Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề. Hàng loạt tác động tiêu cực khác như nguy cơ tăng sạt lở, cản đường di cư của cá, thảm họa do nguy cơ vỡ đập, làm thay đổi hệ sinh thái sau dòng chảy… Việc phá rừng làm thủy điện còn làm mất bể hấp thu carbon, làm mất cơ hội bán chứng chỉ carbon. “Lượng phát thải từ các hồ ở vùng nhiệt đới như Việt Nam còn lớn hơn lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính của tất cả nhà máy phát điện dùng nguyên liệu hóa thạch trên thế giới cộng lại.

Nhất trí kiến nghị dừng

Ông Tuấn cũng cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa thuyết phục. Các tính toán kỹ thuật về việc vận hành nhà máy chưa chắc chắn, tiềm ẩn nhiều sai sót. “Với lãi suất hiện tại, tổng mức đầu tư của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 (trên 3.560 tỉ đồng) và 6A (trên 2.850 tỉ đồng) thì việc gửi ngân hàng lấy lãi còn hiệu quả hơn. Yếu tố kỹ thuật, hiệu quả kinh tế thấp trong khi những tác động đến môi trường rất lớn thì không nên xây hai thủy điện này” - ông Tuấn thẳng thắn.

Hơn 70 nhà khoa học đã đánh giá: báo cáo tác động môi trường của thủy điện 6 và 6A đã bỏ qua hoặc không đầy đủ các chi tiết đánh giá cần thiết.

Hội thảo kết luận: Nguồn tài nguyên nước và rừng đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai đang đứng trước những thách thức và rủi ro do tác động của việc phát triển hệ thống bậc thang thủy điện. ĐTM của hai dự án thủy điện 6, 6A cần đánh giá bổ sung việc ảnh hưởng ở mức độ lưu vực sông, tác động tổng hợp của các thủy điện cả vùng đầu nguồn và hạ nguồn; xem xét đến tính pháp lý của dự án và việc ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên, quan tâm đến các loài quý hiếm, các hệ sinh thái, nhất là khu đất ngập nước trong công ước RAMSAR Bàu Sấu, tác động tới sản xuất nông nghiệp ở vùng sản xuất nông nghiệp dưới đập...

Họ đã nói

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A phải trình QH

Dự án có sử dụng gần 140 ha đất của Vườn quốc gia Cát Tiên và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá lại việc điều chỉnh Vườn quốc gia Cát Tiên, nếu chiếm đất lớn, phải báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng xem xét, đánh giá lại hiệu quả công trình.

Cạnh đó, theo Nghị quyết 49 của QH, nếu chuyển mục đích sử dụng từ 50 ha trở lên đối với đất rừng đặc dụng hoặc vườn quốc gia thì phải báo cáo với QH. Hiện Bộ Công Thương đang xem xét và sẽ báo cáo với QH để xin chủ trương xây dựng hai công trình này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương VŨ HUY HOÀNG báo cáo trong phiên thảo luận ngày 6-8 của QH

Chủ đầu tư nên đánh giá lại tác động môi trường

ĐTM hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A chưa đúng, chưa nghiêm túc. Chủ đầu tư phải đánh giá lại đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của hai dự án này. Ngoài ra, cần có những hội thảo gồm các ban ngành, chủ đầu tư và những nhà khoa học để mổ xẻ những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học từ dự án.

TS VŨ NGỌC LONG, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới

Nhiều lỗ hổng trong điều tra xã hội học

Hai dự án thủy điện này có khả năng tác động hàng ngàn người dân nhưng ĐTM của dự án có nhiều lỗ hổng về điều tra xã hội học. Cụ thể, không phân định đối tượng bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư khẳng định dự án không giải tỏa người dân nhưng phiếu điều tra dành phần lớn câu hỏi liên quan đến việc giải quyết tái định cư, trong khi đó phần sinh kế của người dân lại rất nhợt nhạt, thậm chí không đề cập đến.

ThS LÂM ĐÌNH UY, VNR

MINH PHONG - NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm